Ở Qua Pixar là vô cực (To Pixar and beyond), độc giả dễ thấy dòng tagline (tựa đề mở rộng) ấn tượng: “Tôi cùng Steve Jobs và hành trình không tưởng làm nên lịch sử ngành giải trí”.
Tiếp đó, ngay bìa gấp, sự gặp gỡ của tác giả cuốn sách và nhà sáng lập công ty Apple được hé lộ: “- Xin chào! Xin lỗi anh có phải là Lawrence không? – Vâng, tôi nghe. – Tôi là Steve Jobs. Giọng nói từ đầu dây bên kia cất lên. – Tôi đã nhìn thấy bức ảnh của anh trên một tờ tạp chí vài năm trước và nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ làm việc cùng nhau”.
Đó là sự khởi đầu của xưởng phim hoạt hình thuộc hàng xuất sắc nhất thế giới kể trên, nay đã thuộc sở hữu của gã khổng lồ Walt Disney. Kể ra như vậy để nhìn vào VinTaTa – hãng phim non trẻ thuộc tập đoàn Vingroup.
Tâm hồn Việt Nam, tư duy toàn cầu
Nếu chúng ta biết rằng để có được bộ phim hoạt hình đầu tiên là Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), nhà sáng lập Steve Jobs, luật sư kiêm giám đốc tài chính Lawrence Levy (tác giả Qua Pixar là vô cực) và toàn bộ ê kíp của Pixar đã mất ròng rã nhiều năm thai nghén, triển khai; thì với VinTaTa, 60 phút hoạt hình đầu tiên của hãng chỉ được hoàn chỉnh trong khoảng… nửa năm. Có thể nhìn vào thời điểm phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản Tác giả lừng danh vào cuối tháng 10/2017, đến lúc công bố kết quả vào tháng 5/2018 và ra mắt 3 tập phim đầu tiên vào tháng 8/2018 để thấy được khoảng thời gian làm phim thuộc dạng “tốc độ cao” này.
Monta và những người bạn “kỳ cục” của mình bắt đầu hành trình trong “dải ngân hà kỳ cục” cũng là bắt đầu một hành trình chinh phục khán giả. |
Vậy thì với quỹ thời gian không quá dài ấy, VinTaTa đã mang đến Monta trong dải ngân hà kỳ cục như thế nào? Câu trả lời, đây là phim hoạt hình tiện cận “chuẩn quốc tế” nhất của Việt Nam từ trước tới nay, với chất lượng tốt, đủ để cả trẻ em và người lớn cảm thấy thích thú.
Từ ý tưởng của nhóm tác giả The Whale Hunters gồm 4 thành viên ở độ tuổi 8x, 9x (giành giải Nhất trong cuộc thi Tác giả lừng danh), kịch bản phim đã được đích thân nhà biên kịch kỳ Jeffrey Scott của Hollywood phát triển. Điều này giải thích cho không khí, màu sắc kiểu “tư duy toàn cầu, chất liệu địa phương” mà Monta trong dải ngân hà kỳ cục gửi đến khán giả.
Ba tập đầu tiên cũng như series phim xoay quanh nhân vật chú khỉ Monta gặp sự cố và phiêu lưu qua khắp các hành tinh kỳ cục. Cách chia mỗi tập thành những câu chuyện khác nhau xảy ra ở Hành tinh mỳ, Hành tinh rác, Hành tinh bánh sinh nhật gợi liên tưởng đến những cuốn phim video trứ danh của Cartoon Networks (dù VinTaTa cho biết phim của họ sẽ được chiếu trên nhiều không gian, định dạng).
Trong số ba tập đầu tiên (dài 60 phút) thì tập một (dài khoảng 20 phút) có khả năng mang đến sự thích thú lớn nhất cho cả khán giả người lớn và trẻ nhỏ. Ở đó hé lộ gần như toàn bộ phong cách, đường dây câu chuyện của Monta trong dải ngân hà kỳ cục. Đó là lối thể hiện với tư duy “mở” trong một kết cấu “mở”. Theo đó, anh chàng Monta quyền năng, cá mập ăn chay mít ướt Shakirra, cô nàng cừu Sheepora hói đầu đỏm dáng… hay phi thuyền Banana “nhân cách hóa” đều mang đến vẻ gẫn gũi trộn lẫn lạ lẫm. Phải nói rằng nhóm tác giả và đạo diễn đã khá thành công khi tạo dựng cá tính cho mỗi nhận vật, hoàn toàn tránh được việc có thể bị “soi” về việc giống vô số nhân vật hoạt hình nổi tiếng.
Bay xa trong thế giới “lộn ngược” của chú khỉ Monta
Yếu tố “kỳ cục” ngay trong tựa đề chung của series phim cũng cho thấy yếu tố giải phóng về lối mòn của cốt truyện, tình huống, tình tiết. Như ở Hành tinh mỳ, theo logic là khi chúng ta đói thì sẽ muốn ăn, nhưng ở đây Monta cùng đồng bọn “quá hoảng sợ vì bị… ép ăn từ hai nhà hàng ngon nhất là Má Mì Ramen và Dzô Phở. Những cuộc “đại chiến mì – Phở” cũng là nên cao trào của phim sau những chuyện trớ trêu và tạo nên tiếng cười cho khán giả.
Mỗi nhân vật trong “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” đều có một cá tính độc đáo, được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho phim hoạt hình Việt Nam. |
Với vô số chuyện khác thường xảy ra, nên nếu có thay chữ “kỳ cục” Monta trong hành ngân hà kỳ cục thành “lộn ngược” thì cũng đúng. Ví như ở tập hai – Hành tinh rác, nhà vua và hoàng hậu là những người đam mê rác một cách thật… ngốc ngếch; hay ở tập ba – Hành tinh bánh sinh nhật, thay vì người ăn bánh thì ở đây bánh ăn người…
Như thế, những ai là “fan” của phim hoạt hình thì có thể nhận ra đạo diễn, biên kịch đã biết nắm lấy chiếc chìa khóa mở ra trí tưởng của khán giả nhí – đối tượng chính dễ tìm thấy sự hứng thú, mê say, động điều với chú khỉ Monta và những người bạn. Nghĩ khác đi, tưởng tượng xa hơn, vượt khỏi những lũy tre để khám phá những tinh cầu xa xôi hẳn là ước mơ của nhiều cô bé, cậu bé người Việt. Có thể nói, với họat hình, VinTaTa chắp cánh cho sự khai mở đó.
Nếu để chỉ ra những hạn chế thì 3 tập đầu tiên của Monta trong dải ngân hà còn không ít điểm cần khắc phục. Ngoài Monta, tên nhiều nhân vật khác khá khó nhớ, chưa thống nhất tên tiếng Anh hay tên tiếng Việt, nhiều câu thoại không cần thiết và đôi khi khó nghe rõ lời, còn thiếu những tình tiết thực sự “đắt” để phục vụ khán giả lớn tuổi…
Tuy nhiên, với những gì đã trình làng, Monta trong dải ngân hà kỳ cục thực sự là một sản phẩm đáng tự hào của hãng phim “quá trẻ” VinTaTa (với bếp trưởng Nguyễn Phí Phi Anh, sinh năm 1991). Sự kiến tạo nào cũng cần những sự khởi đầu và từ đây, công chúng của phim hoạt hình đã có thể mong chờ, đặt niềm tin vào biểu tượng Monta của phim hoạt hình Việt.
Danh Anh