Seatimes – (ĐNA). Ngày 24/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.
Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm:
a) Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
b) Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
c) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
d) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
đ) Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức khác với các phương thức quy định tại các điểm a, b, c và d ở trên, Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nội dung chủ yếu của Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Mẫu số 02Đ tại Phụ lục kèm theo Nghị định 44/2024/NĐ-CP. Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Nghị định nêu rõ trường hợp áp dụng phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại các điểm b, c và d mà phải thuê tư vấn lập Đề án khai thác tài sản thì chi phí thuê tư vấn lập Đề án khai thác tài sản được tạm ứng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của cơ quan quản lý tài sản và được trừ vào tiền thu được từ khai thác tài sản. Việc lựa chọn đơn vị thuê tư vấn lập Đề án khai thác tài sản thực hiện theo quy định.
Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Trong đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).
Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không áp dụng đối với: Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia; Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.
Về thẩm quyền phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Nghị định nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở địa phương quản lý.
Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải báo cáo doanh thu hằng năm
Nghị định quy định: Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có quyền tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết. Quyết định phương thức, biện pháp khai thác tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và hợp đồng ký kết. Được thu phí sử dụng đường bộ và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nghĩa vụ sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, nhiệm vụ của tài sản; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác. Thực hiện bảo trì công trình thuộc tài sản theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bên nhận chuyển nhượng cũng có nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản (bao gồm cả khoản tiền nộp bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 9 Điều này) đầy đủ, đúng hạn theo quy định; trường hợp quá thời hạn thanh toán theo quy định mà Bên nhận chuyển nhượng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ thì phải nộp phạt hợp đồng; mức phạt tương đương với mức tiền chậm nộp xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Hằng năm, Bên nhận chuyển nhượng phải báo cáo doanh thu từ việc khai thác tài sản nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định, gửi Bên chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.
Quy định quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2019/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Nghị định quy định, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý (không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản, gồm: Cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; ở địa phương là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn.
Bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được bảo trì theo quy định. Việc bảo trì tài sản bảo đảm tuân theo trình tự, quy trình, kế hoạch và tiêu chuẩn, định mức nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác tài sản.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức bảo trì đối với từng hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Việc lựa chọn tổ chức thực hiện bảo trì được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật chuyên ngành giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.
Kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật, trừ một số trường hợp.
Phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định cũng quy định rõ phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức khác với quy định, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/6/2019. Bãi bỏ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Lê Huy