(Philippines). Ngày 31/1/2024, Bộ trưởng Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia Arsenio Balisacan cho biết, Chính phủ tin tưởng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 6,5%-7,5% vào năm 2024, giúp Philippines giữ vững vị trí dẫn đầu về mức tăng trong khu vực.
Theo cuộc khảo sát của Bloomberg, Philippines báo cáo GDP tăng 5,6%, vượt qua mức tăng trưởng trung bình 5,5%. Như vậy, Philippines đã vượt qua nhiều nước khác để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2023, được thúc đẩy bởi lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ và đầu tư.
Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương tự so với cùng kỳ năm trước trong quý cuối năm 2023. Còn khi tính theo quý, nó đạt tốc độ tăng 2,1%. Mặc dù đây là tốc độ chậm hơn mục tiêu 6% – 7% của Chính phủ nước này nhưng cho đến nay, đây vẫn là tốc độ nhanh nhất trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng của Malaysia, quốc gia có GDP tăng nhanh nhất khu vực ASEAN vào năm 2022 (ở mức 8,7%), có khả năng giảm xuống 3,8% vào năm 2023. Được biết Indonesia và Thái Lan sẽ công bố dữ liệu kinh tế trong tháng 2.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lạc quan của về triển vọng của nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, khi lạm phát hạ nhiệt và Ngân hàng Trung ương nước này tạm dừng chiến dịch thắt chặt lãi suất mạnh mẽ nhất khu vực.
Nhưng việc duy trì hiệu suất hoạt động đòi hỏi phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, vì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khó có thể chuyển sang nới lỏng nhanh chóng trong bối cảnh rủi ro về giá kéo dài.
Trong khi chi tiêu của Chính phủ giảm 1,8% do các nỗ lực củng cố tài chính, Balisacan dự kiến việc mở rộng lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Robert Dan Roces, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn Security Bank ở Manila, lưu ý ngay cả khi tiêu dùng ổn định thì tình trạng kinh tế toàn cầu trì trệ, lạm phát và lãi suất cao vẫn cản trở sự cải thiện đáng kể về triển vọng tăng trưởng trong năm nay. “Động lực tăng trưởng hiện nay phụ thuộc vào chi tiêu của Chính phủ”, ông Robert Dan Roces cho biết.
Nhìn chung, với việc GDP đang tăng ổn định, cùng với sự suy giảm của đồng peso, nhiều khả năng ngân hàng trung ương Philippines vẫn sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 15/2.
Một số chuyên gia dự đoán đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên xảy ra vào cuối năm nay nhưng chỉ sau khi Fed bắt đầu nới lỏng trước, giúp giảm bớt một số áp lực lên đồng tiền nước này.
Và mặc dù lạm phát trong tháng 12/2023 chậm lại về phạm vi mục tiêu 2%-4% của ngân hàng trung ương sau 21 tháng, việc tăng lãi suất chưa hoàn toàn bị loại trừ trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao.
Bất kỳ một đợt thắt chặt nào nữa của ngân hàng trung ương Philippines đều có thể đảo ngược khả năng nền kinh tế phục hồi nhờ tiêu dùng.
T.Y.B