Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trường Quốc Tử Giám đầu tiên ở Việt Nam được thiết lập vào năm 1076 dưới thời vua Lý Nhân Tông (niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng thứ nhất). Ngay buổi đầu trường đã mang tên là Quốc Tử Giám và đặt ở vị trí đằng sau Văn Miếu tại Kinh thành Thăng Long, suốt các triều đại tiếp theo, ngôi trường này luôn tồn tại và ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. (Ảnh: internet)
Trường Quốc Tử Giám ở Thăng Long sau khi thành lập đã phát huy vai trò của mình một cách tích cực trong giảng dạy và học tập trong một thời gian dài. Trải qua hai triều đại sau là Trần và Lê, Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên vai trò của mình trong đào tạo nhân tài giúp nước.
Đến đầu triều Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã chọn Huế làm Kinh đô cho cả nước, và đó cũng là nguyên nhân khai sinh trường Quốc Tử Giám thứ hai của đất nước vào tháng 8 năm 1803.
Trường Quốc Tử Giám ở Huế hiện nay nằm tại đường 23 tháng Tám, bên trong Thành nội Huế, phía đông của Hoàng thành. Tuy nhiên, trước đây trường nằm ở phía tây Kinh thành, sát bên Văn Miếu Huế, thuộc địa phận xã An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành khoảng 5km. Năm 1908, thời Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành để tiện việc đi lại, tức vị trí hiện nay.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Trường Quốc Tử Giám xưa chiếm một vùng đất khá rộng lớn bên trong Kinh thành, mặt trước tiếp giáp tường thành của vòng Kinh thành; mặt sau gần kề với phủ Tôn Nhơn và Ba Viên (nay là công viên Nguyễn Văn Trỗi); bên trái giáp với Cơ Mật Viện (sau là Tam Tòa và nay là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); bên phải tiếp giáp với Hoàng thành. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực phía trước, từ đường 23 tháng Tám đến giáp Kinh thành; khu vực phía sau, từ đường Lê Trực trở về đường Đinh Công Tráng đã thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Vì vậy, giới hạn của khuôn viên trường, hiện nay do Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế quản lý là bốn con đường Đinh Tiên Hoàng, Đoàn Thị Điểm, Lê Trực và đường 23 tháng 8; khu vực này có hình chữ nhật, kích thước: 177m x 173m, tổng diện tích là 30.621m2.
Quốc Tử Giám ở Huế chính là cơ cấu quản lý giáo dục của triều Nguyễn, cũng là học phủ tối cao của triều đại phong kiến cuối cùng này. Đây chính là nơi đã đào tạo ra nhiều quan chức ưu tú của Nguyễn triều và cũng đào tạo ra nhiều sĩ phu yêu nước từ đầu thế kỷ thứ XIX cho đến nửa đầu thế kỷ này.
Quốc Tử Giám là trường dạy “làm quan” duy nhất trong toàn đất nước, nên tất cả sĩ tử mưu cầu công danh đều quy tụ về đây ngày càng đông. Bên cạnh đó, ngoài những Giám sinh chính thức thuộc ngạch Tôn sinh, ấm sinh, Cống sinh, còn có cả những người đã thi đỗ Tú tài, Cử nhân có nguyện vọng nhập Giám tiếp tục học tập chờ đợi khoa thi sẽ được xét duyệt. Vì vậy, trường Quốc Tử Giám của triều Nguyễn ngày càng nhộn nhịp đông đúc, quy mô ngày càng lớn rộng.
Chúng ta có thể khẳng định Quốc Tử Giám là một trong những di tích đặc biệt quý hiếm của Huế và của cả Việt Nam hiện nay, bởi đây là trường Đại học duy nhất trong thời quân chủ còn tồn tại ở nước ta. Chỉ riêng với ý nghĩa này thôi, di tích Quốc Tử Giám đã xứng đáng được xếp hạng và được bảo vệ như một di tích đặc biệt của Quốc gia.
Về mặt lịch sử, Quốc Tử Giám là đại diện duy nhất phản ánh diện mạo của một trường Đại học thời phong kiến, nó cũng là sự minh chứng cho tư tưởng coi trọng việc học hành của thời Nguyễn nói riêng và các triều đại Việt Nam nói chung.
Về mặt kiến trúc, Quốc Tử Giám mà đặc biệt là tòa Di Luân Đường là một công trình độc hiếm của kiến trúc cung đình thời Nguyễn, một công trình có sự pha trộn giữa “đường” và “các” rất đặc biệt của thời Nguyễn. Đây cũng là một công trình có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật trang trí với hàng trăm ô hộc khảm chạm xương ngà và đắp nổi sành sứ ở nội ngoại thất. Các công trình khác như nhà trưng bày, nhà kho cũng có những giá trị nhất định về kiến trúc và lịch sử vì chúng đều là hiện thân của một thời kỳ phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Về mặt văn học, Quốc Tử Giám cũng là nơi lưu trữ hàng trăm bài thơ có giá trị của các vua quan triều Nguyễn; hai tấm bia đá thời Thiệu Trị và thời Tự Đức trong khuôn viên trường cũng chứa đựng những nội dung rất quý về văn học và nghệ thuật chế tác bia.
