Ông Trần Văn Danh sinh năm 1923, tên thật là Trần Văn Bá, là con của một nhà hoạt động cách mạng. Từ khi 12 tuổi, Trần Văn Bá đã được cha sai đi rải truyền đơn bí mật, kêu gọi ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 7-1945, ông tham gia tổ chức bí mật Thanh niên Cứu quốc. Trong Cách mạng Tháng Tám-1945, ông tham gia giành chính quyền ở Hóc Môn. Một thời gian ngắn sau đó, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh, tái chiếm Nam Bộ. Trần Văn Bá đăng ký gia nhập Đội trinh sát Quân khu 7, chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Nhờ đó, ông nắm chắc địa bàn miền Đông, đặc biệt là thuộc lòng từng kênh rạch, con hẻm khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Khi kết nạp vào đảng Đảng Cộng sản, Trần Văn Bá xin đổi tên thành Trần Văn Danh (bí danh Ba Trần).
Năm 1949, ông được đề bạt làm Tham mưu phó kiêm Trưởng ban quân báo tỉnh Thủ-Biên. Năm 1954, Ba Trần đã trở thành Phó Chính ủy kiêm Bí thư Trung đoàn ủy của Trung đoàn 556, một đơn vị bộ đội nổi tiếng với những chiến công đánh Pháp ở miền Đông Nam Bộ.
Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông Trần Văn Danh tập kết ra Bắc, được phong quân hàm thiếu tá và đi học văn hóa lẫn nghiệp vụ chuyên môn tình báo. Đến tháng 12-1960, ông được tổ chức giao nhiệm vụ trở về miền Nam chiến đấu. Ông Nguyễn Văn Linh gặp ông và thông báo, Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Quân sự Miền, do ông Trần Văn Quang làm trưởng ban, ông được phân công làm trưởng ban tình báo chiến lược trực thuộc Ban Quân sự Miền, về sau được đề bạt làm Phó tham mưu trưởng Miền phụ trách công tác tình báo, đặc công, biệt động.
Lúc đó, lực lượng tình báo của ta bị tổn thất rất nặng. Chính quyền Ngô Đình Diệm với chính sách “tố cộng, diệt cộng” đã triệt phá, bắn giết và bỏ tù hàng loạt cán bộ tình báo. Vì vậy, ông Trần Văn Danh và các đồng chí của ông phải bắt tay xây dựng lại ngành tình báo. Nhiều cán bộ tình báo từ Trung ương được tăng cường. Lợi dụng địch mâu thuẫn nội bộ, phía ta đã giải thoát nhiều cán bộ tình báo đang bị tù đày, bố trí hoạt động trở lại. Từ đó, các điệp viên của ta lại len vào các cơ quan đầu não của địch như: Tòa Đại sứ Mỹ, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo…
Điển hình nhất là vụ giải cứu ông Trần Quốc Hương (Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban An ninh T4) thoát khỏi nhà tù. Lợi dụng tình hình rối ren sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11-1963, ông Mai Chí Thọ chỉ thị bằng mọi cách phải giải cứu ông Mười Hương. Khi địch chuyển từ nhà tù Huế vào tổng nha cảnh sát Sài Gòn để phúc tra. Ông Ba Trần cử ông Tư Cang phối hợp với ông Phạm Xuân Ẩn giải cứu thành công và đưa ông Mười Hương về căn cứ cụm tình báo A.18 tại Bến Đình, Củ Chi.
Ông Ba Trần rất giỏi trong mưu lược và nhạy bén với tình hình trên chiến trường. Lực lượng tình báo, đặc công, biệt động của quân giải phóng đã lập được những chiến công vang dội dưới tài chỉ huy và tổ chức của ông. Năm 1965, Cục tham mưu Miền được thành lập, ông là phó tham mưu phụ trách về công tác tình báo, đặc công biệt động của quân giải phóng do thượng tướng Trần Văn Trà làm tư lệnh. Sau này đổi tên thành Bộ tham mưu Miền B2. Lực lượng biệt động thành Sài Gòn-Gia Định lúc đó do tướng Trần Hải Phụng, Tư Chu, Bảy Sơn chỉ đạo trực tiếp.
