Seatimes – Tạp chí điện tử Đông Nam Á giới thiệu toàn văn Thông cáo chung Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ 12 tổ chức tại tỉnh Tây Ninh ngày 25/4/2023.
- Thực hiện thỏa thuận tại Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ 11, Hội nghị lần thứ 12 đã được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 23-25/4/2023 dưới sự đồng chủ trì của Ngài Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Samdech Krolahom Sar Kheng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các tỉnh giáp biên Việt Nam – Campuchia.
- Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng, trên tinh thần hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia nói riêng và giữa Việt Nam với Campuchia nói chung. Hai bên đánh giá cao việc các cơ quan liên quan và địa phương hai nước, trong đó có các tỉnh giáp biên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong khuôn khổ “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022”, góp phần tăng cường nhận thức của các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
- Hai bên hài lòng nhận thấy kể từ Hội nghị lần thứ 11 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của tình hình thế giới và khu vực, Việt Nam và Campuchia vẫn duy trì quan hệ hợp tác và sự phối hợp chặt chẽ trên tất cả các mặt và ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, trong đó có các tỉnh giáp biên.
- Hai bên đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành liên quan hai nước trong việc chủ động phối hợp xây dựng khuôn khổ pháp lý và các cơ chế hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các tỉnh giáp biên, phù hợp với phương hướng đã đề ra tại Hội nghị Hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ 11. Hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ cho các tỉnh giáp biên tăng cường hợp tác và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.
- Hai bên đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng nhằm giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh của mỗi nước. Hai bên giữ vững nguyên tắc không cho phép lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này đe dọa tới an ninh, ổn định hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước kia.
Để góp phần tiếp tục củng cố một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, lực lượng chức năng và chính quyền các cấp của hai bên đã hợp tác tốt trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên biên giới, tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm kinh tế và các loại tội phạm có tổ chức, nhằm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới hai nước và ngăn chặn không để các loại hình tội phạm này xâm nhập vào lãnh thổ mỗi nước. Hai bên đã kịp thời trao đổi, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, hỗ trợ nhau đảm bảo an ninh các sự kiện quan trọng của mỗi nước trong năm 2022.
- Hai bên hài lòng nhận thấy rằng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung và giữa các tỉnh biên giới nói riêng đạt được kết quả tích cực. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song kim ngạch thương mại hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 10,57 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2021 (thống kê của Việt Nam). Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đặc biệt tăng cường sự hợp tác kết nối giữa các tỉnh giáp biên, thúc đẩy sự liên kết chuỗi cung ứng, sản xuất, nhằm tạo môi trường thuận lợi trong việc thúc đẩy, thu hút đầu tư và thương mại hai chiều và nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại biên giới, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về thúc đẩy đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, thúc đẩy sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Campuchia đến năm 2030.
Hai bên thúc đẩy và thu hút các nhà đầu tư của hai nước cùng nhau tìm kiếm cơ hội để phát triển đặc khu kinh tế Campuchia – Việt Nam ở các tỉnh Campuchia giáp biên với Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn nữa chuỗi cung ứng liên kết nguyên liệu công nghiệp phục vụ đầu vào và cung ứng sản phẩm công nghiệp đầu ra tới người tiêu dùng trong khu vực, kể cả duy trì sự bền vững chuỗi cung ứng.
Phía Campuchia nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục nội bộ để phê chuẩn Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ Vương quốc Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký ngày 08/11/2022 tại thủ đô Phnom Penh. Campuchia hoan nghênh việc Việt Nam phê duyệt Hiệp định, đồng thời hai bên quyết tâm thực hiện hiệu quả Hiệp định này khi có hiệu lực.
- Hai bên hoan nghênh việc tổ chức thành công Lễ công bố hoạt động cặp cửa khẩu quốc tế Tân Nam (tỉnh Tây Ninh) – Moeun Chey (tỉnh Prey Veng) ngày 31/5/2021 và Lễ công bố khai trương hoạt động của lối đường bộ thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương (An Giang) – Kaorm Samnor (Kandal) ngày 23/02/2023.
