Tăng trưởng ổn định
Năm 2018 đánh dấu sự tăng trưởng ổn định của thị trường Sở hữu kỳ nghỉ toàn cầu. Theo báo cáo do nhóm nghiên cứu SMARTS công bố vào cuối năm 2018 tại Hội thảo kinh tế chia sẻ do CIEM tổ chức, đến nay ngành công nghiệp Sở hữu kỳ nghỉ đã xuất hiện tại 180 quốc gia, với sự tham gia của hơn 7400 khách sạn, resort; tổng giá trị tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế ở mức 114 tỷ USD.
Tính riêng trong 2018, thị trường Sở hữu kỳ nghỉ riêng đạt giá trị 13,5 tỉ USD và dự kiến đạt mốc 23,7 tỉ USD vào cuối năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép là 7,3%, theo công bố đầu tháng 5/2019 của Tổ chức nghiên cứu thị trường Ample Market Research & Consulting Private Limited,
Ra đời tại Anh và phát triển nở rộ tại Mỹ từ thập niên 1960 – 1970, ngày nay, hình thức Sở hữu kỳ nghỉ không chỉ được ưa chuộng tại Âu Mỹ mà đã “bùng nổ” tại Châu Á. Công ty tư vấn Bất động sản và Nghỉ dưỡng C9 Hotelwork ước tính có khoảng 500,000 phòng resort và khách sạn tại Đông Nam Á đang áp dụng Sở hữu kỳ nghỉ, tập trung chủ yếu tại Indonesia, Thái Lan, và Việt Nam. Con số này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của mô hình du lịch mới và dự đoán thị phần sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai gần.
Sở hữu kỳ nghỉ đã xuất hiện tại 180 quốc gia, với sự tham gia của hơn 7400 khách sạn, resort
Trong giai đoạn 2018 đến 2023, cuộc đua giữa những đơn vị vận hành Sở hữu kỳ nghỉ không chỉ về vị trí địa lý, danh tiếng thương hiệu, phân khúc giá dịch vụ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tính linh hoạt trong việc gia hạn/bảo lưu kỳ nghỉ, hoạt động trao đổi kỳ nghỉ giữa các đơn vị cùng trong hệ thống cũng như những tiện ích đi kèm. Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm của đơn vị kinh doanh/vận hành trong việc nắm bắt tâm lý và xu hướng khách hàng.
Thị trường rộng mở
Theo số liệu Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu và dự kiến là 33 triệu người vào năm 2022. Đây là nhóm khách hàng có tri thức, chủ động, không ngại trải nghiệm và có xu hướng chi tiêu mạnh tay cho các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng dành cho cá nhân và gia đình. Điều mà nhóm khách hàng này cần là một thương hiệu uy tín để đặt lòng tin.
Đây là lý do nhiều thương hiệu Sở hữu kỳ nghỉ lớn tại Việt Nam đã vạch rõ những chiến lược hoạt động bài bản, trong đó tăng cường mở rộng kết nối và hợp tác với những đối tác uy tín hàng đầu quốc tế, đơn cử như RCI – mạng lưới trao đổi Sở hữu kỳ nghỉ lớn nhất thế giới với 4300 resort, khách sạn trên toàn cầu.
Việc tham gia mạng lưới RCI cho thấy năng lực của các đơn vị Sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho người dân Việt Nam được đi du lịch khắp nơi trên thế giới với chi phí hợp lí và chất lượng toàn diện.
Đánh giá về chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng tại Việt Nam trong chuyến công tác hồi tháng 2/2019, ông Daniel Tan – Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của RCI cho rằng Việt Nam là địa điểm du lịch hấp dẫn với mức tăng trưởng khoảng 30%, RCI kỳ vọng vào việc phát triển mạnh hơn nữa của hình thức nghỉ dưỡng này, thông qua sự kết hợp với các đơn vị trong nước.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 11/2018 có 11 khu nghỉ dưỡng đủ tiêu chuẩn tham gia vào mạng lưới RCI, trong đó Tập đoàn FLC chiếm tới 6 khu khách sạn và resort, đặc biệt có 4 quần thể được trao chứng nhận cao nhất là Gold Crown danh giá.
“Những lợi thế này giúp FLC Holiday, đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ Sở hữu kỳ nghỉ của Tập đoàn FLC trở thành ngôi sao sáng về sản phẩm Sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam”, ông Jonathan Mills, Tổng Giám đốc Điều hành RCI Châu Á – Thái Bình Dương nhận định.
Sở hữu nhiều ưu thế như hệ tiện ích đồng bộ cao cấp, các dịch vụ đẳng cấp quốc tế… FLC Hạ Long tiếp nối chuỗi quần thể mang thương hiệu FLC gia nhập RCI
Bản thân hình thức Sở hữu kỳ nghỉ đã mang đến những lợi ích cho khách hàng về mặt ngân sách nhờ tiết kiệm được chi phí cho kỳ nghỉ trong tương lai. Giờ đây, với việc hàng loạt các tên tuổi “đình đám” tham gia thị trường, du khách ngày càng có thêm nhiều lựa chọn để cân nhắc.
Chia sẻ về triển vọng thị trường năm 2019, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á – Thái Bình Dương cho biết các xu hướng mới, phù hợp với sự phát triển của khách du lịch thế giới cần được quan tâm. Từ đó, khách hàng có thể cá nhân hóa cũng như đa dạng hóa lựa chọn của mình, chủ động lựa chọn phù hợp với các nhu cầu nghỉ dưỡng, quà tặng, trao đổi.
Với hình thức hoạt động minh bạch cùng với số lượng điểm đến đạt tiêu chuẩn ngày càng gia tăng, trong năm 2019, thị trường Sở hữu kỳ nghỉ Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển ổn định và mạnh mẽ. Mục tiêu cuối cùng là đưa khách hàng tiếp cận gần hơn những trải nghiệm du lịch cao cấp với chi phí hợp lý, đồng thời đẩy mạnh sự tăng trưởng của ngành du lịch nội địa, một lĩnh vực đang được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt Nam.
PV