Dấu ấn của ông và các cán bộ tình báo nội thành đã khai thác rất nhiều thông tin tối mật của địch như các kế hoạch: Maccarr, Hackin, Mcnamara, bình định nông thôn, Việt Nam hóa chiến tranh và các âm mưu chuyển hướng chiến lược của cơ quan đầu não CIA Mỹ, chính quyền Sài Gòn, cơ quan đặc phủ trung ương tình báo VNCH… kịp thời báo cáo cho Bộ Tư lệnh Miền, Trung ương Cục và Trung ương Đảng tại Hà Nội có những chủ trương, quyết sách đúng đắn làm tan rã các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của địch. Năm 1965, quân Mỹ và chư hầu tổ chức trận càn Jonhson City vào Bắc Tây Ninh với quy mô lớn chưa từng có: 45.000 quân, 775 xe tăng, thiết giáp, 160 máy bay các loại cùng 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn… Nhờ công tác tình báo chính xác, nắm chắc kế hoạch và âm mưu địch, Trung ương Cục đã chỉ đạo dời tránh an toàn căn cứ địa, bày bố trận địa đập tan mưu đồ của địch một cách thảm hại khi vừa đặt chân vào căn cứ Tây Ninh.
Về phát triển tư tưởng tình báo hành động, ông Ba Trần đã chỉ huy nhiều trận đánh đặc công nổi tiếng. Có thể nói những chiến công vang dội của Trung Đoàn 10 đặc công Rừng sác đều có sự lãnh đạo của Cục tham mưu Miền và người trực tiếp là ông Ba Trần. Cuối năm 1972, Quân ủy Miền chỉ thị Ba Trần tập trung nghiên cứu, trinh sát tập kích kho bom thành Tuy Hạ (Đồng Nai). Đây là nơi dự trữ bom đạn chiến lược của Mỹ phục vụ chiến tranh Đông Dương. Kho bom được bảo vệ bằng hàng chục lớp rào kẽm gai cao 3m, bên trong có hào sâu, đập cao, thả các loại chó béc-giê, ngỗng và nhiều bót canh phát hiện xâm nhập từ xa. Ông Ba Trần chỉ đạo cho Đại đội 32, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vào trận đánh quyết tử này.
Rạng sáng 12-11-1972, tổ đặc công gồm 4 chiến sỹ do Nguyễn Hữu Hòa chỉ huy mang 32 khối thuốc nổ đã phá hủy 15 kho bom CBU, 17 kho đạn pháo 105 li cùng 10.000 tấn bom đạn, hủy diệt toàn bộ 33 nhà kho làm thương vong hàng trăm tên địch. Đúng 1 tháng sau, vào 2h sáng ngày 12/12/1972, Đội 5, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác bí mật áp sát kho bom một lần nữa phá hủy 80 dãy nhà kho, chứa gần 18.057 tấn bom đạn. Kho bom Tuy Hạ cháy nổ suốt 3 ngày đêm khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn khiếp sợ, kinh hoàng.
