Seatimes – (ĐNA). Dự án Cảng hàng không Quảng Trị có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư hai giai đoạn trên 5.830 tỷ đồng; dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hai dự án được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội đối với tỉnh Quảng Trị.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị
Ngày 15/12/2023, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T thuộc Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 tổ chức Lễ khởi động Dự án Cảng hàng không Quảng Trị.
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Dự án được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai thuộc huyện Gio Linh có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư hai giai đoạn trên 5.830 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E cho phép khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp 2, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Sân bay Quảng Trị được xác định là một trong 28 cảng hàng không nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/01/2021.
Dự án cũng là một trong số 33 cảng hàng không nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2023 vừa qua.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm; trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng bắt đầu từ 2021-2024 với thời gian thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 22 tháng.
Dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng 2 năm; thời gian thực hiện hợp đồng (vận hành, thu phí hoàn vốn) là 47 năm 2 tháng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị các sở, ngành tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Huyện Gio Linh vận động người dân bị ảnh hưởng bởi dự án ủng hộ triển khai dự án; di dời các hộ dân để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đến nơi ở các khu tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ.
Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị.
Sáng 15/12, tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đã diễn ra Lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị.
Dự án có diện tích 481 ha, được thực hiện bởi Công ty TNHH Liên doanh phát triển Quảng Trị, là liên doanh của Công ty Liên doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam-Singapore, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa của Thái Lan và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản.Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 418/QĐ-TTg ngày 23/3/2021 với tổng vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 97,4 ha, tổng vốn đầu tư 504,39 tỷ đồng. Dự án thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng.
Các ngành công nghiệp mục tiêu của Khu công nghiệp, bao gồm dệt may, giày dép, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống.
Tại lễ khởi công, 5 doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ để thuê đất tại Khu công nghiệp Quảng Trị. Trong đó, Công ty Winzen Holding của Hong Kong (Trung Quốc) và Công ty Join Success Wealth của Singapore có kế hoạch thực hiện sản xuất may mặc tại khu công nghiệp, cùng với ba doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất đồ nội thất và phân phối xe máy.
Khu công nghiệp Quảng Trị sẽ được phát triển trong 12 năm. Khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo việc làm cho 30.000-40.000 lao động.
Chy Lê