KCN Thái Nguyên nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo nền tảng thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Luôn coi trọng công tác đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Thái Nguyên, ngay từ đầu năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh đã đẩy mạnh việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp theo tình hình thực tế. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đến với khu công nghiệp ở Thái Nguyên đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ ở mức cao nhất với các thủ tục đầu tư nhanh gọn, công khai, minh bạch, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá tranh triển khai dự án đều được giải quyết dứt điểm… Công tác quản lý nhà nước về môi trường luôn được Ban quan tâm bằng cách đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Ban còn tích cực hỗ trợ công trình bảo vệ môi trường của Dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Điềm Thụy nhanh chóng đi vào hoạt động, để góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp này.
Cùng với hoạt động thu hút đầu tư, Ban Quản lí các khu công nghiệp Thái Nguyên luôn chú trọng việc quản lý sau cấp phép đầu tư, thường xuyên phối hợp với các đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng các dự án và các nhà máy theo quy hoạch và giấy phép xây dựng đã được cấp. Đồng thời, thực hiện rà soát tiến độ đầu tư của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp theo quy định, đôn đốc, nhắc nhở một số doanh nghiệp chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án, như: Hà Thành, Yestech Global, Erang Vina… Với những nỗ lực trên, từ đầu năm đến nay, Ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đón tiếp và làm việc với gần 60 đoàn nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp của Tỉnh. Qua đó, Ban đã thực hiện thẩm định hồ sơ và cấp mới 19 Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho 10 dự án FDI và 9 dự án DDI với tổng số vốn đăng k. đầu tư 9,37 triệu USD và gần 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban c.n điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho 48 dự án. Trong đó, 12 dự án tăng tổng vốn đầu tư 70,4 triệu USD và 15 tỷ đồng. Trong các khu công nghiệp của Tỉnh đã có 177 dự án được cấp Giấy chứngnhận đăng kí đầu tư, gồm: 88 dự án FDI và 89 dự án DDI với tổng số vốn đăng k. đầu tư là 7,04 tỷ USD và 12.038 tỷ đồng. Trong đó, đã có 106 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 100.901 người. Trong 8 tháng năm 2017, tổng doanh thu tiêu thụ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ước đạt 17,7 tỷ USD và 3.197 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 3.633 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 16,6 tỷ USD; giá trị nhập khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD.
Trong số các dự án đã hoạt động, điển hình là Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương cũng như cả nước. Theo kế hoạch, khi các dự án này sản xuất ổn định trong năm 2018 và giải ngân 100% vốn đầu tư đăng kí, kết hợp với các dự án đầu tư mới vào các KCN sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với phát triển đô thị văn minh, hiện đại,… thay đổi cán cân thanh toán thương mại quốc tế; tạo kim ngạch xuất khẩu khoảng gần 40 tỷ USD; giải quyết việc làm khoảng hơn 150.000 lao động, nộp ngân sách ước trên 7.000 tỷ đồng.
Thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư
Trong những tháng cuối năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên xác định nhiệm vụ là tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư có đủ năng lực, trình độ quản lý, các dự án có công nghệ cao, có khả năng nộp ngân sách lớn. Theo đó, để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp. Đôn đốc các nhà thầu, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường.
Tiến sĩ Phan Mạnh Cường – Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên phấn khởi cho biết: “Với việc tập trung thực hiện tốt một số giải pháp liên quan đến việc quy hoạch phát triển các KCN, cải cách hành chính và thu hút đầu tư và cơ chế chính sách phát triển hạ tầng các KCN. Tôi tin rằng thời gian tới, hoạt động của Ban quản lí các KCN Thái Nguyên sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết an sinh xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư đồng thời sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX… Sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020”. Ngoài ra, được biết, Ban Quản lý còn tổ chức đào tạo tiếng Hàn Quốc cho người lao động, giới thiệu việc làm cho khoảng 2.000 lao động có nhu cầu vào làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp… Có thể nói, đây là một trong những hoạt động thiết thực để hỗ trợ cho các nhà đầu tư khi sử dụng lao động tại địa phương.
PV
Theo TCĐNA