Việc tăng phí đường cao tốc là theo lộ trình đã được Nhà nước cho phép và không có gì là bất hợp lý
Việc tăng phí đã có lộ trình
Đó là khẳng định của ông Đào Văn Chiến – Chủ tịch HĐQT VIDIFI xung quanh vấn đề tại sao lại tăng phí? Ông nhấn mạnh thêm: “Thực ra chúng tôi không tăng mà chính thức đưa về mức giá chuẩn theo đúng quy định của Nhà Nước. Ngay từ lúc bắt đầu vận hành, Nhà Nước đã cho phép thu 2000 đồng/ km cho một xe tiêu chuẩn. Thế nhưng, chúng tôi đã báo cáo với Bộ GTVT, Bộ Tài chính để thu mức phí nhẹ nhàng hơn là 1500 đồng/ km trên một xe tiêu chuẩn. Đó là cách thức khuyến mại, giảm giá nhằm thu hút xe tham gia, một phần lo ngại các doanh nghiệp vận tải không chuẩn bị kịp, phần nữa cũng là để khoan sức dân thời điểm đó. Tuy nhiên, tính từ 5/12/2015 việc giảm giá đã được gần nửa năm rồi, bây giờ đã là thời điểm quay trở lại thu theo đúng quy định. Như vậy mức phí mới của VIDIFI được Chính phủ chấp thuận, được tính toán dựa trên Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Hiện đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, con đường hiện đại nhất, với 6 làn đường, mức giá cũng chỉ tương đương với con đường Cao tốc Long Thành – Cầu Giây, 4 làn đường. Nhà đầu tư cũng khẳng định, với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, khi vận hành VIDIFI chỉ thực hiện theo phương án đã được duyệt, nên việc tăng phí đã có lộ trình, không phải là điều gì đó bất thường.
Tăng phí vẫn chưa đủ 50% tiền trả lãi hàng tháng
Sau khi tăng phí cả hai con đường, toàn bộ số thu cũng chỉ đạt được gần 50% phí trả lãi ngân hàng hàng tháng mà chủ đầu tư VIDIFI phải gánh. Bởi thời gian thu hồi vốn sẽ phải kéo dài, không tăng để thu được 50% tiền trả lãi đó, dự án không thể thu hồi được vốn. “Thú thật, chẳng có dự án nào làm như chúng tôi. Chẳng có nhà đầu tư nào có tiền đi đầu tư 30 năm mới thu hồi vốn. Đây chỉ là làm dự án vì trách nhiệm đối với xã hội mà thôi. Đợt tăng phí lần này là bất khả kháng, rất mong mọi người chia sẻ. Nếu không tăng phí thì doanh nghiệp sẽ đường cùng, các ngân hàng sẽ phá sản.” – Ông Chiến trăn trở. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đây sẽ là lần tăng phí “nóng” cuối cùng, đảm bảo mức phí gốc trên 2 tuyến đường, còn sau này, tăng hay giảm sẽ theo chỉ số CPI. Hiện nay chủ đầu tư đã cố gắng xin cơ chế tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp…nhưng cũng phải 30 năm mới có khả năng thu hồi lại được vốn.
Đề xuất giảm giá cho xe tải hạng nặng
Chúng tôi nhận thức và chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải, sản xuất sẽ gặp phải khi cước phí đội thêm sẽ được cộng với giá thành hàng hóa, trong khi việc bán hàng hóa hiện tại là rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là nếu không điều chỉnh phí thì không cải tạo được giao thông vùng trọng điểm, trong khi nguồn lực Nhà nước là có hạn” – Chủ tịch HĐQT Vidifi khẳng định. Hiện, đường cao tốc chưa có quy định về việc bán sỉ nhằm giảm cước cho doanh nghiệp vận tải. Nhưng trong lần điều chỉnh phí lần này, chủ đầu tư muốn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi đã trình đề xuất đối với các xe tải hạng nặng, từ 40 fetch và 18 tấn trở lên thì đường cao tốc sẽ giảm 35%, đường QL5 tăng 25% trong khi các xe khác tăng 50%. “Chúng tôi đã rất suy nghĩ đến quyền lợi của doanh nghiệp vận tải. Việc giảm 35% đợt này đang phải xin ý kiến của bộ Giao thông Vận tải. Đề xuất này được thông qua sẽ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp cũng như chia tải với QL5 cũ” – Ông Chiến nói thêm.