Tiếp tục kế hoạch phá hủy phương tiện, nhiên liệu phục vụ chiến tranh của địch, Ba Trần chỉ huy các lực lượng Đặc công Rừng Sác, trinh sát tập kích kho xăng dầu Nhà Bè, gây chấn động dư luận trong nước và thế giới vào đêm ngày 2, rạng sáng 3/12/1973…
Nói về tài chỉ huy sáng tạo của ông Ba Trần, ông Tư Cang (Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu), nguyên cụm trưởng cụm tình báo quân sự H63 kể, “anh Ba là người phát triển tư tưởng tình báo hành động, có nghĩa là tình báo kết hợp với đặc công để luồn sâu đánh hiểm, tiêu diệt sinh lực địch. Nhớ lại trong năm 1969 sau trận Mậu thân, Trung ương Cục và các đơn vị chủ lực của ta phải rút về đóng sâu trên đất Campuchia cách đường biên giới với Việt Nam. Năm 1970, Mỹ giật dây Lonol làm đảo chính Xihanuc. Tình hình hết sức khó khăn, ta bị kẹp ở thế hai gọng kìm, dưới này thì tụi Mỹ đánh lên, bên trong thì Lonol đánh xuống để đuổi chúng ta về phía biên giới. Anh Năm Ngà (thượng tướng Nguyễn Minh Châu) tham mưu trưởng đã gọi anh Ba ra hỏi ý kiến, giờ chúng ta phải tính sao ? Kiểu này chúng sẽ tiêu diệt chúng ta mất? Chúng cắt mất đường tiếp vận của chúng ta từ ngoài Bắc vô trong này rồi, anh Ba? Anh Ba trả lời, không lẽ ngồi yên để chúng đánh? Nhưng đánh bằng cách nào? Phải dùng những nhóm nhỏ tinh nhuệ để đánh tiêu diệt, phá thế bị bao vây. Lấy tình báo làm nòng cốt, đó là tình báo vũ trang kết hợp với đặc công tinh nhuệ của chúng ta hình thành cách đánh kiểu tình báo hành động. Do đó, phòng tình báo Miền thành lập ngay đoàn O22B do anh Mười Cơ, phó phòng tình báo Miền phụ trách. Trên cơ sở này, bộ tham mưu Miền ra quyết định thành lập đoàn 367 đặc công biệt động kết hợp với tình báo tiêu diệt bè lũ Lonol ở Campuchia, nối lại đường tiếp tế từ ngoài miền Bắc vào, giải vây cho cơ quan đầu não của Trung ương Cục đóng trên đất Campuchia. Năm 1970, Đoàn 367 được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND với những thành tích đặc biệt xuất sắc do anh Mười Cơ chỉ huy đã xoá sổ binh chủng không quân của Lonol bằng trận đánh sân bay Pochenton, phá hủy hơn 100 máy bay, kho bom, kho vũ khí của địch, xoá sổ lực lượng thiết giáp của chúng. Năm 1974, anh Ba cũng đề xuất cho thành lập lữ đoàn đặc công biệt động 316 do tình báo chỉ huy theo mô hình đoàn 367 để chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Lữ đoàn 316 lại được giao cho anh Mười Cơ làm lãnh đạo.
Tháng 4/1975, khi Quân giải phóng chuẩn bị mở chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng Sài Gòn, Lữ đoàn 316 là đơn vị đi đầu, đánh lót ổ các cơ quan đầu não của địch và bảo vệ các cây cầu trọng yếu để đại quân tiến vào. Dự kiến những trận đánh của 316 sẽ diễn ra trên các con phố của nội thành sẽ rất ác liệt, khi ấy tôi và anh Sáu Trí đang theo học lớp chính trị và quân sự cao cấp ở Hà Nội được Bộ tham mưu miền điện ra xin trở về gấp để tham gia chiến dịch lịch sử. Người đề xuất việc này chính là anh Ba. Anh Sáu Trí về trước tôi mấy hôm. Tôi được anh Ba giao làm chính ủy cánh Bắc (thay anh Tư Được) của lữ đoàn 316 cùng với anh Mười Cơ . Nhớ lại cách anh Ba giao nhiệm vụ năm đó, giờ không thể quên. Ngày 22/4/1975 tôi về tới phòng tình báo Miền B2, thông báo cho anh Ba biết để chờ chỉ thị. Anh Ba kêu điện thoại nói:
– Tư Cang về rồi hả?
– Dạ, tôi về tới nơi rồi.
– Khỏe không? Có đánh giặc được ngay không?
– Dạ, khoẻ re. Đánh giặc được liền.
– Vậy nghe tui dặn nè: anh nói giao liên đưa anh xuống ngay cánh Bắc của lữ đoàn 316 chỗ Mười Cơ. Anh thay anh Tư Được làm chính ủy. Công việc gấp gáp lắm rồi đó. Tôi đã dặn anh em dưới đó rồi.
– Dạ, báo cáo rõ! Nhưng phải có văn bản quyết định cụ thể chứ anh Ba?
– Trời, giờ này không cần văn bản gì hết! Cứ vậy mà làm!
– Rõ!
Đấy, anh Ba là người như thế, quyết liệt lắm, tướng chỉ huy phải mạnh mẽ vậy. Tụi tôi lính lác, chấp hành cái một rồi vào trận!
