Seatimes – (ĐNA). Đầu thế kỷ XIX, phố cổ Gia Hội từng là một khu vực sầm uất bậc nhất Kinh đô Huế. Vậy nhưng Gia Hội ngày nay lại là một khu phố cổ khá yên ắng, tĩnh lặng và được xem là “ít chịu phát triển” dù vẫn là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về văn hóa, lịch sử của cố đô. Gia Hội sẽ phát triển, sẽ đi lên như thế nào? Đây là một chủ đề được GS.TS Thái Kim Lan đặt ra cho cuộc tọa đàm đầy ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Huế đã chính thức trở thành Thành phố trực thuộc trung ương.

Quá khứ vàng son
Đông Ba- Gia Hội hai cầu
Ngó vô Diệu Đế bốn lầu hai chuông
Khu phố cổ Gia Hội – chợ Dinh nằm trên một hòn đảo được bao bọc xung quanh bởi sông Hương và sông Đông Ba ở phía đông ngoài Kinh thành Huế, là khu vực sầm uất bậc nhất xứ Huế đầu thế kỷ XIX. Năm 1687, sau khi chúa Nguyễn Phúc Thái dời thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân, khu vực Gia Hội càng có điều kiện phát triển mạnh. Nơi đây tập trung nhiều phủ đệ, những ngôi chùa, đình, miếu của người Việt cùng với các hội quán của người Hoa đã tạo nên một không gian kiến trúc đặc sắc. Bên cạnh các di sản kiến trúc truyền thống, còn có các di sản vật thể và phi vật thể như các lễ hội truyền thống, các ngành nghề thủ công cổ truyền, các hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống… tiêu biểu cho một phần sinh hoạt của khu đô thị cổ bên cạnh kinh thành. Có thể khẳng định, khu phố cổ Gia Hội là nơi biểu hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa. Đây cũng là trọng tâm của phần “thị” trong kết cấu “đô-thị” của Huế trong thời kỳ đầu gắn bó với sông Hương.
Đến nửa đầu thế kỷ XVIII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát nâng cấp phủ Phú Xuân lên làm Đô thành, khu vực Gia Hội – chợ Dinh càng phát triển phồn thịnh. Xem bản đồ cổ Giáp Ngọ niên Bình Nam Đồ (1774) của Đoan quận công Bùi Thế Đạt, có thể thấy khu vực này đã có nhiều phủ đệ của thân vương, quý tộc, quan lại, trong đó nổi bật là Phủ Ao, chợ Dinh… Trong công trình Phủ biên tạp lục, biên soạn năm 1776, Lê Quý Đôn cũng mô tả:

“…Ở trên thì các phủ thờ ở Kim Long giữa thì cung phủ hành lang, dưới thì nhà cửa ở phủ ao, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu, đổi tên, đề biển, có hai điện Kim Hoa, Quang Hoa, Trung Hòa, Di Nhiên, đài Sướng Xuân, các Dao Trì, các Triêu Dương, các Quang Thiên, đình Thụy Vân, hiên Đồng Lạc, am Nội Viện, đình Giáng Hương, công đường, trường học và trường súng. Ở thượng lưu về phía nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực .. Ở thượng lưu và hạ lưu Chính dinh đều là quân bày hàng như bàn cờ. Những nhà của thủy quân lại ở đối ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc thì các xã Hà Khê, Thọ Khang trên thượng lưu còn nhà vườn của các công hầu quyền quí thì chia bày ở hai bờ thượng lưu sông Phú Xuân, cùng hai bờ sông con bên hữu Phủ Cam. Ở thượng lưu, hạ lưu phía trước chính dinh thì chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khỏang tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang đi lại như mắc cửi”.

Đến đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long cho xây dựng kinh đô tại Huế, khu vực Gia Hội- Chợ Dinh lại càng phát triển sầm uất hơn bởi trung tâm buôn bán trao đổi của kinh đô Huế đều tập trung ở phía đông Kinh thành. Các hội quán của người Hoa, người Minh hương cũng được chuyển từ khu vực Thanh Hà- Bao Vinh lên xây dựng ở các vị trí dọc bờ sông Hương, thuộc tuyến đường Chi Lăng hiện nay.

