Seatimes – (ĐNA). Ngày 20/3/2024 (tức ngày 11/2 âm lịch), tại đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là đền Bà Hải, đền Thánh Mẫu), UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ giỗ lần thứ 647 của Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Đây là sự kiện được bà con trong vùng cũng như các du khách thập phương chờ đợi nhất mỗi độ xuân về.
Lễ giỗ lần thứ 647 của Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là nghi lễ quan trọng nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của bà Nguyễn Thị Bích Châu đối với dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa; giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa Đền thờ. Đây là dịp để nhân dân và du khách thập phương ôn lại thân thế, sự nghiệp của bà. Qua đó, hiểu sâu sắc hơn bản “Kê minh thập sách”, được các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá như áng văn chính trị kiệt xuất gần 700 năm nay vẫn còn nguyên.
Để tập trung cho công tác chuẩn bị lễ giỗ, Ban Quản lý di tích Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu đã triển khai chỉnh trang khuôn viên khu di tích. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Đông Nam Á – ASEAN, ông Lê Văn Huân – Phó trưởng Ban quản lý di tích cho hay: “Cùng với tập trung vệ sinh, chỉnh trang lại khuôn viên trong và ngoài khu di tích, chúng tôi cũng đã phối hợp lên phương án bố trí hợp lý khu vực kinh doanh, dịch vụ, công tác an ninh trước, trong và sau lễ giỗ. Xác định trong dịp lễ này, lượng khách có thể rất đông, nên UBND Thị xã Kỳ Anh đã giao Công an Thị xã triển khai kế hoạch, phân luồng đối với tất cả các phương tiện tham gia để đảm bảo kết quả tốt nhất trong dịp lễ này.”
Trước đó, ngay từ những ngày đầu tháng 3, Thị xã Kỳ Anh đã tập trung cao cho cho công tác tuyên truyền thân thế, sự nghiệp của Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và các hoạt động lễ giỗ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo.. để người dân tiện theo dõi.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền trực quan tại các tuyến đường chính và qua kênh truyền thanh cơ sở ở 11 xã, phường; xuất bản 900 cuốn sổ tay giới thiệu về di sản văn hoá – danh thắng địa phương, trong đó có phần nội dung về thân thế, sự nghiệp của Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu; triển khai việc kết hoa đăng cho lễ thả đèn truyền thống…
Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là đền Bà Hải, đền Thánh Mẫu) được xây dựng vào thế kỷ 13, tọa lạc trên một cồn cát cao và khá rộng tại thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh (Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh). Năm 1991, đền thờ được Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định công nhận là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Tương truyền, Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bà là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công, một vị quan rất mực thanh liêm và bà Phạm Phu Nhân. Lớn lên, xinh đẹp và thông minh nên bà được vua Trần Duệ Tông tuyển vào cung, sau này phong làm quý phi, rất được nhà vua sủng ái. Bà chính là tác giả của bản “Kê minh thập sách” gồm 10 điều trị nước an dân, được dâng vua Trần Duệ Tông (1336 – 1377), đến nay vẫn còn giá trị.
Không chỉ là người phụ nữ có nhan sắc, bà Nguyễn Thị Bích Châu còn rất thông minh, mưu lược. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, Quý phi Bích Châu đã thảo bản điều trần gọi là “Kê minh thập sách” dâng lên vua. “Kê minh thập sách” đã đưa ra được những điểm trọng yếu nhất về đường lối chính trị, văn hóa, quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. “Kê minh thập sách” không chỉ phù hợp với thời đại của nhà Trần lúc bấy giờ mà còn có giá trị to lớn đối với các thế hệ sau. Rất tiếc “Kê minh thập sách” của bà không được vua quan tâm sử dụng. Tuy nhiên cùng với cái chết của bà trong chiến trận đã một lần nữa đưa bà xứng đáng với danh hiệu “Nữ trung hào kiệt”.
Vào năm 1377, vua Trần đem quân đi đánh Chiêm Thành, bà Bích Châu khuyên ngăn vua không được, bà bèn xin đi theo để hộ giá. Trong trận chiến này, bà Bích Châu bị trúng tên độc và từ trần vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1377. Vua Trần Duệ Tông vì thua trận cũng đã băng hà sau đó 3 ngày.
Khi vua Trần Phế Đế lên ngôi thì lệnh đưa linh cữu của Quý phi Bích Châu về triều để mai táng. Tuy nhiên, lúc đến cửa biển Kỳ Hoa gặp phải mưa to gió lớn không thể đi tiếp được. Vua liền xuống chiếu an táng thi hài Bà tại đây và lập miếu để nhân dân thờ phụng.
Gần trăm năm sau, 1470 vua Lê Thánh Tông trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa phát hiện ngôi miếu, vua liền dò hỏi dân chúng địa phương, vào dâng hương và viết 4 chữ “Nữ trung hào kiệt” lên bài vị và nói: “Tiền triều người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì vua mà bị vong thân, nay ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp trẫm kì khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi bản sứ về triều trẫm sẽ khởi công lập miếu phong tặng”.
Sau khi thắng trận trở về, vua hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi, sắc phong cho bà là Chế Thắng. Từ đó, đền được gọi là Chế Thắng Phu Nhân. Hàng năm, vào 11 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ của Bà.
Trải qua các triều đại phong kiến, bà Nguyễn Thị Bích Châu được nhân dân tôn là Loan Nương Thánh Mẫu hay Mẫu Kỳ Anh. Bà đã được tôn lên hàng Mẫu vào khoảng thời gian khá sớm trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.
Tăng Anh Thành