Ngày 21/7, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank đã chính thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 tại TP HCM. Theo báo cáo từ các tài liệu của Eximbank thì dường như tình hình kinh doanh của ngân hàng này đang có rất nhiều vấn đề
Ban chủ tọa Eximbank. Ảnh: Phúc Vũ
Năm 2014: Eximbank không trả cổ tức
Theo báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh năm 2014, tổng tài sản của Eximbank chỉ đạt 161.094 tỷ đồng, giảm 5,1% so với năm 2013. Đáng chú ý, so với mức lợi nhuận trước thuế của Eximbank là 828 tỷ đồng trong năm 2013 thì sang năm 2014, con số này đã giảm mạnh, chỉ còn 69 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 3,8% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế theo đó chỉ đạt 56 tỷ đồng, tương đương lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) chỉ 46 đồng. Do đó, Eximbank quyết định chia cổ tức cho hàng chục ngàn cổ đông của mình.
Theo lời giãi bày của đại diện ban chủ tọa, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của Eximbank vẫn là 1.940 tỷ đồng nhưng ngân hàng đã phải trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC nên lợi nhuận hợp nhất cuối năm qua chỉ còn 69 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Eximbank, mức nợ xấu trong năm 2014 là 2.144,46 tỷ đồng, chiếm 2,46% tổng dư nợ. Về vấn đề này, bà Văn Thái Bảo Nhi, Phó Tổng Giám đốc Eximbank giải thích, có 2 lý do khiến nợ xấu tăng của EIB tăng là do nền kinh tế yếu kém và thừa nhận sự chủ quan ngân hàng với nhiều chính sách điều chỉnh chưa phù hợp.
“Để chấn chỉnh, Eximbank hiện nay chỉ cho vay với đơn vị có tài sản đảm bảo, đối với việc cho vay tín chấp, Eximbank chỉ tiếp tục cho vay với đối tượng khách hàng cũ hoặc doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, số này cũng rất ít. Chỉ có 5% khoản vay trong nhóm nợ cần xử lý là không có tài sản đảm bảo”, bà Nhi khẳng định.
Trả lời các chất vấn của cổ đông về kết quả kinh doanh yếu kém và việc không chia cổ tức năm 2014, ông Phạm Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank cho rằng, những năm trước Eximbank đều chia cổ tức cho cổ đông rất tốt. Tuy nhiên ông thừa nhận từ năm 2014, Eximbank không chia cổ tức vì lợi nhuận chỉ đạt 69 tỷ đồng.
“Việc không chia cổ tức là vì phải trích lập dự phòng rủi ro chứ không phải vì kinh doanh kém. Eximbank đã phải bán 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và phải trích lập dự phòng rủi ro 675 tỷ đồng, trích lập hơn 600 tỷ đồng dự phòng kinh doanh”, ông Phú cho biết.
Ban quản trị Eximbank sẽ đồng loạt từ chức?
Ngay khi bắt đầu cuộc chất vấn, các cổ đông cho rằng hoạt động kinh doanh của Eximbank “rất tồi tệ, một ngân hàng top 5 lại chia cổ tức là 0% là điều không thể chấp nhận được”.
“HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) nhận lương và thưởng có xấu hổ hay không, vì sao không dùng tiền đó để chia cổ tức cho cổ đông? Tôi nghĩ HĐQT nên từ chức”, một cổ đông phát biểu.
Cổ đông liên tục chất vấn về vấn đề thù lao và yêu cầu HĐQT từ chức. Ảnh: Phúc Vũ
Các cổ đông cũng đặt nhiều câu hỏi và yêu cầu Ban chủ tọa giải trình về việc ứng trước thù lao của HĐQT và BKS năm 2014 là 33 tỷ đồng (do kế hoạch lợi nhuận của Eximbank là 1.800 tỷ đồng), trong khi đáng ra HĐQT và BKS chỉ được nhận khoảng 840 triệu đồng (1,5% lợi nhuận sau thuế), vậy khoản tiền chênh lệch này đi về đâu?
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank khẳng định về việc tạm ứng cho HĐQT và BKS vượt con số quy định sẽ được hoàn ứng theo tiêu chuẩn do đầu năm EIB có biến động lớn, nên đã tạm ứng nhưng kết quả cuối cùng chỉ có 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, số thù lao thâm hụt này sẽ được hoàn trả ngân hàng. Tuy nhiên, ông cũng thay mặt HĐQT xin lỗi cổ đông và cho biết bản thân ông đã xin thôi nhiệm chứ không cần chờ cổ đông yêu cầu từ chức và ông chắc chắn sẽ không tiếp tục ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới (2015-2020).
Ông Nguyễn Hữu Phú cũng tự nhận trách nhiệm vì là người điều hành. “Tôi sẵn sàng từ chức để ngân hàng hoạt động tốt hơn”, ông Phú nói.
Nhân sự có lẽ là lý do chính khiến ngân hàng này phải dời ngày tổ chức Đại hội cổ đông này tới lần thứ 3. Tuy nhiên, vấn đề bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới vẫn không được đưa vào chương trình nghị sự Đại hội cổ đông thường niên 2015. Các cổ đông bày tỏ hy vọng Eximbank sẽ sớm bầu HĐQT và BKS mới để đưa Eximbank quay lại thời hoàng kim với cổ tức mỗi năm đều trên 2 chữ số và không còn bị “quỵt” cổ tức như năm 2014.
Kết thúc đại hội, cổ đông Eximbank đã nhất trí thông qua kết quả hoạt động của HĐQT nhiệm kì V và phương hướng nhiệm kì VI (2015-2020), báo cáo hoạt động kinh doanh 2014 và kế hoạch 2015, tổng mức thù lao của HĐQT và BKS…
Eximbank xóa 98 tỷ đồng nợ của Eximland?
Một vấn đề khác được đa số cổ đông quan tâm là mối quan hệ giữa Eximbank và Eximland. Việc giảm nợ cho Eximland 98 tỷ đồng có phải là lý do khiến lợi nhuận của EIB giảm hay không?
Trả lời vấn đề này ông Phạm Hữu Phú khẳng định, đến thời điểm hiện tại không có một thành viên nào của ban HĐQT Eximbank liên quan đến Eximland. Trước đây, Eximbank có sở hữu 10% Eximland nhưng nay đã thoái hết vốn và không còn liên quan.”Việc Eximbank xóa nợ 98 tỷ đồng cho Eximland đúng hay sai là một trong những nội dung do thanh tra Ngân hàng Nhà nước thực hiện nên tạm thời tôi chưa thể trả lời”, ông Phú trả lời cho nghi vấn xóa nợ tại Eximland của cổ đông.
|
PV
Theo thanhtra.com.vn