Mối quan hệ Mỹ – Philippines lại tiếp tục gặp sóng gió khi mới đây Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “đã đến lúc nói lời chia tay” với Mỹ.
Phát biểu này được đưa ra khi ông R.Duterte đang thực hiện chuyến thăm chính thức 4 ngày đến Bắc Kinh nhằm định hình lại các quan hệ ngoại giao.
Tổng thống Philippines R.Duterte.
Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư thương mại Philippines – Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh ngày 20-10, nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố, chính thức “tách khỏi” Mỹ, chuyển hướng sang tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Nga để thành lập một liên minh thương mại lớn. Bên cạnh đó, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng khẳng định vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đối tác kinh tế với Liên minh Châu Âu (EU).
Kể từ khi lên nắm quyền cuối tháng 6, Tổng thống R.Duterte bắt đầu cho thấy sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Philippines so với tổng thống tiền nhiệm. Nhanh chóng củng cố quyền lực trong bộ máy nhà nước và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhóm xã hội dân sự khác nhau, ông R.Duterte đang chuyển hướng chính sách đối ngoại của Philippines. Nhà lãnh đạo Philippines cũng gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế về chiến dịch chống ma túy trên khắp đất nước.
Vì lẽ đó, Liên hợp quốc, EU và Mỹ đã lên tiếng báo động về chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy có phần cực đoan của Manila. Đáp lại, ông R.Duterte đã chỉ trích Tổng thống Barack Obama, đồng thời có những phát ngôn thể hiện chính sách xa rời đồng minh có hiệp ước lâu dài và là nhà bảo trợ an ninh cho Philippines hàng thập kỷ qua. Thay vào đó, Tổng thống Rodrigo Duterte chuyển hướng sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga. Một trong những rào cản chính trong quan hệ Philippines – Trung Quốc hiện nay là tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống R.Duterte dường như đang tìm cách đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề này, thay vì đối đầu căng thẳng. Các nhà phân tích cho rằng, có lẽ động cơ thực sự của ông R.Duterte là tự mình điều hành quân đội và các hoạt động hành pháp mà không cần lo lắng về sự giám sát của quốc tế, đồng thời cũng phát đi thông điệp rằng, ông sẵn sàng có sự thay đổi về chính sách nếu cần thiết.
Thế nhưng, việc Tổng thống R.Duterte điều chỉnh lại quan hệ giữa Philippines với hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ tác động đến mối quan hệ Mỹ – Philippines đã có từ 65 năm nay, một liên minh được xem là trụ cột chính trong chính sách xoay trục Châu Á của Tổng thống B.Obama. Chỉ trong khoảng thời gian quá ngắn, quan hệ Philippines – Mỹ đã đi từ đặc biệt và bất khả xâm phạm đến tình trạng có khả năng tan vỡ bất kỳ lúc nào. Điều này có vẻ rất bất thường đối với một trong những mối quan hệ song phương gần gũi và lâu đời nhất thế giới.
Ngoài ra, sự phản đối công khai của ông R.Duterte đối với Mỹ sẽ gây khó khăn cho quan hệ hai nước trong nhiệm kỳ của ông. Một ngày sau khi Tổng thống R.Duterte tuyên bố “chia tay” với Mỹ, ngày 21-10, Bộ trưởng Thương mại Philippines, ông Ramon Lopez khẳng định Philippines vẫn sẽ duy trì quan hệ kinh tế, thương mại với nền kinh tế số một thế giới này. Theo ông Lopez, ông R.Duterte chỉ tuyên bố Philippines “phá bỏ việc phụ thuộc quá nhiều vào một phía, nhưng chắc chắn sẽ không ngừng các hoạt động thương mại và đầu tư với phương Tây, đặc biệt là Mỹ”.
Trong khi đó, phản ứng trước các tuyên bố của nhà lãnh đạo Philippines, Phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz cho hay, Chính phủ Mỹ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào từ giới chức Philippines về việc chấm dứt các mối quan hệ an ninh và kinh tế giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo sẽ yêu cầu Tổng thống R.Duterte giải thích chính xác ý nghĩa những gì ông đã nói về việc chấm dứt mối quan hệ với Mỹ. Phía Mỹ cũng nhấn mạnh, phát biểu của vị tổng thống 71 tuổi này là “khó hiểu” và “mâu thuẫn” với mối quan hệ gần gũi giữa hai nước.
Mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục thể hiện sự sẵn sàng duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với Philippines mà hai bên đã vun đắp trong nhiều thập kỷ qua khi Tổng thống B.Obama đã khéo léo bỏ qua những phát biểu được cho là “khiêu khích” của ông R.Duterte, song các quan hệ liên minh tồn tại dựa trên nền tảng là mối quan hệ cho và nhận giữa hai hay nhiều quốc gia. Không thể phủ nhận sự thật là Mỹ và Philippines cùng chia sẻ rất nhiều lợi ích chung.
Cho đến nay, Tổng thống R.Duterte đang giành được sự ủng hộ cao của dân chúng. Đồng thời, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy quốc gia Đông Nam Á này vẫn là nước có nhiều người ủng hộ Mỹ nhất trên thế giới. Do vậy, việc làm thế nào để “giảm sốc” cho người dân quốc gia vạn đảo này về sự chuyển hướng đột ngột chính sách ngoại giao cũng sẽ là một câu chuyện cần được tính đến.
Thùy Dương
Theo Báo Hànộimới