Seatimes – (ĐNA). Các chỉ tiêu y tế của tỉnh Quảng Ninh năm 2024 cơ bản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu cả nước là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành.
Những năm gần đây, ngành y tế Quảng Ninh đang khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu cả nước về đổi mới và hiện đại hóa ngành y tế. Từ việc phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đến áp dụng công nghệ hiện đại và hợp tác quốc tế, tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là “nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Năm 2024, tỷ lệ bệnh viện đạt 57,7 giường bệnh/1 vạn dân (toàn quốc đạt 32,5 giường bệnh/1 vạn dân); 17 bác sĩ/1 vạn dân (toàn quốc đạt 14 bác sĩ/1 vạn dân ); 7 dược sĩ đại học/1 vạn dân (toàn quốc đạt 3,08 dược sĩ đại học/1 vạn dân); 25 điều dưỡng/1 vạn dân (toàn quốc đạt 18 điều dưỡng/1 vạn dân). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,56% (mục tiêu toàn quốc là 94,1%). Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt 100% (chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Y tế năm 2024 tính đạt 90%). Tỷ lệ hài lòng chung của người dân với dịch vụ y tế ngành y tế Quảng Ninh đạt 92,3%, chỉ số hài lòng toàn diện đạt 89,5%.
Tổng số lượt khám bệnh năm 2024 là hơn 3 triệu lượt, tăng 4% so với năm 2023; số lượt điều trị nội trú tăng 5% so với năm 2023. Trong đó, tỷ lệ chuyển tuyến đa tuyến là 3,57%, thấp nhất trong các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Công tác y tế dự phòng được triển khai hiệu quả các giải pháp nhờ đó tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, chủ động kiểm soát chặt chẽ các quy trình kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, lối mở khu vực biên giới. Tình hình các dịch bệnh được kiểm soát tốt, không ghi nhận các ổ dịch lớn cũng như sự bùng phát và lan rộng của dịch bệnh. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt 95,8%.
Năm qua, ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục được đẩy mạnh quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, với mục tiêu nâng cấp hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Song song với đó, các trạm y tế và trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được đầu tư xây dựng hoặc cải tạo để đảm bảo mọi người dân, kể cả ở vùng khó khăn, đều được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. Gần đây, 2 dự án hạ tầng y tế được tỉnh quan tâm đầu tư và phê duyệt là: Dự án cải tạo, xây mới trụ sở các Trạm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 và sửa chữa, cải tạo trụ sở Trung tâm Kiểm nghiệm; Dự án cải tạo, xây mới Trung tâm Y tế Thành phố Đông Triều. Bên cạnh đó ngành y tế cũng đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư 2 dự án: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cơ sở 2 tại TP Hạ Long; Dự án đầu tư mở rộng Bệnh viện Bãi Cháy. Đây là những dự án lớn về hạ tầng y tế với mục tiêu đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị y tế thu hút được 74 bác sĩ có chuyên môn cao về làm việc trong đó có 10 bác sĩ tại các bệnh viện đặc thù; 57 bác sĩ tại các trung tâm y tế và 7 bác sĩ đa khoa tại các trạm y tế. Điều này không chỉ giúp tăng tỷ lệ bác sĩ của Quảng Ninh lên 17 bác sĩ/vạn dân, mà còn giúp nâng cao chất lượng y tế, giúp người dân được tiếp cận khám chữa bệnh hiệu quả hơn.
Bên cạnh đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng thì yếu tố con người luôn được ngành y tế quan tâm, chú trọng. Thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành y tế luôn chú trọng đào tạo, tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực cả tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến cơ sở.
Với đội ngũ y bác sĩ tận tâm, có trình độ chuyên môn cao, ngành y tế Quảng Ninh đã đảm bảo công tác khám chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu và dịch vụ y tế chất lượng cao.
Với nhiều chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, các dịch vụ y tế chất lượng cao, trong năm 2024, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đã triển khai 116 kỹ thuật y tế chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa với 14.483 ca bệnh. Điển hình một số chuyên ngành mũi nhọn đã triển khai thành thường quy là chuyên ngành Nội tim mạch – can thiệp; phẫu thuật tim hở; chuyên ngành ngoại thần kinh – cột sống đang triển khai 25 kỹ thuật cao chuyên sâu; chuyên ngành ngoại ổ bụng với 38 kỹ thuật. Riêng trong chuyên ngành sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong năm điều trị 22 trẻ sơ sinh cực non dưới 28 tuần tuổi; cứu sống được 14 trẻ qua cơn nguy kịch…
Sở Y tế Quảng Ninh tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Hai bệnh viện đã tích cực cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn tại Bệnh viện Việt Đức. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử cán bộ học tập tại Bệnh viện số 2, Đại học Y Quảng Tây, Trung Quốc – đây là bệnh viện có số ca ghép tạng đứng hàng đầu thế giới. Dự kiến năm 2025 triển khai ca ghép tạng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Cũng trong năm 2024, Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh đã được thành lập, nổi bật với chuỗi hoạt động như: Phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người” vì mục đích cứu chữa người bệnh và phục vụ nền y học trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Ban thư kí Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh; Đoàn khối các cơ quan; UBND các địa phương tổ chức chương trình phát động hưởng ứng đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người trong đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn tỉnh năm 2024… Đưa tổng số người đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người trong ngành y tế Quảng Ninh lên tới 1.600 người.
Mạng lưới truyền thông, giáo dục sức khỏe gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp với nội dung phong phú, đa dạng trên tất cả các nền tảng truyền thông. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong mạng lưới, thông tin y tế được phổ biến đến mọi người, bao gồm cả những khu vực vùng sâu, vùng xa, biển đảo. Công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh được thực hiện thường xuyên đã giúp cải thiện tỷ lệ phòng ngừa bệnh và nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp. Đồng thời truyền thông y tế ở tuyến cơ sở được đẩy mạnh còn tạo điều kiện để người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ, ăn uống lành mạnh, vệ sinh môi trường sống.
Sơn Nguyễn