Anh Sáu Trí được anh Ba giao nhiệm vụ đặc biệt của tình báo trở vào trong thành và ảnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với đồng đội tác động Dương Văn Minh tuyên bố hạ vũ khí, giữ cho Sài Gòn còn nguyên vẹn, đã không phải đổ máu vô ích, tiếp quản và bảo vệ trọn vẹn tài liệu hồ sơ của địch tại tổng nha cảnh sát, phủ đặc ủy trung ương tình báo nguỵ. Lữ đoàn 316 của tụi tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chiếm được các mục tiêu được giao, đã có hy sinh rất nhiều, đặc biệt là trận đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ Sài Gòn đã hy sinh 52 chiến sĩ. Cả phòng tình báo Miền B2 và Lữ đoàn 316 sau đó đều được tuyên dương AHLLVTND. Vẫn biết, công lao là của tập thể, nhưng công lao, đóng góp của người chỉ huy như anh Ba là rất to lớn”.
Trở lại công tác tình báo, Fran Snepp chuyên gia phân tích thông tin tình báo của CIA tại Sài Gòn đã viết trong cuốn sách ” Cuộc tháo chạy tán loạn 1975 ” của mình đã xếp ông Ba Trần là một trong 4 nhà tình báo giỏi nhất của Việt cộng trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng trên tất cả ông Ba Trần là người chỉ huy tình báo đặc biệt xuất sắc trong những thời điểm khó khăn của cuộc chiến.
Ông Sáu Trí luôn ca ngợi sự chỉ đạo sắc bén của ông Ba Trần sau khi lưới tình báo A.22 của ông Vũ Ngọc Nhạ bị vỡ. Trong thời điểm khó khăn đó, nếu không tỉnh táo thì hàng loạt lưới tình báo sẽ bị đổ vỡ, thiệt hại sẽ vô cùng to lớn. Ưu tiên hàng đầu là phải bảo vệ an toàn cho điệp viên, phải chấp nhận rút vào căn cứ những người có nguy cơ bị lộ, nhờ đó mới bảo vệ được an toàn cho điệp viên. Cô Tám Thảo cụm H.63 đang phát huy rất hiệu quả trong hoạt động của mình tại bộ chỉ huy tình báo Hải quân Mỹ đã được yêu cầu rút ngay về căn cứ để bảo vệ an toàn cho cho X6, Phạm Xuân Ẩn ; rút cụm trưởng A.36 về căn cứ để bảo vệ an toàn cho ông Ba Quốc (thiếu tướng Đặng Trần Đức); rút ông Tư Bốn về căn cứ,…tất cả những chỉ đạo của ông Ba Trần cho phòng tình báo Miền đều rất chính xác khi thực tế sau đó chứng minh.
Hiệp định Paris được ký kết tháng 3 năm 1973, ông được cử làm Phó trưởng Đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên ở Trại Đa-vít Tân Sơn Nhất thực thi Hiệp định Pa-ri. Đại diện cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trại Davis khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là trung tướng Trần Văn Trà, Trưởng đoàn và các phó trưởng đoàn gồm đại tá Võ Đông Giang, đại tá Đặng Văn Thu (Đoàn Huyện), đại tá Trần Quốc Minh (chính là ông Ba Trần, Phó trưởng đoàn kiêm Trưởng tiểu ban hai bên) cùng các ủy viên như Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Hoàn, Dương Đình Thảo, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Văn Tư…
Đến Chiến dịch Phước Long, ông lại được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh chiếm núi Bà Đen ở Tây Ninh, một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là điểm chỉ đường cho B52 cùng các loại máy bay của địch. Lực lượng do ông chỉ huy còn thu hút hỏa lực của Lữ đoàn Biệt kích dù 81 của ngụy, kiềm chế Sư đoàn 25 bộ binh ngụy; ngăn chặn không cho địch yểm trợ Phước Long khi ta tiến công. Chiến dịch Phước Long là chiến dịch mà lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh, lại ở ngay gần Sài Gòn, qua đó thăm dò chiến lược khả năng của quân ngụy và giúp ta phát hiện rằng Mỹ không dám đưa can thiệp trở lại Việt Nam.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Ba Trần có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đặc công, biệt động bí mật chiếm giữ trước và bảo vệ an toàn 16 cây cầu dẫn vào Sài Gòn để mở đường cho đại quân miền Bắc tiến vào trung tâm thành phố và ngăn chặn không cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa phá hoại những mục tiêu quan trọng như: Đài phát thanh, kho xăng, nhà máy điện, nhà máy cấp nước, kho tàng, hồ sơ lưu trữ. Các chiến sĩ tình báo, đặc công, biệt động thành dưới sự chỉ huy của ông Ba Trần đã chiếm và bảo vệ cầu Rạch Chiếc, Sài Gòn, Bình Lợi, Bình Triệu, Bình Điền… trước giờ giải phóng Sài Gòn để quân chủ lực tiến vào.
