Seatimes – (ĐNA). Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp khai khoáng, với nhiều loại khoáng sản khác nhau như kim loại, than, vật liệu xây dựng… Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 130 mỏ được cấp phép hoạt động khai thác.
Với sự đa dạng về chủng loại và trữ lượng khoáng sản lớn. Hoạt động khai khoáng đã cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển và đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Riêng từ năm 2021 đến nay, ngành khai khoáng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng, gồm: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Do tác động của yếu tố thị trường và một số nguyên nhân khác nên công nghiệp khai khoáng tại tỉnh Thái Nguyên bị ảnh hưởng, sản lượng khai thác giảm mạnh trong thời gian gần đây. Trong quý I/2024, sản lượng ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh giảm 10,87% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân được xác định là do tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng trong nước bị chững lại nên việc tiêu thụ các sản phẩm sắt thép, cát sỏi, đá xây dựng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng khai thác.
Ông Nguyễn Bá Huynh, Phó Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), chia sẻ: Mỏ sắt Tiến Bộ khai thác theo kế hoạch từng tháng, từng quý của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Thời gian qua, lĩnh vực xây dựng sụt giảm, cùng với đó, thị trường thép cạnh tranh khốc liệt nên trong quý I/2024, đơn vị khai thác, sản xuất khoảng 60 nghìn tấn. Mặc dù đảm bảo theo kế hoạch của Công ty CP giao, nhưng sản lượng khai thác cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Còn ông Trương Trần Bảo (đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi) cho biết, các sản phẩm khoáng sản của đơn vị gồm: Titan, ilmenit, cát sỏi… quý I năm nay, sản lượng khai thác giảm, chỉ đạt gần 50% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường đầu ra gặp rất nhiều khó khăn, giá bán các loại sản phẩm rất thấp và khó tiêu thụ.
Vonfram và sản phẩm chế biến Vonfram được đánh giá là sản phẩm mới, có thế mạnh trong lĩnh vực khai khoáng của Thái Nguyên. Sản phẩm này chủ yếu được khai thác, chế biến tại Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo. Tuy nhiên, quý I/2024, sản lượng khai thác, chế biến Vonfram của Núi Pháo giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 4,1 nghìn tấn.
Theo đại diện Công ty Núi Pháo, nguyên nhân là thị trường xuất khẩu không ổn định do xung đột ở châu u, Trung Đông. Ngoài ra, từ giữa năm 2023, đơn vị gặp vướng mắc với đối tác trong thực hiện hoạt động nổ mìn khai thác nên ảnh hưởng đến sản lượng. Hiện, vấn đề này mới được giải quyết xong nên từ nay đến hết năm 2024 sẽ đảm
bảo được sản lượng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, Công ty đã và đang tìm hiểu, mở rộng thị trường để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ngoài những khoáng sản trên, Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương có trữ lượng than các loại khá lớn, như: Than đá, than bùn, than mỡ. Trên địa bàn có 8 mỏ than được cấp phép, nhưng hiện chỉ còn 3 mỏ hoạt động, gồm: Núi Hồng, Khánh Hòa, Phấn Mễ (khai thác hầm lò).
Trong đó, Mỏ than Núi Hồng và Khánh Hòa có công suất khai thác lớn nhất, đạt 400-450 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, tổng sản lượng khai thác của các mỏ chỉ đạt 300,7 nghìn tấn, giảm 21,3% so với cùng kỳ 2023.
Đại diện của một số mỏ than cho rằng: Đầu năm 2024, thời tiết có nhiều yếu tố bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Bên cạnh đó, mỏ có công suất khai thác lớn nhất của tỉnh là Khánh Hòa lại gặp khó khăn về đổ thải. Hiện nay, Mỏ than Khánh Hòa đang tập trung tháo gỡ vấn đề này để đảm bảo sản lượng khai thác năm 2024.
Thái Nguyên còn được biết đến bởi có tiềm năng, lợi thế về khoáng sản vật liệu xây dựng. Trên địa bàn có hơn 20 mỏ đá được cấp phép khai thác. Theo số liệu thống kê, trong quý I/2024, sản lượng đá xây dựng đạt gần 470 nghìn m3, giảm 8,62% so với cùng kỳ năm 2023. Sở dĩ có tình trạng như vậy, một số mỏ đã bị tạm dừng hoạt động do vi phạm trong quá trình khai thác; các mỏ hoạt động phải thực hiện khai thác cắt tầng (từ trên xuống) đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường mới được cấp phép nổ mìn.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Giám đốc Mỏ đá Đồng Phú, ở xã Tân Long (Đồng Hỷ), cho biết: Vấn đề tiêu thụ các loại đá xây dựng không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng việc khai thác cắt tầng khiến sản lượng sụt giảm, do mỗi lần nổ mìn khối lượng đá thu được chỉ bằng 50% so với việc khai thác “hàm ếch” như trước. Ngoài ra, việc đưa người và phương tiện lên đỉnh núi khi thực hiện khai thác cắt tầng sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ khai thác…
Có thể thấy, trong những tháng đầu năm 2024, công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh đã và đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường và một số nguyên nhân khác. Tuy nhiên, ngành này vẫn có nhiều triển vọng để phát triển khi nền kinh tế trong nước đang tích cực phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, những chính sách kích cầu phát triển kinh tế của Chính phủ và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng duy trì ổn định và phát triển trong thời gian tới.
Sơn Nguyễn/tổng hợp