Vừa qua, tại Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở và Ban QLDA Giao thông I, II, III đã có buổi làm việc với CTCP Công nghệ OTP -FLC Việt Nam để nghe giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ bê tông asphalt cao su hóa – Rubberized Asphalt . Buổi làm việc do ông Mai Xuân Liêm, Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa chủ trì.
Công nghệ nhựa đường cao su hóa của OTP-FLC được thử nghiệm trên mặt cầu Thanh Trì (Hà Nội) hồi tháng 4/2015.
Về phía đại diện CTCP Công nghệ OTP-FLC Việt Nam có Phó tổng giám đốc Công ty – TS. Hương Trần Phương Nam và GS.TS. Serji Amirkhanian – Chuyên gia sáng chế công nghệ asphalt cao su hóa hàng đầu tại Mỹ.
Tại buổi làm việc, GS.TS. Serji Amirkhanian đã giới thiệu khái quát về công nghệ chống hằn lún vệt bánh xe bằng bê tông asphalt cao su hóa và đề xuất áp dụng để khắc phục triệt để hiện tượng hằn lún vệt bánh xe tại Việt Nam.
Bê tông asphalt cao su hóa được chế tạo, thi công bằng cốt liệu và thiết bị công nghệ như bê tông asphalt thông thường; điểm khác biệt là nhựa đường (bitum) có độ kim lún 60/70 được trộn bột cao su biến tính nghiền từ lốp xe thải rồi sau đó chế tạo bê tông nhựa nhằm tăng tính chất cơ – lý – hóa và độ bền của bê tông nhựa.
Bê tông nhựa cao su hóa cho cường độ chống lún, nứt cao hơn nhưng giá thành thấp hơn bê tông nhựa polymer, và bằng khoảng 1,35 lần giá bê nhựa nóng thông thường. Ngoài ra, công nghệ này còn kéo dài tuổi thọ công trình lên tới 10 – 15 năm, giảm thiểu tối đa chi phí duy tu bảo dưỡng, giảm tiếng ồn và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Thanh Hóa sẽ áp dụng công nghệ nhựa đường cao su hóa của OTP-FLC
Công nghệ bê tông asphalt cao su hóa đã được sử dụng hiệu quả trên các tuyến đường cao tốc liên bang Mỹ khoảng 30 năm trở lại đây. Ngoài ra, RA còn được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Ba Lan, Canada, Brazil, Trung Quốc… và được coi là một xu hướng trong tương lai. Tại Việt Nam, công nghệ này đã được thi công 300 m thử nghiệm trên mặt cầu Thanh Trì – buổi thử nghiệm do Liên doanh Cienco1 và Công ty Cổ phần Công nghệ OTP-FLC Việt Nam tiến hành. Kết quả thử nghiệm đã khẳng định những đặc tính vượt trội của bê tông asphalt cao su hóa.
Sau những chia sẻ của GS.TS. Serji Amirkhanian, cán bộ các phòng chuyên môn thuộc Sở và Ban QLDA I, II, III cũng đã trao đổi với đoàn công tác về những vấn đề liên quan khi áp dụng công nghệ này.
Kết luận tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT đánh giá cao các ưu điểm của công nghệ bê tông asphalt cao su hóa; cảm ơn đoàn công tác CTCP Công nghệ OTP-FLC Việt Nam và GS.TS Serji Amirkhanian.
Trong thời gian tới, sau khi Bộ GTVT ban hành các quy định tạm thời về thiết kế, thi công bê tông nhựa asphalt cao su hóa, Sở GTVT sẽ tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng công nghệ này để chống hằn lún vệt bánh xe đối với một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh; trước mắt là dự án mở rộng QL47 đầu tư theo hình thức BOT.
Pv
Theo TCĐNA