Gần một giờ đêm 30 tháng 4 năm 1975, ngay lúc Sài Gòn vừa được giải phóng, ông Phạm Hùng – Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã công bố quyết định của Đảng và Nhà nước trong trường hợp đặc biệt: phong Đại tá Trần Văn Danh hàm Thiếu tướng, nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố về an ninh quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Sài Gòn – Gia Định. Một phần thưởng vô cùng xứng đáng cho một quân nhân với những cống hiến tuyệt vời trong thời khắc lịch sử đó của đất nước.
Ông Tư Cang kể tiếp: “Lúc đó sau giải phóng được mấy hôm, lực lượng tình báo miền vẫn đang đóng quân trong thành phố, anh Ba Trần cho gọi tôi lên rồi nói : giờ tui về đây, đường xá cũng không rành, tình hình an ninh ở thành phố trong buổi đầu còn rất lộn xộn. Tui muốn anh về giúp cho tui một tay. Anh lái xe giỏi, thông thạo đường phố Sài Gòn, bắn súng 2 tay giỏi lại viết báo cáo, tổng hợp rất nhanh. Anh giúp tui thời gian đầu nghen? Nghe anh Ba nói vậy, là cấp dưới, tôi sao dám từ chối. Thế là tôi vừa là tài xế cho anh Ba, vừa là người bảo vệ, lại kiêm luôn thư ký ghi chép giúp việc cho ảnh. Được khoảng hơn hai tuần, anh Ba lại trao đổi: anh giúp việc cho tui quá tốt rồi. Nhưng để trung tá như anh lái xe cho tui, thấy kỳ quá? Hay anh kiếm cậu lính nào trong đoàn J22 về lái xe giúp tui được không? Tôi cũng hiểu ý của anh Ba, kiếm được cậu lính ở đoàn J22 về lái xe cho ảnh, còn tôi thì trở về đơn vị. Đó, cuộc đời binh nghiệp của anh Ba sáng chói vậy đó, hơn ba mươi năm đi qua hai cuộc chiến và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Có chi tiết cũng cần nhắc lại, anh Ba là phó đoàn quân sự của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam-Việt Nam trong ban liên hợp quân sự 4 bên thi hành hiệp định Paris đóng ở trại Davis (sân bay Tân Sơn Nhất). Hôm xuống sân bay, tụi CIA soi kỹ các thành viên của đoàn, anh Ba lấy tên Trần Quốc Minh. Tụi nó cũng nhận ra đó là trùm tình báo Ba Trần, cũng may do nhạy cảm của công tác tình báo, anh Ba đã thông báo để tổ chức kịp đưa ngay vợ con anh Ba đang ở Sài Gòn vào thẳng căn cứ, suýt chút nữa thì chúng bắt được vợ con anh Ba ngay giữa Sài Gòn”.
Cũng như mọi quân nhân sau khi chiến tranh khép lại, họ buông súng để trở về đời thường. Năm 1978, ông Ba Trần được giao trọng trách phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh dưới thời bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Trong một lần nghiên cứu hồ sơ quy hoạch cũ của chế độ VNCH, ông Ba Trần thấy có đề án khảo sát làm nhà máy thủy điện ở khu vực Trị An, hạ lưu sông Đồng Nai. Tình hình thiếu điện ở thành phố lúc đó cho sản xuất và sinh hoạt rất trầm trọng. Ông Ba Trần đã đề xuất phương án khảo sát làm nhà máy thủy điện ở đây để giải quyết điện năng không chỉ cho thành phố mà còn cho cả vùng Đông Nam bộ. Ông Sáu Dân và tập thể thành ủy tán thành đề xuất này của ông Ba Trần, dự án khảo sát nhanh chóng được thông qua.
