Seatimes – (ĐNA). Sáng ngày 4/1/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 259/NQ-CP Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và các ban, ngành của trung ương và thành phố Hồ Chí Minh …
Thành lập các cơ quan để quản lý trung tâm tài chính gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp.
Về áp dụng các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030: ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay.
Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Từ năm 2030 đến năm 2035: tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Thủ tướng đã ban hành các quyết định thành lập và phê duyệt quy chế hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đồng thời phân công 49 nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho 12 bộ ngành, địa phương.
Trong đó tập trung 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút nhân tài quốc tế, thúc đẩy đổi mới tài chính và phát triển các công cụ tài chính mới, mở rộng hội nhập với các tổ chức tài chính toàn cầu, bảo đảm an ninh tài chính.
Chính phủ cũng thành lập ban chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực là Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình. 5 Phó trưởng ban còn lại gồm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã sẵn sàng
Trình bày tại hội nghị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của trung ương, sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả.
“Chúng tôi nhận thức rằng trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung các hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… mà còn là nơi hội tụ tri thức, công nghệ, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm tài chính chất lượng cao và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, trung tâm tài chính không chỉ là dự án kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới, là bước đi chiến lược, thu hút nguồn lực tài chính, nhân lực và đổi mới sáng tạo, dẫn dắt xu hướng tài chính xanh và bền vững.
thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết tâm cao nhất để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, kế hoạch của Chính phủ, triển khai nhanh chóng, khẩn trương, phối hợp cùng các bộ ngành trung ương để thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập ban chỉ đạo địa phương để điều phối công tác tổ chức thực hiện tại thành phố với các nhiệm vụ và kế hoạch hành động cụ thể. Đồng thời, quy hoạch không gian nghiên cứu phát triển trung tâm tài chính, bố trí khu vực trung tâm tài chính theo kế hoạch dự kiến.
Đồng thời, nghiên cứu mở rộng quy hoạch, gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm, ưu tiên kết nối hạ tầng đồng bộ, tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, bên cạnh nghiên cứu cơ chế và chính sách đặc thù, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo vệ thị trường an toàn lành mạnh
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung bố trí và huy động nguồn lực để phát triển, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về phía Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo triển khai đồng bộ sát với thực tiễn của TP và xu hướng quốc tế.
Hiện tại, Đà Nẵng đã định hình bộ máy quản lý vận hành trung tâm tài chính, triển khai kêu gọi xúc tiến nhà đầu tư, cũng như rà soát, chuẩn bị hạ tầng, hệ sinh thái phục vụ trung tâm tài chính trong tương lai.
Trước mắt, thành phố đang kêu gọi nhà đầu tư chiến lược xây dựng kết nối hạ tầng, trung tâm tài chính trong không gian hơn 6 ha hướng ra biển, đây là khu vực đã được Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch chung thành phố và hướng tới có diện tích gần 50 ha ở quận Sơn Trà để hình thành phố tài chính. Bí thư Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất và quy hoạch cho các nội dung này.
Đồng thời, thành phố tiến hành chuẩn bị nguồn lực công và tư, đặc biệt xây dựng đề án với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế và nguồn nhân lực phục vụ cho trung tâm tài chính tại Đà Nẵng và xây dựng kế hoạch phân công một số cán bộ đi học tập ở nước ngoài.
Mặt khác, Đà Nẵng đã phân công trách nhiệm cho một số cơ quan liên quan, tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách liên quan xuất nhập cảnh, trọng tài quốc tế.
Hiện Đà Nẵng đang tích cực, chủ động phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, dự kiến diễn ra chiều 16/1 tại Đà Nẵng, nhằm giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển trung tâm tài chính và quảng bá tiềm năng, điều kiện thuận lợi, cũng như tham vấn ý kiến cơ quan quản lý, nhà đầu tư chiến lược, định chế tài chính, quỹ đầu tư và các công ty tư vấn, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước về các cơ chế, chính sách đặc thù cần xây dựng trong dự thảo Nghị quyết.
Trong Hội nghị này, Đà Nẵng sẽ xúc tiến ký kết các bản ghi nhớ, hợp tác với một số định chế tài chính có liên quan trong việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, mời gọi nhà đầu tư, phát triển nguồn nhân lực.
Trên cơ sở đó, các quỹ đầu tư tài chính, nhà đầu tư sẽ cam kết, đồng hành cùng việc phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng theo hướng xanh, bền vững, cộng hưởng với các vị trí địa chính trị của thành phố cũng như xây dựng hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, nghỉ dưỡng của thành phố, tạo sự khác biệt giữa mô hình trung tâm tài chính quốc tế và trung tâm tài chính truyền thống.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và họp Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án của thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định rõ tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao. Đồng thời sẽ là hạt nhân của vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và là cực tăng trưởng của cả nước.
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch xác định đến 2030, tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Hồ Chí Minh dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số.
Tiếp tục phát triển thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: TP Thủ Đức là đô thị loại I và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên TP (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).
Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi – Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 – Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển). Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình thành phố đa trung tâm.
Cũng trong chuyến làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Nguyễn Gia Hân