Ngày 20/5, Tổ chức Hòa bình xanh cáo buộc các công ty Trung Quốc tổ chức đánh bắt hải sản trái phép bằng các hình thức hủy diệt ở vùng biển Tây Phi, dù đang tìm cách giảm dần các hình thức đánh bắt tương tự ở nước mình.
Số lượng tàu của các công ty Trung Quốc hoạt động ở châu Phi tăng vọt trong những năm qua. Theo đó, số tàu cá tăng từ chỉ 13 chiếc trong năm 1985 lên tới 462 tàu trong năm 2013.
Cũng theo thông báo của Tổ chức Hòa bình xanh, họ phát hiện 114 vụ đánh bắt hải sản trái phép của tàu cá Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Mauritania, Senegal và Sierra Leone. Các tàu này phần lớn không có giấy phép hoặc hoạt động tại các vùng cấm đánh bắt cá.
Trong số đó, 60 vụ liên quan đến các tàu của Tập đoàn Nghề cá Quốc gia Trung Quốc (CNFC) – một công ty nhà nước có nhiệm vụ phát triển nghề cá ở các vùng biển xa.
Lượng tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại châu Phi tăng vọt. Ảnh: LĐ
Các vụ đánh cá lậu này do Đơn vị điều phối hoạt động giám sát của Ủy ban Nghề cá Tiểu vùng đặt tại Dakar cũng như do chính Hòa Bình Xanh phát hiện.
Tổ chức Hòa Bình Xanh cũng ghi nhận được 16 vụ đánh cá lậu của 12 tàu mang cờ Trung Quốc hoặc do Trung Quốc sở hữu chỉ trong một tháng hồi năm ngoái.
Hòa Bình Xanh phát hiện một số tàu mà đã cố tình gửi dữ liệu thuộc Hệ thống Nhận dạng Tự động không chính xác để tạo thông tin rằng họ đang ở vùng biển Mexico hoặc trên đất liền.
Báo cáo này là bằng chứng mới nhất cho điều mà cộng đồng quốc tế đang lo ngại: Trung Quốc không từ thủ đoạn nào để thu gom nguồn tài nguyên biển của thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng trong nước.
Trang tin tức Politico cũng nhận định Bắc Kinh đang đối mặt cuộc khủng hoảng về nguồn cung cá bởi khoảng 30% ngư trường của họ đã cạn kiệt. Với sự thiếu hụt này, không có gì khó hiểu khi đội tàu cá Trung Quốc có mặt khắp nơi, gây ra căng thẳng tại các vùng biển mà họ hoạt động.