Ngay sau khi liên bộ Tái chính và Công Thương công bố điều chỉnh giá xăng dầu vào tối 20/5, người tiêu dùng có phản ứng mạnh. Đa số cho rằng, tăng giá như thế là “đánh” vào túi người tiêu dùng.
“Tăng giá xăng, chất lượng sống… giảm”
Chị Đỗ Hương Trà, ở 138 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc: “Trong vòng 1 năm giá xăng điều chỉnh lên xuống không biết bao nhiêu lần. Giảm giá thì ít mà tăng thì nhiều. So với năm ngoái, giá xăng hiện đã tăng gần 5.000 đồng/lít. Xe thì vẫn phải đi, xăng vẫn phải đổ, giá xăng cứ tăng mà lương thì "dậm chân tại chỗ". Mỗi tuần tôi đổ xăng 2 lần, mỗi lần gần 100.000 đồng (xe Honda lead). Xăng cứ tăng thế này thì chi tiêu thấy xót lắm”.
Cùng quan điểm không đồng tình với việc tăng giá xăng như gần đây, chị Hoàng Thị Tấm (nhà ở Tổ 7, phường Duyệt Trung, Thành phố Cao Bằng), đang nuôi con nhỏ cũng nhẩm tính: “Lúc giá xăng chưa tăng, như hồi cuối năm ngoái, bình thường chi phí hằng tháng của tôi chỉ tầm 3 triệu đồng.
Nhưng khi giá xăng tăng, chi phí đã tăng thêm. Nay lại tăng giá xăng nữa, chắc chắn mỗi tháng chi phí lại tăng thêm nhiều hơn. Vì không chỉ tiền đổ xăng mà nhiều hàng hóa dịch vụ cũng cứ tăng theo giá xăng. Giá như không bị tăng chi phí mua xăng thì tiền đó đã có thể dành mua sữa cho con và có điều kiện chăm lo việc học hành, vui chơi cho con tốt hơn”.
Trong bối cảnh giá xăng tăng thường kéo theo tăng giá hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ vận tải…. người tiêu dùng lại phải chắt bóp chi tiêu. Chị Hoàng Thị Tấm cho biết: “Thời buổi làm ăn khó khăn, chi tiêu vốn đã phải dè xẻn. Giờ giá xăng tăng liên tục, việc chi tiêu lại phải xem xét lại. Tăng giá xăng, có khi chất lượng sống lại giảm đi. Đây là vấn đề đau đầu của tôi”.
Hạch toán chi tiết hơn về tác động của giá xăng tăng, chị Nguyễn Thị Dơn (ở Tân Tây Đô, Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy từ đầu năm đến nay giá xăng đã tăng rất nhanh, chỉ chưa đầy 6 tháng mà giá xăng đã tăng gần 4.800 đồng/lít. Xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng theo khiến người lao động chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lương hàng tháng của tôi chỉ khoảng 4,5 triệu đồng, trong khi đó chi phí xăng xe đi lại là 600.000 đồng/tháng. Giờ giá xăng tăng cao như vậy, buộc chúng tôi phải bớt xén các khoản chi tiêu khác để bù vào tiền xăng đi lại, nên việc cân đối chi tiêu hàng tháng đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Sau 3 lần tăng, giá xăng đội thêm gần 4.800 đồng/lít
Theo quyết định tăng giá xăng được liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố tối qua, mức giá mới từ 20h00 tối qua, giá xăng RON 92 và xăng sinh học (E5) tăng 1.200 đồng/lít; dầu mazút và diesel tăng 500 đồng/lít từ 0h00 hôm nay, dầu hỏa giảm 64 đồng/kg. Do đó, mức giá mới của xăng RON 92 bán lẻ 20.436 đồng/lít; dầu diesel 16.383 đồng/lít; dầu mazút 13.153 đồng/lít; dầu hỏa 15.751 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân tăng giá xăng, liên Bộ cho biết, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây biến động tăng liên tục, từ 18/5 giá xăng RON 92 đã tăng lên 83,97 USD/thùng, khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng.
Việc tăng giá xăng, theo liên Bộ, là để giá bán xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới, nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới (giá bán xăng RON 92 hiện nay tại Campuchia là 22.344 đồng/lít, tại Lào là 22.988 đồng/lít, tại Trung Quốc là 20.296 đồng/lít, đều cao hơn giá bán xăng RON 92 tại Việt Nam).
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng 3 lần, mức tăng tổng là 4.800 đồng/lít. Trước tình trạng giá xăng tăng liên tục, điệp khúc “giảm ít, tăng nhiều”, người tiêu dùng có phản ứng không đồng tình và tỏ ra nghi ngờ về sự “hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân” như liên Bộ lý giải.