Hai bên nhất trí tiếp tục đầu tư phát triển hiệu quả hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền giữa hai nước, trong đó có việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu đã thống nhất; đồng thời, thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở giao thông kết nối hai bên biên giới và kết nối khu vực cửa khẩu với các trung tâm kinh tế lớn của mỗi nước, trong đó có cặp cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) – Kaorm Samnor (Kandal). Với tinh thần đó, hai bên nhất trí cùng nhau thúc đẩy xây dựng hạ tầng cơ sở cửa khẩu quốc tế Tân Nam (Tây Ninh) – Meun Chey (Prey Veng) để tiến tới sớm tổ chức Lễ khai trương chính thức cặp cửa khẩu biên giới này có thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ hai nước (Campuchia – Việt Nam). Hai bên nhất trí trao đổi khả năng đưa vào hoạt động cặp cửa khẩu song phương Đắk Ruê (Đắk Lắk) – Chi Meat (Mondulkiri).
- Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia sớm tiến hành đàm phán để đưa cặp cửa khẩu quốc tế Tân Nam (Tây Ninh) – Meun Chey (Prey Veng) và cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương (An Giang) – Kaorm Samnor (Kandal) vào Phụ lục IV về các cặp cửa khẩu cho phép quá cảnh hàng hóa đính kèm Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia năm 2013.
- Hai bên tiếp tục hợp tác trong việc mua bán điện nhằm đảm bảo việc vận hành an toàn, thông suốt và khắc phục dứt điểm tình trạng dao động công suất trên đường dây truyền tải điện giữa hai nước.
- Phía Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh tại các tỉnh giáp biên với Campuchia đã hỗ trợ khám chữa bệnh cho người dân Campuchia với mức viện phí như công dân Việt Nam mà không cần thẻ bảo hiểm y tế. Hai bên hỗ trợ nhau xây dựng ngành y tế thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị cho các tỉnh giáp biên Việt Nam – Campuchia theo khả năng và tình hình thực tế.
Hai bên triển khai hiệu quả “Hiệp định về kiểm dịch y tế biên giới” ký năm 2006 và tiếp tục thúc đẩy chính quyền các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp của Chính phủ và Bộ Y tế hai nước nhằm ngăn chặn sự lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vào cộng đồng của nước kia.
- Hai bên thúc đẩy Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) và Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng (Campuchia) sớm hoàn tất việc thảo luận và ấn định ngày ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia về Quy chế sử dụng nguồn nước dọc biên giới để người dân sống trong khu vực biên giới có thể sử dụng nước phục vụ đời sống, nông nghiệp và sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần quản lý, bảo vệ bền vững nguồn nước sông Mê Công, đóng góp vào việc xây dựng biên giới hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hai bên nhất trí chia sẻ kịp thời thông tin về khai thác, sử dụng, tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan tại lưu vực sông Sê San, Sre-Pốk và vùng châu thổ sông Mê Công.
- Hai bên hoan nghênh lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ngày 22/12/2020. Đồng thời, hai bên hoan nghênh Lễ bàn giao bộ bản đồ địa hình biên giới Việt Nam – Campuchia tỷ lệ 1/25.000 giữa Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền của hai nước được tổ chức ngày 01/8/2020 tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
- Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp lý liên quan đến công tác biên giới đất liền, tích cực tuyên truyền, phổ biến nhận thức của người dân và chính quyền các tỉnh biên giới nhằm tiếp tục củng cố, duy trì đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh dọc theo biên giới. Hai bên thông báo cho nhau về đầu mối liên hệ của Cơ quan biên giới địa phương mỗi bên, phía Việt Nam là Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh do 1 đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng Ban và phía Campuchia là Tiểu ban biên giới tỉnh do Tỉnh trưởng làm Trưởng Ban.
- Hai bên khuyến khích các tỉnh biên giới tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, thể thao, tư pháp, công nghiệp, công nghệ đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, thông tin và truyền thông.
Hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương của Lào để tích cực triển khai hiệu quả “Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su bền vững trong khu vực Tam giác phát triển CLV” và “Kế hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Tam giác phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030” đồng thời tăng cường hợp tác quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch và thúc đẩy các hoạt động du lịch, thể thao, giao lưu Nhân dân và tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau giữa các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia ngày càng gắn bó, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật mỗi bên.
- Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy và tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, tuyên truyền giữa các tỉnh biên giới nhằm tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên, góp phần vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa chính quyền và nhân dân hai nước.
- Hai bên nhất trí tổ chức Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Campuchia – Việt Nam lần thứ 13 tại Vương quốc Campuchia trong năm 2024. Thời gian và địa điểm cụ thể của Hội nghị sẽ được thông báo thông qua đường ngoại giao.
Tỉnh Tây Ninh, ngày 25 tháng 4 năm 2023
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