Seatimes – Sáng 10/2/2023, tại Trụ sở UBND tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo, đại diện các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNN, LĐTB&XH, TT&TT, Xây dựng, VHTT&DL, Y tế, GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng…
Ba Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, người dân đặc biệt quan tâm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đã ban hành tổng cộng 11 Nghị quyết, 2 Chỉ thị, 5 Công điện, 4 Thông báo kết luận và tổ chức 6 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ thực hiện 3 chương trình này.
Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG.
Đối với Tây Nguyên, địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm tỉ lệ 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%.
Đời sống nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo bình quân năm 2022 của vùng là hơn 8,6%, cao hơn tỉ lệ bình quân của cả nước là 5,2%.
Tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 đạt khoảng 52%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (khoảng 72%); thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương.
Vì vậy việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 3 chương trình MTQG là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.
Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 11.731,505 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.
Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho Vùng Tây Nguyên là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 11,38% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 2.801,213 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.077,484 tỷ đồng.
Các tỉnh Tây Nguyên bố trí 877,024 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình, còn thiếu khoảng 600 tỷ đồng so với tổng số vốn phải đối ứng là 1.452,789 tỷ đồng theo quy định.
Về kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương, tính đến ngày 31/12/2022, các tỉnh vùng Tây Nguyên giải ngân được 1.348,732 tỷ đồng, đạt 34,77% kế hoạch cấp có thẩm quyền giao, thấp hơn 2,96% so với bình quân chung của cả nước (37,73%).
Hội nghị tại các tỉnh Tây Nguyên là hội nghị đầu tiên trong 3 hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì với các vùng của cả nước để kiểm tra trực tiếp, nắm bắt tình hình thực hiện các chương trình MTQG. Sau các hội nghị này, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG sẽ họp phiên thứ 3 để đề ra những giải pháp thiết thực thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình này.
Tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia
Trước đó, chiều 9/2, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế tại làng Đê Kjêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) và xã A Dơk (huyện Đak Đoa).
Cùng tham gia đoàn công tác có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Về phía tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và huyện Mang Yang, Đak Đoa.
Kiến nghị, đề xuất từ cơ sở
Tại làng Đê Kjêng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm thăm hỏi tình hình đời sống sinh hoạt, đồng thời động viên bà con chăm lo sản xuất, tiếp tục đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và tích cực tham gia thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Làng Đê Kjêng hiện có 230 hộ dân tộc Bahnar sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Hiện làng còn 96 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 41,7%.
Nói về khó khăn của làng, ông Khih-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho biết: Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi trên địa bàn hầu hết nhỏ lẻ, không đảm bảo nước tưới đối với diện tích gieo trồng. “Bà con mong muốn được đầu tư xây dựng đập thủy lợi để giải quyết tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô. Nếu có được công trình thủy lợi sẽ giải quyết nước tưới gần 90 ha lúa nước của làng và 50 ha lúa nước của xã Đak Jơ Ta”-ông Khih nói.
Báo cáo tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang Lê Trọng cho biết: Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện là 220 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 29 tỷ đồng. Năm 2022, huyện đã thực hiện giao vốn cho các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Trong đó, đã triển khai nhiều dự án thiết thực giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang), Đê Bơ Tưk (Đak Jơ Ta) và Đê Kôn (xã Hà Ra); đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc.
Chủ tịch UBND huyện Mang Yang đề nghị Trung ương hỗ trợ bố trí kinh phí đầu tư làm đường từ ngã ba Plei Bông đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 xã Ayun, Đak Jơ Ta, đồng thời đáp ứng định hướng phát triển du lịch của vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng cho rằng, Mang Yang là huyện nghèo nên việc đối ứng kinh phí của huyện tối thiểu 10% với ngân sách trung ương và tỉnh để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
Qua nắm tình hình về tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện Mang Yang, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng: Tổng nguồn vốn của cả giai đoạn 2021-2025 là hơn 220 tỷ đồng nhưng năm 2022, địa phương mới chỉ giải ngân được 29 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn còn lại trong 3 năm là khá lớn. Do đó, huyện cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và lồng ghép có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tránh đầu tư dàn trải để phát huy hiệu quả công trình, dự án khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận kiến nghị của người dân làng Đê Kjêng và huyện Mang Yang, đồng thời sẽ đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu tham mưu, đề xuất.
Chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ, ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện là hơn 84 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân hơn 40 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện còn gặp lúng túng và nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, nhiều nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhu cầu nguồn lực cần thiết phải đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương rất lớn trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương còn hạn chế.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của huyện, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận các kiến nghị và cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và định mức phân bổ cho từng dự án trong 2 chương trình về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng nêu một số điểm cần lưu ý như việc đầu tư còn dàn trải nên khó phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là 3 chương trình có ý nghĩa rất lớn nhằm chăm lo cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để kéo gần sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một trong những nội dung chính mà chúng tôi muốn đặt ra trong chuyến công tác này là muốn nhắc các địa phương về việc đầu tư các dự án không được dàn trải. Trước hết, những vướng mắc về phía Trung ương còn thiếu thì chậm nhất trong cuối tháng 2 này sẽ có hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện các chương trình tốt hơn trong thời gian đến”.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Hiện tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan bám sát các bộ, ngành Trung ương để khi có các văn bản hướng dẫn, định mức phân bổ sẽ tập trung triển khai các hợp phần trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua khảo sát thực tế tại 2 huyện Mang Yang và Đak Đoa cũng cho thấy nhiều vướng mắc, tồn tại, tỉnh sẽ có báo cáo tổng thể trong buổi làm việc tiếp theo. Đồng thời, qua đó sẽ có kiến nghị để các bộ, ngành và Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát huy hiệu quả của các chương trình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