Với những giá trị kể trên, từ ngày 11 tháng 12 năm 1993, di tích Quốc Tử Giám đã trở thành một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Trước đây, do hoàn cảnh lịch sử nên sau ngày miền Nam giải phóng, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được bố trí tạm tại Quốc Tử Giám, là di tích trong hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên, việc biến đổi và giao một di tích quan trọng như Quốc Tử Giám cho Sở Văn hóa Thông tin quản lý trong khi tại Huế có một đơn vị làm nhiệm vụ quản lý toàn bộ quần thể di tích cung đình thì quả chưa thật hợp lý. Thiển nghĩ, di tích này cần sớm được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì khả năng bảo tồn và khai thác phát huy mới thực sự đạt hiệu quả cao.
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nằm trong khu đất Quốc Tử Giám thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Theo quan sát trực tiếp của chúng tôi, Quốc Tử Giám hiện nay tuy mới được triều Nguyễn xây dựng lại đầu thế kỷ XX, nhưng trải qua một thế kỷ nhiều biến động nên đã có nhiều thay đổi lớn: Các tòa nhà chính như Di Luân Đường, nhà trưng bày, nhà kho, Thần Trù…đều bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Một số công trình mới được xây dựng (chủ yếu là dạng nhà cấp IV) làm nơi ăn ở, sinh hoạt của cán bộ công nhân viên Bảo tàng và Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế đã phá vỡ nghiêm trọng quy hoạch chung của ngôi trường này. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế đã có những nỗ lực lớn trong việc trùng tu, tôn tạo các công trình chính. Năm 1995, Sở đã tiến hành dự án tu bổ tòa nhà Di Luân Đường. Năm 2000, Sở lại chỉ đạo Bảo tàng Tổng hợp tiến hành Dự án sắp xếp lại toàn bộ phần trưng bày về các chứng tích chiến tranh ở phía tây nam. Đến năm 2002, Sở đã phối hợp với Công ty Mỹ thuật Trung ương lập dự án tu bổ tổng thể toàn bộ cụm di tích Di Luân Đường-Quốc Tử Giám…
Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế mới và trả lại nguyên trạng vốn có của Quốc Tử Giám Huế là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Các cơ quan báo chí, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh (đại biểu Nguyễn Văn Thạnh) đến những người có trách nhiệm cụ thể như TS. Phan Thanh Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tổn Di tích Cố đô Huế) cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.
Nhận ra được những bất cập trên, sau khi làm việc với Bộ Quốc phòng, ngày 13/9/2016, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh phần khu đất tại địa chỉ 268 đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế hiện do Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý (với tổng diện tích 7.500 m2 ) để làm Bảo tàng Lịch sử. Ngày 28/3/2017, Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh về việc đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà, đất này sang cho UBND tỉnh quản lý và sử dụng. Ngày 25/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao khu đất 268 Điện Biên Phủ cho Sở Văn hóa và Thể thao để hình thành Bảo tàng Lịch sử tỉnh.
Tiếp đến, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với các Sở liên quan tiến hành khảo sát cơ sở vật chất hiện có, khẩn trương triển khai lập dự án đầu tư Bảo tàng Lịch sử về nơi mới, đồng thời làm các phương án trưng bày Bảo tàng Lịch sử phù hợp với không gian tại địa điểm 268 Điện Biên Phủ (TP Huế), kế hoạch năm 2019 đưa bảo tàng vào hoạt động. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay đã gần cuối năm 2019 nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì mọi việc vẫn đang còn dang dở, công tác bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất, và thời gian Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế có thể chuyển sang chỗ mới vẫn còn bỏ ngỏ; điều đó cùng đồng nghĩa Quốc Tử Giám Huế chưa biết lúc nào mới được “trả lại tên cho em” với đúng vị trí, tên gọi cùng chức năng vốn có của nó.
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác bàn giao mặt bằng vẫn chưa xong, địa chỉ 268 đường Điện Biên Phủ vẫn thuộc về Tiểu đoàn huấn luyện – cơ động của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh TTH.
Theo chúng tôi, một trong những việc làm quan trọng để phát huy giá trị di tích Quốc Tử Giám Huế (sau khi được trả lại nguyên trạng như trước đây) đó là UBND Tỉnh, các Trường trung cấp, Cao đẳng, Đại học trực thuộc tỉnh và Trung ương, nhất là Đại học Huế nên tổ chức trao bằng Tiến Sĩ, học hàm PGS, GS, các danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân tại đây.
PGS.TS Nguyễn Tất Thắng – Anh Tuấn – Đ.Hậu