đúng đắn trên mạng xã hội – Ảnh: Ngọc Thắng
Đánh giá công tác thông tin – truyền thông năm 2014, Thủ tướng cho rằng năm qua có bước tiến tốt, thông tin điều hành và các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng kịp thời đến với người dân. Tuy nhiên, cần phải phát huy hơn nữa và phải xem chức năng thông tin là một mảng công tác quan trọng; kịp thời cung cấp các quyết định của Thủ tướng, Chính phủ để toàn dân được biết, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong xã hội.
Theo Thủ tướng, thông tin luôn diễn ra hai chiều, do đó những vấn đề nóng hổi, bức xúc từ cuộc sống phải có đề xuất ngay để xử lý. “Thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, ai phải làm việc này ngoài Chính phủ? Trước đây phân công cho các Bộ, cho ngành này ngành kia phải có trách nhiệm nhưng Văn phòng Chính phủ phải tham mưu lên Thủ tướng, Chính phủ. Nếu không đúng, đề nghị lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ, ngành nói lại cho đúng để định hướng dư luận. Thông tin bây giờ đòi hỏi phải nhanh lẹ, kịp thời”, Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải thông tin cho chính xác, định hướng cho tốt dư luận trên mạng xã hội. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ.
“Không phải tôi cả nể”
Liên quan đến ý kiến trong Văn phòng Chính phủ cho rằng vẫn còn sự đan chéo, phân biệt chưa rõ ràng trong thẩm quyền của các Bộ, ngành và Thủ tướng, Chính phủ; nhiều Bộ, ngành mặc dù có thể quyết định được nhiều việc nhưng vẫn muốn trình lên Thủ tướng, trong khi Thủ tướng lại cả nể nên vẫn phải cho ý kiến quyết định…, Thủ tướng khẳng định bản thân mình không cả nể, nguyên nhân do thực tiễn có nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, địa phương, phải yêu cầu báo cáo xem xét do để quá chậm.
“Việc tắc như thế nhưng cứ để nhắc hoài, đưa lên đưa xuống. Không phải tôi cả nể không biết thẩm quyền nhưng có cái nhắc nhiều lần hoặc là do năng lực kém hoặc do sợ trách nhiệm. Nhưng vì cuộc sống, vì nhu cầu cấp bách của người dân phải làm trước rồi rút kinh nghiệm sau”, Thủ tướng nói và đề nghị quá trình tham mưu, nếu có vấn đề nảy sinh thuộc thẩm quyền Bộ, ngành mà thấy băn khoăn, khó xử lý, cứ mạnh dạn trình Thủ tướng cho ý kiến.
Liên quan đến việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cần phải làm tốt hơn, tránh để tình trạng như vụ Vinashin, mặc dù Thủ tướng ghi rõ văn bản không được mua tàu cũ nhưng vẫn mua. “Cái đó phải rút kinh nghiệm, khi đã có chỉ đạo rồi thì từng Vụ, chuyên viên phải theo chức trách của mình giám sát xem Bộ, ngành, đơn vị có thực hiện không, hay thực hiện đến đâu. Phải biết để nhắc nhở, nếu chậm chễ thì báo trình lên trên để xử lý”, Thủ tướng lưu ý.