Seatimes – Ngày nay, khi đời sống vật chất tinh thần của toàn xã hội đã được nâng cao đáng kể hơn những năm trước thời kỳ đổi mới. Về khách quan, sức khoẻ của “Người nhà nước” tạm gọi là công chức, sẽ được nâng cao hơn do dinh dưỡng được dung nạp nhiều hơn. Tuy nhiên, đi đôi với sự nâng cao về mức sống, cuộc sống công nghiệp sẽ kéo theo những tác động bất lợi như ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm v.v.. ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi tầng lớp xã hội, trong đó có đối tượng công chức. Những năm đời sống kinh tế còn khó khăn, lại ít thấy ai bị bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, bệnh gút, ung thư như bây giờ, nhất là những người dưới lứa tuổi 50. Thậm chí, đã có những người phải “từ giã cõi đời” trong độ tuổi còn sung sức của sự cống hiến, những căn bệnh không đợi tuổi làm ảnh hưởng không ít những đến tâm lý của nhiều công chức và cả gia đình của họ. Tất cả liên quan đến hai chữ sức khoẻ.
Không ai phủ nhận việc để có một cơ thể khoẻ mạnh về nghĩa đen thì đòi hỏi phải có một chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, đi kèm với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuy nhiên, khá phổ biến hiện nay là hình ảnh những ngươì “chịu khó” rèn luyện thể thao, chẳng hạn như việc đi bộ lại thường thấy nhiểu ở những đối tượng ở những người tuổi đã xế chiều. Có lúc, có nơi cũng thấy những công chức với túi vợt ten nít, cầu lông và những năm gần đây là gậy đánh golf trên vai rong ruổi đến các sân bãi, nhà thi đấu trong buổi sáng hoặc sau giờ làm việc buổi chiều, hoặc trong ngày Thứ 7, Chủ nhật…Nhưng trong số đó cũng có những người, sau vài xê ten nít hay cầu lông lại sa vào ăn uống, bia bọt… để rồi nguy cơ mắc bệnh vẫn rình rập. Đó là chưa kể nhiều cán bộ công chức quanh năm… làm bạn với bia rượu, lấy quán nhậu làm điểm vui chơi giải trí cuối ngày, cuối tuần. Ấy vậy nên mới có nhưng công chức, tuổi chưa cao mà cái bụng đã “phát tướng”. Ngược với những hình ảnh trên là những công chức suốt ngày cắm cúi vào công việc, không rượu chè nhưng cũng “vô thể dục-bất thể thao” nên sức khoẻ cũng đều ít nhiều có vấn đề.
Một điều quan trọng mà không ai không biết là cụm từ “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thế nhưng không phải ai cũng quan tâm đến nó. Nói thì như hô khẩu hiệu nhưng để thực sự cụ thể hoá nó vào trong cuộc sống lại là chuyện khác. Thực tế là, không phải cơ quan nào cũng chủ động cho cán bộ công chức, người lao động trong cơ quan mình đi khám sức khoẻ định kỳ, cho dù quỹ phúc lợi, thu nhập của đơn vị mình cao hơn nhiều đơn vị khác. Hơn nữa, trong bản thân mỗi công chức, không ít người còn chủ quan, sao nhãng việc tự đi khám sức khoẻ. Chính vì vậy mà từ đó, có những “cái chết không được báo trước” bất ngờ ấp đến để rồi trở tay không kịp, nhất là những căn bệnh liên quan đến ung bướu, tim mạch…
Để đảm bảo sức khoẻ cho công chức và người lao động, cần phải xác định việc khám sức khoẻ định kỳ nên là việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có). Các cơ quan đơn vị phải chủ động tổ chức khám bệnh cho các cán bộ, công nhân viên định kỳ hàng năm. Riêng với công chức là nữ giới, do đặc thù về giới tính, nên được ưu tiên thêm Ngày 8/3 hàng năm để khám và chữa các bệnh về phụ nữ. Khám sức khỏe định kỳ là điều rất cần thiết, đừng đợi khi cơ thể “than thở” rồi mới đi chữa trị thì e rằng đã quá muộn. Đây cũng là cơ hội để mọi người được thầy thuốc thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp của lứa tuổi; tạo điều kiện để thầy thuốc nắm được đặc thù sức khoẻ của mỗi người và có thể theo dõi dễ dàng những biến đổi (so với trước và sau này); giúp phát hiện sớm những vấn đề sức khoẻ còn tiềm ẩn, để điều trị đem lại hiệu quả nhất.
Trong thực tế cuộc sống, không ít người chần chừ hay vì lý do nào đó mà không đi khám sức khỏe định kỳ, đến khi đổ bệnh thì mới phát hiện bệnh của mình đã ở giai đoạn trầm trọng, thậm chí là di căn. Đi khám sức khỏe định kỳ còn giúp mọi người phòng ngừa và tránh được những căn bệnh nguy hiểm. Theo một bác sỹ có kinh nghiệm cho biết, có một số bệnh nhìn bên ngoài không thể phát hiện được (huyết áp cao, tiểu đường, ung thư …) mà phải sử dụng nhiều biện pháp cận lâm sàng và xét nghiệm trực tiếp mới có thể biết chính xác. Những căn bệnh hiểm nghèo nếu phát hiện sớm sẽ dễ điều trị hơn, nhất là các bệnh như ung thư tử cung, ung thư vú… Bên cạnh đó, những công chức trẻ ở độ tuổi thanh niên cũng không nên ỷ lại sức trẻ mà coi thường việc khám sức khỏe định kỳ. Bởi vì, trong nhịp sống công nghiệp hiện nay, bệnh tật không “tha” bất cứ lứa tuổi nào. Theo các chuyên gia sức khỏe, dù có cảm giác sức khỏe của mình tốt đến đâu, việc khám tổng quát định kỳ mỗi năm một lần là điều vô cùng cần thiết. Việc khám tổng quát đơn giản, nhanh gọn nhưng sẽ giúp bạn trong việc tìm ra những vấn đề về sức khỏe hoặc tư vấn để làm thế nào sức khỏe được tốt hơn.
Để có một bộ óc minh mẫn và một tinh thần luôn sảng khoái, phải có một cơ thể khoẻ mạnh. Mỗi công chức và người lao động không chỉ vững về kiến thức, năng lực chuyên môn mà cần phải có sức khoẻ tốt để đảm đương những công việc được giao. Cần xác định sức khoẻ là trên hết, nó quý hơn tất cả những vật chất trên đời. Chính vì vậy, quan tâm đến việc bảo vệ và giữ gìn sức khoẻ là vấn đề không chỉ của riêng mỗi người mà là của cả lãnh đạo mỗi cơ quan đơn vị nhà nước và nhất là của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Công đoàn. Từ đó “Chất lượng công chức” mới thể hiện đẩy đủ ý nghĩa của nó.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