Khu vực Gia Hội cũng tập trung nhiều phủ đệ của thân vương, quý tộc nhà Nguyễn. Đặc biệt, phủ đệ của Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông cũng được xây dựng tại đây; sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Thiệu Trị đã cho xây dựng chùa Diệu Đế chính trên nền ngôi “tiềm để” của mình. Chùa Diệu Đế trở thành một trong 4 ngôi quốc tự tại kinh đô, có vị thế và ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo xứ Huế và cả đối với đời sống tinh thần của hoàng gia. Năm 1885, sau khi “kinh đô thất thủ”, phủ Thừa Thiên từng một thời tạm chuyển về đóng tại chùa Diệu Đế, trước khi chuyển qua bờ nam sông Hương, ở vị trí của UBND Thành phố Huế hiện nay (16 Lê Lợi). Cho đến đầu thế kỷ XX, dẫu không còn là thời kỳ hoàng kim, khu vực Gia Hội vẫn là một trong những khu vực phồn thịnh nhất của kinh đô Huế.
Hiện tại tĩnh lặng
Phường Gia Hội ngày nay gồm 18 tổ dân phố, thuộc quận Phú Xuân, thành phố Huế, với diện tích 1,46km2, dân số khoảng 28.000 người. Phía đông giáp phường Vĩ Dạ, ranh giới là sông Hương; phía tây giáp phường Thuận Lộc và phường Đông Ba với ranh giới là sông đào Đông Ba; phía Nam giáp phường Đông Ba với ranh giới là sông Đông Ba; phía bắc giáp phường Phú Hậu. Như vậy, Gia Hội có địa thế gần như 3 mặt giáp sông, lại tiếp giáp với chợ Đông Ba, trung tâm thương mại dịch vụ truyền thống lớn nhất của thành phố Huế.
Phường Gia Hội cũng là một trong những phường có quần thể di tích lịch sử văn hóa phong phú, với nhiều loại hình khác nhau: Phủ đệ, Hội quán, chùa, đình làng, phố cổ, nhà cổ, từ đường…trong đó có những di tích rất nổi tiếng như chùa Diệu Đế, đình và miếu Thế Lại Thượng, hội quán Phúc Kiến, hội quán Triều Châu, Thanh Bình từ đường, đền Chiêu Ứng, phủ Gia Hưng, phủ Thoại Thái, phủ Tuy An, phủ Ngọc Sơn, Nhà thờ tổ Kim Hoàn…Các di tích này đều đã được đưa vào danh mục kiếm kê và 3 trong số đó đã được công nhận di tích cấp quốc gia (Đình Thế Lại Thương, Thanh Bình từ đường và Nhà thờ tổ Kim hoàn).
Phường Gia Hội cũng là khu vực có những di sản phi vật thể quý báu như các lễ hội truyền thống, nghề thủ công làm phấn nụ, tranh gương, làm diều…; nghệ thuật ẩm thực đa dạng với nhiều món ăn mang đậm bản sắc Huế. Và, đặc biệt, đây vẫn là khu vực còn giữ đậm đặc một “lối sống Huế” truyền thống không dễ tìm thấy ở nơi khác.

So với phố cổ Hội An, phố cổ Gia Hội cũng không thua kém gì về vẻ đẹp, các công trình kiến trúc độc đáo, cũng như mang trong mình những giá trị về văn hóa, lịch sử. Theo thống kê, phố cố Gia Hội hiện còn khoảng 83 công trình kiến trúc bao gồm phủ đệ và tư thất của quan lại triều Nguyễn, công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, nhà rường cổ… Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống di sản này đã và đang xuống cấp ở nhiều cấp độ khác nhau, khu phố đã dần mất đi nét cổ kính do những tác động của quá trình đô thị hóa, thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế và nhiều yếu tố khác.
Gia Hội ngày nay là một khu vực tĩnh lặng, đầy vẻ “yên phận”, hầu như rất ít có sự thay đổi phát triển theo hướng tích cực. Sự trầm mặc, hoài cổ của Gia Hội khiến người ta phải day dứt với câu thơ của Nguyễn Bính:
Khách du lần giở trang hoài cổ
Mơ lại thời xưa xóm Ngự viên

