Đây không chỉ là niềm mơ ước của bất kỳ bộ phim nội địa nào mà còn là con số mà ít bộ phim bom tấn Hollywood nào có thể nghĩ tới khi bước chân vào Hàn Quốc.
Và giờ đây, phim điện ảnh Đại thủy chiến đã chính thức ra rạp tại Việt Nam.
Nhẹ nhàng mà ấn tượng
Đạo diễn Kim Han Min không phải là tên tuổi xuất hiện quá dày đặc trong nền điện ảnh Hàn Quốc. Ông làm phim khá ít, nhưng mỗi tác phẩm ra đời đều để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người xem.
Nổi bật nhất trong sự nghiệp của Kim Han Min là War of Arros, một tác phẩm về đề tài chiến tranh lấy hình tượng tiêu điểm là những mũi tên. Khi cho ra mắt bộ phim này cách đây vài năm, Kim Han Min đã được tung hô nhiệt liệt vì cách làm phim lắng đọng, duy mỹ và ngập tràn cảm xúc.
Đó cũng là những gì mà ông mang lại cho Đại thủy chiến. Lấy bối cảnh trận đánh khốc liệt giữa đô đốc Yi Sun Shin của Triều Tiên và quân Nhật đang tràn qua trên đường biển chuẩn bị chiếm kinh thành, Kim Han Min đã tự mang đến cho mình một thách thức vô cùng lớn. Bởi lẽ, Yi Sun Shin gần như là hình tượng bất diệt trong lòng người Hàn, một nhà chiến lược tài ba, quả cảm, nên chỉ cần một chút "yếu tay", hẳn Kim Han Min sẽ nhận không ít lời chỉ trích.
Tuy nhiên, không phụ lòng kỳ vọng của nhiều người, Kim Han Min đã tạo ra một tác phẩm trọn vẹn, đủ đầy, sống động và thu hút.
Cuộc chiến khốc liệt trên biển giữa đội quân Nhật và Hàn Quốc là đề tài chính của phim.
Điểm quan trọng và là mấu chốt lớn nhất trong kịch bản của phim chính là việc làm thế nào để Yi Sun Shin chỉ với 12 thuyền chiến lại có thể đánh bại được hơn 300 tàu của quân Nhật. Bằng cách khắc họa tỉ mỉ từng chi tiết, từng đoạn hội thoại, từng lúc trăn trở của đô đốc Yi Sun Shin, đạo diễn Kim Han Min đã lần mở cho người xem câu chuyện một cách khá từ tốn.
Gần như trọn vẹn 45 phút đầu của phim không có một cảnh chiến đấu nào, tất cả chỉ là nói, nói và nói. Mạch phim của Đại thủy chiến có lúc chậm quá mức khiến khán giả xem sẽ rất nóng lòng. Tuy nhiên, chỉ cần cố gắng theo dõi, người xem sẽ bị cuốn ngay vào câu chuyện.
Điều tuyệt nhất mà Kim Han Min làm được cho bộ phim này không phải là khắc họa hình tượng một vị anh hùng, mà là biến hình ảnh của Yi Sun Shin trở nên đời thường, gần gũi. Ngay cả với chiến công của mình, Yi Sun Shin cũng không nhận lấy hết danh dự. Ông luôn cho rằng, chiến thắng của mình là nhờ ý trời và bách tính, nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chính vì vậy mà chiến công ấy thêm phần đáng nể.
Xuất sắc trong từng chi tiết
Choi Min Sik là nam diễn viên gạo cội Hàn Quốc thủ vai đô đốc Yi Sun Shin. Là một diễn viên lớn, Choi Min Sik rất giỏi thực hiện những trường đoạn nội tâm, vốn chiếm rất nhiều thời lượng của nhân vật trong phim này. Cái đau khổ, dằn vặt mà Choi Min Sik mang lại cho nhân vật khiến khán giả đôi khi bị cuốn theo và bộc lộ cảm xúc cùng ông.
Choi Min Sik có thể được xem là lựa chọn hoàn hảo trong vai diễn này, bởi ông có gương mặt không quá bạo tàn nhưng đủ dũng cảm và cứng rắn để bảo vệ người dân và kinh thành Jo Seon.
Diễn viên gạo cội Choi Min Sik đã hóa thân xuất sắc vào vai đô đốc Yi Sun Shin.
Ở tuyến đối diện, "ông hoàng phòng vé" Ryu Seung Ryong là người thủ vai viên tướng Kurushima của quân Nhật. Ryu Seung Ryong đã thổi cho vai này một linh hồn vừa thú vị vừa rùng rợn, đầy tính bí ẩn.
Được tạo hình như một hải tặc, Kurushima mang trong mình một sự hận thù cao độ với tướng Yi Sun Shin. Điều này càng ngày càng bị dâng cao và kịch tính hơn về phút cuối, đặc biệt là khi Kurushima chạm mặt Yi Sun Shin.
Xét về mặt hình ảnh, Đại thủy chiến hoàn toàn có thể làm mãn nhãn người xem với những cảnh quay trên biển bao la, rộng lớn. Đặc biệt, những dòng nước xoáy mà Yi Sun Shin mượn lấy để đánh tan kẻ thù được thực hiện rất công phu, sống động.
Đội quân thuyền chiến của Nhật lẫn của Hàn đều mang những nét đặc trưng, hoành tráng riêng. Những con tàu dài đến 8 – 10m không chỉ dàn trận đánh nhau bằng pháo mà còn là nơi diễn ra những trận đánh xáp lá cà khốc liệt. Cũng chính vì vậy mà người ta mới thấy được hết tài năng chỉ đạo của viên tướng Yi Sun Shin.
Những cảnh hỗn chiến, đánh xáp lá cà trên biển khiến người xem mãn nhãn.
Về mặt âm nhạc, đạo diễn Kim Han Min sử dụng chất nhạc đậm tính sử thi cho phim, trong đó có rất nhiều tiết tấu dày đặc những tiếng trống. Việc ưu tiên sử dụng trống đã góp phần tăng sự hào hùng cho toàn bộ cốt truyện. Vì thứ âm nhạc dày đặc cảm xúc đó, người xem đôi khi xem phim phải "nổi hết cả da gà".
Có thể nói, bạn nên xem Đại thủy chiến để biết tại sao bộ phim này lại được người Hàn Quốc thích thú và đổ xô đi xem đến vậy. Nó không phải dạng phim bom tấn dày đặc kỹ xảo, cháy nổ thường thấy ngoài rạp. Đại thủy chiến là một quả bom tấn về mặt cảm xúc, một biểu tượng nhẹ nhàng nhưng vô cùng mạnh mẽ về lòng dũng cảm và đức hy sinh.
Theo Xã Luận
(Tiêu đề đã được Seatimes thay đổi)