"Scandal: Hào quang trở lại" mở đầu đã khiến khán giả choáng ngợp với một đại cảnh hoành tráng: lễ trao giải thưởng điện ảnh Kỳ Lân Vàng. 300 diễn viên quần chúng tụ hội tại khu vực nhà hát và khách sạn Continental cổ kính với nét kiến trúc Pháp sang trọng ở trung tâm Sài Thành. Thảm đỏ huy hoàng, đèn flash máy ảnh nháy đến chói mắt, tiếng reo hò của các fan cuồng, dàn mỹ nhân xúng xính váy áo chen chân để có một chỗ đứng trên thảm đỏ. Và giữa không gian lộng lẫy đó, một ngôi sao xuất hiện với sắc đỏ huy hoàng làm lu mờ mọi thứ. Nàng là Bella – với vẻ đẹp quý phái đúng chất minh tinh mà mỗi bước đi là một ánh nhìn ngưỡng mộ.
Khoảnh khắc đó chính là khoảnh khắc thăng hoa và đẹp nhất của nhân vật Bella do Trang Nhung thể hiện trong suốt chiều dài phim, cũng là nơi ánh sáng hào quang xuất hiện đậm đặc nhất, chói lòa nhất, trước khi vụt qua bầu trời như một vệt sao băng, không để lại dấu tích.
Bella – ngôi sao sáng nhất trong mọi ngôi sao rồi cũng đến ngày phải đối mặt với thực tế phũ phàng là thời của nàng đã hết. Trong phút giây cuống cuồng níu kéo ánh hào quang sắp tắt, Bella đã lầm đường lạc lối, tìm đến giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ để làm mới bản thân mình.
Mang tới lời hứa hẹn "tôi sẽ biến cô thành con người khác nếu cô muốn", bác sĩ Quân (Chi Bảo) là người thực hiện ca phẫu thuật giúp Bella lấy lại tuổi trẻ và danh vọng. Nhưng ngay khi ánh đèn trong phòng mổ sáng lên cũng là lúc cơn ác mộng bắt đầu – cơn ác mộng không chỉ cho Bella mà còn với tất cả những ai liên quan đến câu chuyện này…
Có thể nói trong số các bộ phim của Victor Vũ, Scandal: Hào quang trở lại ít tính giải trí hơn cả, thay vào đó bộ phim tập trung hơn cho phần thông điệp. Có lẽ cũng bởi thế nên khán giả khi xem phim không tránh khỏi đôi phần hụt hẫng, vì cảm thấy "phim không đã bằng phần 1", những nút thắt – mở cũng dễ đoán hơn.
Nếu như trong phần 1, Victor Vũ tái hiện một showbiz đầy rẫy chiêu trò, cùng những góc tối tâm linh cám dỗ người nghệ sĩ thì phần 2 là một câu chuyện khác hoàn toàn độc lập, trong đó hào quang là nhân vật chính và các nhân vật khác, dù chính diện hay phản diện cũng đều xoay quanh nó, chạy theo nó, đam mê nó và gánh chịu bi kịch cũng vì nó.
Bé Thanh Mỹ trong vai Bella thuở nhỏ
Kẻ đam mê và chạy theo ánh hào quang đầu tiên chính là Bella. Hình ảnh nữ diễn viên này được xây dựng như thể loài sâu bướm lao vào nguồn sáng lung linh đầy mê muội, thứ ánh sáng khiến cô sống trong ảo tưởng để đến một ngày, cô trở nên lệ thuộc vào nó, cho rằng không có nó, cuộc đời mình chỉ là vô nghĩa.
Kẻ thứ hai cũng đam mê hào quang đến mù quáng chính là bác sĩ Quân và cả người vợ lắm mưu nhiều kế của anh ta. Quân xuất hiện ban đầu với hình ảnh của một kẻ chưa gặp thời trong sự nghiệp, khao khát khẳng định tài năng của mình. Thế nhưng khi đã đạt được thành công và sống trong hào quang, anh ta bất chấp tất cả để giữ ánh sáng đó bên mình.
Hào quang trong phim không chỉ là thông điệp mà Victor Vũ muốn thể hiện, nó còn thực sự là một "nhân vật" giữ vị trí trung tâm. Nó là thứ người ta không thấy được nhưng cảm được.
Nhắc đến hào quang là nhắc tới ánh sáng. Trong "Scandal: Hào quang trở lại", yếu tố ánh sáng cũng rất được chú trọng và đôi khi, nó trở thành yếu tố đặc tả nêu bật thông điệp phim. Ở nửa đầu phim, ánh sáng lộng lẫy và huy hoàng như khoảng khắc thăng hoa của ngôi sao trên thảm đỏ; ánh sáng huyền ảo và mê hoặc như hàng trăm ngọn đèn lồng trên phố cổ; và kể từ khi ánh sáng lạnh lẽo của ngọn đèn mổ được bật lên, nó mở ra một không gian tăm tối u ám hơn hẳn.
Có thể nói khi giảm bớt tính giải trí, hạ yếu tố kịch tính và làm cho câu chuyện trở nên dễ đoán hơn, thì bộ phim của Victor lại sạch sẽ và ít sạn hơn. Cảnh quay đẹp, làm phim tử tế, diễn viên diễn xuất cũng ổn, không bật lên hẳn nhưng đồng đều. Câu chuyện phim khá nặng nề cũng không quên điểm xuyết những tình tiết hài hước để làm giảm nhẹ.
Lẽ tất nhiên, khi mọi thứ trở nên đều đều và bằng phẳng như thế, nếu đem so sánh với những tác phẩm trước đây có phần "giật gân" hơn, sẽ đem lại cảm giác ban đầu là hụt hẫng cho khán giả.
Xem "Scandal: Hào quang trở lại", có lẽ không ít khán giả sẽ chợt nảy ra một suy nghĩ rằng, khi kiểu kết cấu thắt – mở, những tình tiết đảo chiều, những "cú lừa" cũng trở nên cũ kỹ và bắt đầu xuất hiện cảm giác lặp lại, nhám chán, có khi nào Victor Vũ thử đổi mới mình bằng kiểu làm phim "thẳng băng" xem sao? Có khi nào thay vì những lời giải thích dài dòng cho câu chuyện ở cuối phim, đạo diễn hãy để cho các tình huống, hành động tự thân kể câu chuyện của nó. Đi đường vòng nhiều, dù lắt léo ly kỳ nhưng cũng đến ngày mệt mỏi và khi ấy, biết đâu đường thẳng lại là một lựa chọn hay.
Theo aFamily