Làm sao để Gia Hội đi lên, phát triển bằng sự khác biệt
Đây chính là câu hỏi lớn, là niềm trăn trở của rất nhiều người, từ các thế hệ lãnh đạo đến người dân bình thường, và cả những người Huế tha hương, những người yêu Huế. Cũng có thể so sánh, hình ảnh Gia Hội chính là một hình ảnh xứ Huế thu nhỏ.
Tháng 8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng không gian phố cổ Gia Hội thành tuyến phố thương mại du lịch đặc trưng của thành phố Huế” của Viện Nghiên cứu và Phát triển. Kết quả của đề tài được đánh giá cao và được kỳ vọng sẽ giúp cho Gia Hội phát triển đúng hướng…
Tuy nhiên, ý tưởng, mục tiêu của đề tài khoa học trên không mới. Hàng chục năm trước, chính quyền thành phố Huế đã từng quyết tâm bảo tồn, phát huy khu phố cổ Gia Hội với mong muốn biến nơi đây thành một Hội An của Huế. Tuy nhiên mong muốn và quyết tâm ấy chưa thành.
Vậy cần làm gì để Gia Hội phát triển, đi lên, nhưng là đi lên bằng thế mạnh, bằng sự khác biệt của mình? Dưới đây là vài gợi ý từ suy nghĩ của bản thân tôi.

Trước hết, đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền.
Chính quyền thành phố Huế đã và đang thực hiện quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch phát triển đô thị thành phố Huế (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), quy hoạch bảo quản, tu bổ quần thể di tích cố đô Huế… do đó cần đặc biệt quan tâm để triển khai quy hoạch chi tiết khu vực Gia Hội. Bởi quy hoạch là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển đúng hướng và bền vững của một địa phương.
Tiếp đó, cần có sự đầu tư xứng đáng để có thể bảo tồn, khai thác và phát huy tốt các di sản phong phú trên địa bàn Gia Hội. Phường Gia Hội nói riêng và toàn bộ quần Phú Xuân nói chung đã được kiểm kê tổng thể các di sản văn hóa, đây là cơ sở rất quan trong cho việc đề xuất và triển khai công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các di sản mà địa phương đang sở hữu.
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của chính quyền các cấp là tạo điều kiện và tạo ra sự kết nối để mọi người dân trên địa bàn có thể phát huy hết năng lực, sở trường của mình trong việc khai thác, phát huy các nguồn lực vốn có của địa phương, mà với Gia Hội, đó là nguồn lực tiềm tàng và to lớn về văn hóa, di sản. Hiện nay, các cơ sở dịch vụ trên địa bàn phường còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tính hệ thống, chưa thể hiện được sự chuyên nghiệp trong việc cung ứng, phục vụ nhu cầu của du khách. Đây là điều mà chính quyền và các ngành chức năng cần nhận thấy rõ và có giải pháp để sớm khắc phục.

Thứ hai là, rất cần sự thay đổi và nỗ lực của người dân.
Hầu hết các di sản của Gia Hội là di sản thuộc về cộng đồng, thuộc về người dân. Vì vậy cần có sự thay đổi về nhận thức trong cách tiếp cận và sử dụng di sản cho mục tiêu phát triển. Về điểm này, người Gia Hội nói riêng và người Huế nói chung rất cần học hỏi người dân Hội An. Học hỏi về kỹ năng sử dụng, phát huy di sản, kỹ năng phục vụ để Gia Hội thực sự có thể trở thành một trung tâm dịch vụ phục vụ cho nhu cầu đa dạng của các đối tượng du khách.

Thứ ba là, cần những người truyền cảm hứng và dẫn dắt cộng đồng.
Có thể xem GS.TS Thái Kim Lan là một ví dụ điển hình cho vai trò của một người truyền cảm hứng, kết nối và dẫn dắt.
Gia Hội nói riêng và Huế nói chung đang rất cần những người như GS. Thái Kim Lan để truyền cảm hứng cho cộng đồng, kết nối và dẫn dắt cộng đồng trong hành trình “đánh thức” kho tàng di sản văn hóa to lớn mà địa phương đang sở hữu nhưng lại còn lúng túng hoặc chưa biết khai thác, phát huy một cách hiệu quả để phát triển.
Tôi nghĩ, ngoài GS.TS Thái Kim Lan, vẫn còn rất nhiều người yêu Huế nói chung, những người con của Gia Hội nói riêng rất tâm huyết và sẵn sàng kết nối, hỗ trợ để giúp Gia Hội phát triển bằng chính thế mạnh của mình. Chúng ta cần tìm đến những người này. Cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của họ.
Tôi cho rằng, mọi sự thành bại trên đời đều do yếu tố con người, nên dù có Thiên thời, Địa lợi mà không có Nhân hòa thì cũng rất khó mà thành công. Gia Hội đang có Thiên thời, Địa lợi. Chỉ còn đợi Nhân hòa.
Huế, tháng Giêng năm 2025
TS.Phan Thanh Hải (Sở Văn hóa & Thể thao)