Seatimes – (ĐNA). Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1745/QĐ-Tg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, thành phố Huế hiện nay sẽ được điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng tách thành 2 quận (Bắc sông Hương và Nam sông Hương).
Trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông – Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, hạ tầng các khu chức năng. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Theo đó, Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 – 10%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 – 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 -11%/năm; dịch vụ 11,5 – 12,5%/năm.
Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 5 – 7%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 33 – 35%; dịch vụ chiếm khoảng 54 – 56% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7 – 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI).
Tỷ lệ tăng dân số bình quân đạt 1,38%/năm; đến năm 2030 dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1.300.000 người; diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 33 m2 sàn/người; số bác sỹ/1 vạn dân là 19 – 20 bác sỹ; số giường bệnh/1 vạn dân là 120 – 121 giường; tỷ lệ thất nghiệp dưới 2,1%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%.
Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, hạ tầng số đảm bảo sự hài hoà giữa kiến trúc với thiên nhiên và đặc thù của Huế.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc – Nam, Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế đô thị hướng biển; các trung tâm động lực: thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và khu công nghiệp Phong Điền. Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Các khâu đột phá phát triển đó là phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước. Phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của vùng; đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh (LNG, năng lượng tái tạo,…);
Ngoài ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó dịch vụ đóng vai trò chủ đạo với du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài dịch vụ hậu cần và vận tải, đào tạo số, đổi mới sáng tạo là đột phá; công và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Phát triển kinh tế Thừa Thiên Huế theo hướng hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế số, bền vững, có lợi thế với cơ cấu dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp gắn với không gian phát triển đặc thù của thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá và thiên nhiên, đặc biệt là Quần thể di tích Cố đô Huế; hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực; kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông – Tây, hành lang đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, Thừa Thiên Huế có 3 trung tâm đô thị:
Đô thị trung tâm gồm thành phố Huế (được chia thành 2 quận: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà; trong đó quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ; quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực; thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh;
Đô thị vùng Tây Bắc: Thị xã Phong Điền – Quảng Điền – A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong;
Đô thị Vùng Đông Nam: huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III – một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây. Có hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc La Sơn – Túy Loan; cảng biển nước sâu Chân Mây phục vụ đón khách du lịch, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn. Phát triển đô thị biển gắn với đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.009
Trong năm 2023, thành phố đã triển khai 22 đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị; quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Huế; Chương trình thành lập 3 phường trên cơ sở 3 xã: Phú Dương, Phú Mậu và Thủy Bằng; Chương trình phát triển đô thị thành phố Huế đến năm 2023 và định hướng đến năm 2030. Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.
Thành phố Huế đã đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (ưu tiên các phường, xã mới), chủ động điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế – xã hội; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường; tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm: Di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố Huế; chỉnh trang Công viên 2 bờ sông Hương; dự án chỉnh trang các tuyến đường trung tâm, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trục đường chính các xã, phường mới sáp nhập; chỉnh trang bến xe Đông Ba phục vụ du lịch, dịch vụ về đêm, phát triển đồng bộ, hài hòa kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn, tạo diện mạo cho khu vực nông thôn, kết nối đồng bộ với khu vực đô thị.
Với hạ tầng đã được đầu tư, nâng cấp làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể so với trước năm 2021, tạo đà cho Huế phát triển năng động, sáng tạo, hội đủ điều kiện lõi trung tâm đô thị di sản đặc thù, đóng góp quan trọng vào việc nhận diện mô hình đô thị di sản đặc thù của thành phố Huế trong tương lai (bao gồm cả tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trong điều chỉnh địa giới hành chính cần nâng cao năng lực và trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ phường, xã để đáp ứng yêu cầu công việc của chính quyền đô thị; tăng cường năng suất, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy các phòng ban thành phố trong bối cảnh số đơn vị hành chính, diện tích, quy mô dân số, khối lượng công việc (nhất là thủ tục hành chính và dự án đầu tư) đều tăng trong khi biên chế và cơ cấu lãnh đạo gần như không được phép thay đổi theo hướng bổ sung.
“Để đáp ứngđược yêu cầu nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra là tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách dôi dư tại các phường, xã. Bên cạnh đó, thành phố Huế luôn chú trọng điều động cán bộ trẻ, có năng lực từ Thành phố về làm cán bộ chủ chốt ở cơ sở; điều chuyển, hoán đổi cán bộ chủ chốt giữa các địa phương thuộc thành phố trước đây với các đơn vị mới sáp nhập vào để nâng cao và đồng bộ công tác chỉ đạo; rà soát, điều chuyển cán bộ chủ chốt giữa các địa phương, xóa tình trạng “bà con, dòng tộc” trong bộ máy chính quyền cơ sở, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng mất đoàn kết, phe cánh tại một số đơn vị. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với việc áp dụng nâng chuẩn cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng ban thành phố đến phường, xã” – Bí thư tỉnh ủy Phan Thiên Định chia sẻ.
Chy Lê