Seatimes – (ĐNA). Theo tờ Guardian, ngày 12/2/2025, trong chuyến thăm Moscow, Ngoại trưởng Sudan Ali Youssif công bố, Sudan và Nga đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc thiết lập một căn cứ hải quân của Nga trên bờ Biển Đỏ của Sudan. Biển Đỏ là một trong những tuyến đường biển quan trọng chiến lược của thế giới nối kênh đào Suez với Ấn Độ Dương. Khoảng 12% hoạt động thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Moskva với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Sudan khẳng định: Sudan và Nga đã đạt được sự đồng thuận về thỏa thuận liên quan đến căn cứ hải quân Nga. Chúng tôi hoàn toàn thống nhất về vấn đề này và không có trở ngại nào… Mọi thứ đã được hai bên thỏa thuận xong”.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov ca ngợi sự phát triển trong quan hệ song phương, khẳng định sự ủng hộ của Nga đối với Sudan tại tất cả các diễn đàn quốc tế. Ông nhấn mạnh quyết tâm của Nga trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực tái thiết Sudan.
Cũng theo ông al-Sharif, Nga và Sudan không cần có thỏa thuận mới, bởi “hai bên đã có sẵn thỏa thuận sơ bộ vào năm 2020”, và hiện tại đều nhất trí, cũng như “không có rào cản nào”. Theo thỏa thuận sơ bộ kéo dài 25 năm được ký kết vào năm 2020, Sudan cho phép Nga thiết lập một trung tâm hậu cần hải quân có khoảng 300 nhân sự, và duy trì 4 tàu hải quân bao gồm các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Những nỗ lực của Nga nhằm thiết lập căn cứ hải quân bên bờ Biển Đỏ được đẩy mạnh, sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ vào đầu tháng 12/2024, khiến số phận căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria trở nên bấp bênh. Đáng nói, Tartus là căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở nước ngoài, nắm vai trò quan trọng cho sự hiện diện của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng gần châu Phi.
Hồi tháng 5/2024, ông Yasir El Atta, phó Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Sudan (SAF), đã xác nhận rằng Trung tướng Abdelfattah El Burhan, người đứng đầu chính quyền quân sự Sudan sẽ ký một thỏa thuận với Nga về việc thành lập một căn cứ hải quân trên Biển Đỏ.
Trên thực tế, Sudan và Nga từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ liên quan tới chính trị, kinh tế, và quốc phòng. Nga bắt đầu tiến hành thảo luận về việc xây dựng căn cứ hải quân ở Biển Đỏ vào năm 2017. Thỏa thuận ban đầu được Nga ký kết dưới thời cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Tuy nhiên, khi ông al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019, các tướng quân đội Sudan cho hay thỏa thuận với Nga cần được xem xét lại. Do đó, cho tới nay Nga chưa thể thành lập căn cứ ở Sudan.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Sudan, Ngoại trưởng Ali Youssif đã cảm ơn việc Nga sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bác bỏ một nghị quyết do Anh đề xuất về Sudan vào tháng 11/2024. Ông nhấn mạnh sự đoàn kết của Nga và ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Sudan trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bên cạnh vấn đề căn cứ hải quân, hai bên đã thảo luận nhiều khía cạnh trong quan hệ song phương và thống nhất nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược.
Ngoại trưởng Sudan cũng cập nhật về tình hình nội bộ Sudan, bao gồm cuộc xung đột với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), các nỗ lực hòa bình và lập trường của chính phủ đối với các sáng kiến hòa giải hiện nay.
Sudan hiện đang bị tàn phá do các cuộc giao tranh kéo dài 2 năm qua giữa quân đội chính quy của nước này và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự, gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Quân đội Sudan đang duy trì kiểm soát khu vực phía Bắc và phía Đông lãnh thổ nước này, trong khi RSF nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Darfur rộng lớn ở phía Tây Sudan và tiếp quản các vùng đất của khu vực Kordofan lân cận cũng như phần lớn khu vực miền Trung nước này.
Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Sudan đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hơn 11 triệu người phải di dời, tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thời gian gần đây.
Thế Nguyễn