Seatimes – Trong ngày 10/2/2023, top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán sở hữu khối tài sản hơn 393.000 tỷ đồng, suy giảm 19.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước và giảm 5.000 tỷ đồng tính từ phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022. Đây nhìn chung là 1 tuần không mấy vui vẻ của 6 vị tỷ phú khi mỗi người đều mất trên dưới 1.000 tỷ. Họ đang nắm tổng cộng 242.000 tỷ đồng tại ngày 10/2, chiếm gần 2/3 tổng tài sản của top 30. Với diễn biến ảm đạm của thị trường, TTCK Việt Nam tiếp tục có tuần giao dịch ảm đạm khi VN-Index giảm về sát mốc 1.060 điểm, khiến cho khối tài sản của top 30 người giàu nhất sàn giao dịch tiếp tục hao hụt từ đầu năm tới nay.
Theo đà đi xuống của cổ phiếu bất động sản, VIC của Vingroup là một trong những mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường tuần qua. Kết phiên 10/2, VIC giảm xuống còn 54.000 đồng/cp. Giá cổ phiếu giảm khiến chủ tịch Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng “mất” 4.400 tỷ sau 1 tuần và cũng là người mất nhiều tiền nhất trong top 30. Tài sản của ông hiện còn gần 120.000 tỷ đồng.
Mã HPG cũng giảm xuống còn 20.500 đồng/cp khiến ông Trần Đình Long đánh bay gần 1.000 tỷ. Song nếu so với năm ngoái thì con số này đã kéo Chủ tịch Hoà Phát trở lại vị trí top 2 và trụ vững những tuần qua. Vợ ông Long – bà Vũ Thị Hiền cũng vươn lên top 9.
Cuộc đua tranh top 2 ngày càng bớt kịch tính, do bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang mỗi người tiếp tục đánh bay 1.600 tỷ sau khi hai mã MSN, TCB có 1 tuần giao dịch ảm đạm, tạo thêm khoảng cách với Chủ tịch Hoà Phát.
Tài sản của CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cũng bị giảm trên nghìn tỷ do giá cổ phiếu công ty giảm.
Cùng với Chủ tịch Vĩnh Hoàn, Chủ tịch Sunshine Homes Đỗ Anh Tuấn là 1 trong 2 người rớt hạng mạnh nhất. Trước đó, ông vẫn thường xuyên là gương mặt cạnh tranh sát sao ở vị trí top 2 với các tỷ phú đô la. Tuy vậy hiện đã rơi xuống top 5 với tài sản còn 25,6 nghìn tỷ.
3/30 đại diện ở điểm cân bằng là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch SeABank và Chủ tịch Kosy Group.
Tuần qua, cổ phiếu “nóng nhất” là VNZ của CTCP VNG khi có 7 phiên tăng trần liên tiếp lên 893.400 đồng/cp, qua đó đưa tài sản của CEO Lê Hồng Minh nhanh chóng tăng lên 3.150 tỷ đồng.
Novaland cân nhắc khả năng bán bớt tài sản
Vào thời điểm cuối năm 2022, backlog chưa thực hiện của Novaland là 10,4 tỷ USD – tăng 39% so với cùng kỳ, trong đó Aqua City đóng góp 50%, NovaWorld Phan Thiết đóng góp 25% và NovaWorld Hồ Tràm đóng góp 11%.
“Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm (1) đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, (2) tập trung phát triển các dự án trọng điểm và (3) cân nhắc khả năng bán bớt tài sản” – Đây là thông tin được cập nhật tại Báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC) sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) diễn ra vào ngày 10/02.
Tuy nhiên, VCSC cho biết Novaland không công bố thêm thông tin về quá trình tái cơ cấu.BCTC hợp nhất quý 4/2022 của Novaland cho biết, doanh thu thuần đạt 3.244 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 239 tỷ đồng – giảm 71%.
Theo VCSC, LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) giảm mạnh so với cùng kỳ do (1) số lượng bàn giao dự án ít hơn, (2) biên lợi nhuận gộp giảm từ 44,9% trong quý 4/2021 còn 33,6% trong quý 4/2022 và (3) chi phí thuế thực cao (mức thuế suất thực là 67,5% vào quý 4/2022 so với 36,9% vào quý 4/2021).
Cả năm 2022, doanh thu thuần của Novaland đạt 11,1 nghìn tỷ đồng – giảm 25%, chủ yếu nhờ bàn giao tại Aqua City, NovaWorld Phan Thiết và NovaWorld Hồ Tràm. Mặc dù LN từ HĐKD giảm 47% do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cao, LNST sau lợi ích CĐTS của Novaland chỉ giảm 30%, còn 2,3 nghìn tỷ đồng, được hỗ trợ bởi thu nhập tài chính tăng so với cùng kỳ đạt 5 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ lãi thoái vốn trong quý 2-quý 3/2022 và lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư.
Vào thời điểm cuối năm 2022, backlog chưa thực hiện của Novaland là 10,4 tỷ USD – tăng 39% so với cùng kỳ, trong đó Aqua City đóng góp 50%, NovaWorld Phan Thiết đóng góp 25% và NovaWorld Hồ Tràm đóng góp 11%. Theo lãnh đạo, tiến độ xây dựng sẽ chững lại do công ty tập trung bàn giao những phân khu đã hoàn thiện cho người mua nhà.
Với áp lực trả nợ, sụt giảm tiền mặt của Novaland là thấy rõ khi tại thời điểm cuối năm 2022, tiền và các khoản tương đương tiền (bao gồm các khoản đầu tư tiền gửi ngắn hạn) giảm còn 8,9 nghìn tỷ đồng, tức giảm 60% so với cuối quý 3/2022 và giảm 51% so với cuối năm 2021.
Trong quý 4/2022, công ty đã huy động được khoảng 4 nghìn tỷ đồng từ thị trường vốn và thu được khoảng 3 nghìn tỷ đồng dòng tiền từ việc bán trước — thấp hơn so với kế hoạch quý 4/2022 của ban lãnh đạo được nêu trong cuộc họp NĐT quý 3/2022.
VCSC cũng nhận xét, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ vay của Novaland là 64,6 nghìn tỷ đồng – giảm 10% so với thời điểm cuối quý 3 nhưng tăng 7% so với cùng kỳ. Và gần 40% sô nợ đó sẽ đáo hạn trong 12 tháng tới với phần lớn là trái phiếu. Nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Novaland vào cuối năm 2022 đã tăng lên 123,9% so với 111,0% tại cuối quý 3/2022 và 103,1% tại cuối năm 2021 do giải ngân tiền mặt cho chủ nợ.
Vào giữa tháng 12/2022, VSCS tuyên bố tạm dừng đưa ra khuyến nghị đối với Novaland do chưa có đầy đủ thông tin cơ sở để xác định giá mục tiêu trong bối cảnh công ty đang tái cơ cấu hoạt động và thu xếp tài chính.
Nhiều dự án Novaland không thể cấp số chủ quyền cho khách hàng với nhiều lý do; cầm cố tài sản ở ngân hàng, xây dựng sai giấy phép, san lấp kênh rạch thuộc đất công làm dự án… dẫn đến người thiệt thòi là khách hàng. Hiện nay Novaland khó bán bớt tài sản để tái cơ cấu. Liệu ông Bùi Thành Nhơn đã quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT của Novaland từ ngày 3/2/2022 có cứu vãn được sự tụt dốc này.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