Seatimes – Theo tin từ Reuters, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi Ukraine không sử dụng đạn chùm trong bối cảnh Mỹ đang gây tranh cãi với kế hoạch gửi chúng cho Kiev.
“Người Ukraine sẽ phải đối mặt mối nguy hiểm lớn nhất này trong nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm, nếu đạn chùm được sử dụng tại các khu vực Nga kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine”, Thủ tướng Hun Sen hôm nay viết trên mạng xã hội Twitter. Ông đề cập đến “những trải nghiệm đau thương” của Campuchia về đạn chùm mà quân đội Mỹ thả xuống vào đầu những năm 1970, di sản chiến tranh khiến hàng chục nghìn người bị thương tật hoặc thiệt mạng.
“Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Vẫn chưa có biện pháp nào dọn dẹp hết chúng”, Thủ tướng Campuchia cho biết thêm. “Với lòng cảm thông dành cho người dân Ukraine, tôi kêu gọi Tổng thống Mỹ, trên tư cách nhà cung cấp, và Tổng thống Ukraine, trên tư cách người nhận chúng, không sử dụng đạn chùm trong xung đột vì nạn nhân thực sự sẽ là người dân Ukraine”.
Lầu Năm Góc hôm 7/7/2023 công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine, trong đó có Đạn Thông thường Đa dụng Cải tiến (DPICM) được đánh giá là “hiệu quả cao và đáng tin cậy”.
DPICM là thuật ngữ chỉ chung nhiều loại đạn pháo và rocket mang đạn con, với thiết kế tương đồng nhau. Phần lớn đạn DPICM được chế tạo trong thập niên 1970-1990, gồm các loại đạn pháo cỡ 105, 155 và 203 mm, cũng như rocket 227 mm cùng Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) phóng từ pháo phản lực M270 MLRS và M142 HIMARS.
Quyết định của Mỹ đang vấp phải phản đối từ nhiều bên, như Nga, Liên Hợp Quốc, các tổ chức nhân đạo và cả đồng minh.
123 quốc gia trên thế giới đã ký Công ước Oslo cấm sản xuất, tàng trữ, bán và sử dụng bom, đạn chùm vào năm 2008, song Mỹ, Nga và Ukraine không tham gia ký kết. Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều bị cáo buộc sử dụng bom, đạn chùm trong chiến sự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận việc chuyển đạn chùm cho Ukraine là một “quyết định khó khăn”, song Washington cho hay họ đã nhận được đảm bảo từ Kiev rằng quân đội Ukraine sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro cho dân thường nếu sử dụng chúng.
Tại Campuchia, khoảng 20.000 người đã thiệt mạng trong 40 năm qua vì giẫm phải mìn hoặc vật liệu chưa nổ. Nỗ lực rà phá vẫn tiếp tục cho đến nay, trong đó Phnom Penh cam kết sẽ xóa sổ toàn bộ bom mìn và vật liệu chưa nổ vào năm 2025.
Hoàng Hạnh / Tapchidongnama.vn