Ngày 11/6, nhân vật Thánh Cô Cô Bóc Trần Thị Hương Giang bị cơ quan công an bắt giữ khẩn cấp vì hành vi: “Lợi dụng tự do ngôn luận, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân”.
Thánh Cô Cô Bóc xuất hiện trên mạng xã hội vào đầu năm 2015. Trang fanpage của Thánh Cô Cô Bóc có lời giới thiệu là: “Thánh Cô Cô Bóc (Tuyết Anh Trần) – Chuyên gia bóc và lật tẩy showbiz”. Đến thời điểm hiện tại, fanpage này đã lên tới hàng chục nghìn lượt theo dõi.
Mỗi bài post trên fanpage này được gọi là bài "bóc" bởi nội dung Thánh Cô Cô Bóc viết nói về hậu trường của những người nổi tiếng của những nhân vật trong showbiz.
Thánh Cô bị cơ quan chức năng bắt giữ
"Thánh cô" đã lần lượt bóc mẽ những chân dài đình đám của ông trùm Vũ Khắc Tiệp như Ngọc Trinh, Linh Chi. Chưa dừng lại ở đó, những sao khủng của làng nhạc như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà cũng bị Thánh Cô Cô Bóc đăng tải nhiều thông tin bất lợi.
Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với luật sư Đỗ Hữu Đĩnh (Công ty luật Việt Kim) về vấn đề này. Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh nhận định, việc Thánh cô – Trần Thị Hương Giang đưa những thông tin xuyên tạc, không có thật, xúc phạm tới các nghệ sĩ trong giới Showbit là việc làm vi phạm phạm pháp luật.
Trên cơ sở tự do ngôn luận, Trần Thị Hương Giang đã sử dụng những lời lẽ, ngôn từ không phù hợp với quy chuẩn đạo đức, hướng tới các cá nhân nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đây cũng là điều pháp luật cấm.
Đành rằng quyền Tự do ngôn luận là quyền do Hiến pháp quy định (Điều 25 Hiến Pháp 2013). Quyền này cho phép mọi công dân được phát biểu, bày tỏ ý kiến về những vấn đề trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… một cách công khai, rộng rãi theo quan điểm cá nhân mình. Tuy nhiên, việc tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ, không được lợi dụng quyền tự do đó để xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Đồng thời quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được pháp luật đề cập tới trong nhiều văn bản. Điều 20 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; Không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ðiều 37 Bộ luật Dân sự cũng nêu: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh
Về mặt pháp lý, hành vi liên tục đăng bài viết, hình ảnh nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm nhiều người, trong đó có các doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz Việt của Thánh cô – Trần Thị Hương Giang có thể cấu thành tội vu khống theo điều 122 hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Bởi lẽ hiện tại cơ quan điều tra mới chỉ xác định được Trần Thị Hương Giang đưa tin xuyên tạc trên trang cá nhân chứ chưa chứng minh được các hành vi cụ thể của Giang. Chính vì vậy, để xác định chính xác được Trần Thị Hương Giang có cấu thành tội theo điều 122 hay điều 258 thì cần phải làm rõ:
Nếu cơ quan điều tra chứng minh được Trần Thị Hương Giang nhận thức rõ tin mà mình loan truyền là bịa đặt, không có thật và nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz Việt thì có thể cấu thành tội vu khống theo điều 122. Ngược lại nếu Giang không biết tin mình lan truyền là sai sự thật, những thông tin bịa đặt nhằm hướng đến một cá nhân, tổ chức thì cấu thành tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258 Bộ luật hình sự.
Việc xử lý Trần Thị Hương Giang thì cần phải chờ kết luận điều tra, cũng như căn cứ vào nhiều yếu tố như mức độ, hành vi phạm tội của Giang.