Trong và sau Tết nguyên đán, các ngân hàng thương mại không chi các loại tiền mới in mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Đây là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra sáng nay (12/1) tại buổi họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, NHNN đã điều chuyển các loại tiền mặt đến các tỉnh thành lớn có nhu cầu thu chi tiền mặt cao và có nhiều máy ATM như TP HCM, Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào ngày 25/1; vì thế, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết này.
Ông Thành cho biết, NHNN tiếp tục chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ một cách hợp lý tiết kiệm trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân như 3 năm trước đã làm.
Được biết, chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá thấp ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán đã thực hiện từ năm 2013 với loại tiền mệnh giá 500 đồng. Đến năm 2014, NHNN tiếp tục bổ sung vào danh sách loại tiền có mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng. Và năm 2015, tất cả các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống đưa ra lưu thông không có tiền in mới.
Ngân hàng thương mại không chi các loại tiền mới in (nếu còn tồn kho) mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông dịp Tết này (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Theo đó, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại (NHTM) trước, trong và sau tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành các mệnh giá tiền nhỏ vào lưu thông đã tiết kiệm chi phí in, phát hành…khá lớn. Năm 2013, việc không in và đưa tiền mới mệnh giá 500 đồng vào lưu thông đã giúp cơ quan quản lý tiền tệ tiết kiệm hơn 94 tỉ đồng; năm 2014, tiết kiệm được 409 tỉ đồng…Tính chúng 4 năm qua, việc không phát hành các mệnh giá tiền nhỏ đã tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng.
NHNN cũng yêu cầu các đơn vị chủ động có kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của các đơn vị, tổ chức và cá nhân.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu chỉ các các NHTM trên địa bàn có kế hoạch tiền mặt để chủ động đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt dẫn đến phải khất, hoãn chi, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các NHTM đảm bảo chi đủ cơ cấu các loại mệnh giá tiền cho khách hàng; kiểm tra, xử lý các NHTM trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của các máy ATM; đồng thời, cần thống nhất kế hoạch thu, chi tiền mặt trong những ngày nghỉ tết với các NHTM đảm bảo đủ tiền mặt cho máy ATM và nhu cầu thu, chi tiền mặt cần thiết đột xuất khác.
NHNN cũng yêu cầu các NHTM chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tiền mặt phù hợp, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho khách hàng.
Đáng chú ý, tại các tỉnh, thành phố lớn có các khu công nghiệp, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, ngoài việc chuẩn bị tốt hệ thống các máy ATM cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt như: hướng dẫn khách hang đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút mặt; thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp, tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền cùng một lúc tại các điểm máy ATM dẫn đến tình trạng quá tải.
Hương Thủy
Theo Báo Hànộimới