Được trở về chiến khu D thời đánh giặc, nay với cương vị lãnh đạo, ông Ba Trần lại khoác ba lô cùng với anh em đi tìm điện năng làm giàu cho đất nước. Dự án xây dựng nhà máy thủy điện ở Trị An công suất 400MW được nhà nước thông qua với phần thiết kế và thiết bị do Liên xô giúp đỡ (dạng cho vay có hoàn lại). Phía Việt Nam phải tổ chức thi công với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên xô.
Ông Sáu Dân đã cho mời ông Ba Trần lên làm việc rồi nói, giờ phải xây dựng nhà máy thủy điện này, chúng tôi cũng kiếm hoài mà chưa ra người chỉ huy trưởng chỉ đạo công trình này. Hay anh Ba làm chỉ huy trưởng được không? Công trình này phải huy động sự góp sức của mọi tầng lớp nhân dân thành phố, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chậm một ngày phát điện là chậm sự hồi sinh và phát triển của thành phố, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn lắm? Đây là trận đánh lớn, anh phải là người chỉ huy, chúng tôi đứng sau lưng, anh không phải lo.
Vậy là ông Ba Trần phải nhận nhiệm vụ mới của chính phủ, thôi chức phó chủ tịch UBND TP, được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Năng lượng, Chỉ huy trưởng Công trình xây dựng thủy điện Trị An. Ở tuổi 60, tướng Ba Trần lại vào trận, dựa vào dân, huy động sức người, sức của của nhân dân để ngày đêm vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn thi công công trình. Từng ký gạo, từng gói mỳ, từng ký thịt, ký cá được nhân dân thành phố chia sẻ với những người thợ xây dựng ở công trường theo tiếng gọi của người chỉ huy tài ba cả trong chiến đấu và trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Dù có sai sót do thiết kế của phía bạn, nhưng mọi thứ đều được xử lý thật nhanh để đất nước đón chờ dòng điện từng ngày của nhà máy. Với nỗ lực phi thường của nhân dân, dưới sự chỉ huy quyết liệt của tướng trận Ba Trần, công trình đã đưa tổ máy số 1 phát điện trước 1,5 năm so với kế hoạch, tiết kiệm được rất nhiều nguyên vật liệu trong xây dựng. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như thế lại vướng cơ chế quan liêu bao cấp, nhưng ông Ba Trần đã động viên được những đóng góp to lớn của người dân là một kỳ tích để đưa công trình về đích.
Ngày tổ máy cuối cùng phát điện năm 1990 thì cũng là ngày ông Ba Trần được Nhà nước vinh dự trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động. ông Sáu Dân đã ôm hôn ông Ba Trần ngày trao danh hiệu anh hùng lao động cho ông, người ta đã nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên cả hai khuôn mặt, không khác gì thời khắc họ ôm nhau ở sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh hơn 15 năm trước khi nghe tin tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh. Nước mắt của ngày chiến thắng, kết thúc chiến tranh, nước mắt cho dòng điện Trị An bừng sáng đánh thức kinh tế cả một khu vực năng động nhất của cả nước, nước mắt của một vị tướng tình báo cám ơn Đảng, cám ơn nhân dân, cám ơn đồng đội đã cho ông được cống hiến trọn đời cho lý tưởng cộng sản mà ông đã mãi đặt nó trong con tim của mình giống như những bậc tiền bối cộng sản đã tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trên quê hương mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn của ông. Năm 2003, ông Ba Trần đã ra đi, hưởng thọ 80 tuổi.
Mười chín năm sau, vào tháng 1/2022, ông Ba Trần đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Tuy có muộn, nhưng những đóng góp to lớn của ông trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được Đảng và Nhà nước ghi công. Ông Ba Trần mãi mãi là người anh hùng sống trong lòng dân và mọi người sẽ nhớ đến ông, người lính bộ đội cụ Hồ hai lần được tuyên dương Anh Hùng.
Hoàng Hạnh/nguồn tapchidongnama.vn