Seatimes – (ĐNA). Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á, với sự kết hợp phong phú giữa thiên nhiên kỳ vĩ và văn hóa đa dạng. Trong năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 79,6%, châu Âu (11,3%), châu Mỹ (5,7%) và châu Phi (0,3%)(Trung tâm thông tin du lịch, 2024).

Tiềm Năng Du Lịch Việt Nam
Việt Nam không chỉ nổi bật với những con số ấn tượng về lượng khách du lịch quốc tế mà còn sở hữu nhiều tài nguyên và lợi thế để phát triển ngành du lịch bền vững. Dưới đây là các yếu tố chính góp phần vào tiềm năng du lịch của Việt Nam:
Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, từ các bãi biển tuyệt đẹp nhưĐồ Sơn, Sầm Sơn, Mỹ Khê, Nha Trang, Phú Quốc… Các khu rừng quốc gia và di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long mang lại cơ hội cho du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên. Với hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có một kho tàng văn hóa phong phú với nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, như Hội An, Huế, và các lễ hội truyền thống. Việc phát triển du lịch văn hóa có thể thu hút những du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử và văn hóa. Ẩm thực Việt Nam cũng nổi tiếng với sự phong phú và đa dạng, không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn quốc tế. Việc tổ chức các lễ hội ẩm thực có thể tạo ra sức hút lớn cho du lịch.
Trong những năm gần đây, các chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông, như sân bay, đường bộ, và đường sắt, giúp kết nối các điểm du lịch dễ dàng hơn. Điều này không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận mà còn tạo thuận lợi cho du khách, tạo nên tiền đề để khai thác những tiềm năng và thế mạnh du lịch này, đặc biệt trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Trờ thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế, Hàn Quốc trở thành thị trường khách lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với 4,5 triệu lượt, chiếm 25,98%. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,7 triệu lượt, chiếm 21,26% (Trung tâm thông tin du lịch, 2024), trong đó khu vực miền Trung chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đặc biệt, các địa điểm như Đà Nẵng, Hội An và Nha Trang đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Những số liệu này vừa là kết quả, vừa là bằng chứng cho tiềm năng, động lực của toàn ngành du lịch Việt Nam, nỗ lực thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.
Nút Thắt Về Ngôn Ngữ và Văn Hóa
Mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng du lịch Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) với 20 doanh nghiệp lữ hành đưa khách tới các khu di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, đã ghi nhận có tới 75% số khách phản ánh môi trường, cảnh quan di sản bị xuống cấp; 55% có ý kiến hệ thống thu gom rác thải, nhà vệ sinh chưa tốt; 40% cho rằng dịch vụ ăn uống, vui chơi và mua sắm ít; 40% nhận thấy giá cả dịch vụ đắt đỏ, chưa phù hợp; 20% cho biết hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch ít, chất lượng chưa bảo đảm; 5% phản hồi nhân viên phục vụ chưa chuyên nghiệp. Điều này cho thấy rằng, mặc dù cảnh quan và dịch vụ có thể đẹp, văn hóa đậm bản sắc… là những tiềm năng lớn, nhưng nếu không có phương pháp khai thác hiệu quả, đặc biệt là ở khía cạnh dịch vụ thì trải nghiệm của du khách sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Một trong những vấn đề lớn nhất trong ngành du lịch tại Việt Nam là hạn chế về năng lực ngoại ngữ của người làm du lịch. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, và trở thành rào cản cố hữu của phát triển du lịch nước nhà. Chỉ khoảng 60% người lao động trong lĩnh vực du lịch biết sử dụng ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là chủ yếu, khoảng 42%. Các thứ tiếng còn lại như Trung Quốc (5%), Pháp (4%) và một vài ngoại ngữ khác. Đánh giá trên tiêu chí sử dụng ngoại ngữ một cách tự tin và thành thạo thì hiện chỉ mới có khoảng 15% người lao động trong lĩnh vực du lịch đáp ứng được yêu cầu này, chủ yếu rơi vào bộ phận hướng dẫn viên và lễ tân khách sạn (Đức Quang, 2024). Điều này dẫn đến những bất tiện trong việc phục vụ khách hàng, từ việc đặt phòng đến hướng dẫn tham quan, khiến cho du khách cảm thấy không thoải mái.
Sự thiếu hiểu biết về văn hóa bản địa và văn hóa của các nhóm khách du lịch cũng là một nguyên nhân lớn gây cản trở. Nhiều nhân viên không nắm vững các phong tục tập quán của du khách, dẫn đến những hiểu lầm và tình huống khó xử. Du khách cảm thấy không được tôn trọng khi nhân viên không hiểu rõ về văn hóa của họ, nhưng ngược lại, cộng đồng cư dân địa phương cũng cảm thấy bị ảnh hưởng bởi những hành vi và thói quen lạ từ văn hóa của khách du lịch. Sự khác biệt văn hóa đã tạo nên những rào cản vô hình, ngăn cách khách du lịch với điểm đến, và cộng đồng cư dân bản địa.
Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành du lịch của từng địa phương và du lịch Việt Nam nói chung. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), các điểm đến có dịch vụ khách hàng tốt và khả năng giao tiếp hiệu quả có thể tăng trưởng lượng khách du lịch lên tới 20% hàng năm.
Giải Pháp Khơi Thông Rào Cản, Tận Dụng Tiềm Năng
Để khắc phục những hạn chế về ngôn ngữ, cần có các chương trình đào tạo ngôn ngữ bài bản cho người làm trong ngành du lịch. Các trường đại học và cao đẳng có thể hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ để cung cấp các khóa học miễn phí hoặc giảm giá cho nhân viên trong ngành du lịch. Điều này không chỉ giúp nâng cao khả năng giao tiếp mà còn tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn. Giải có pháp này cần có sự đông hành của các trường, viện có đào tạo khối ngành ngôn ngữ cùng tham gia, trong việc thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo ngôn ngữ không những cho sinh viên của trường mà cả cộng đồng dân cư. Trường Đại học Thái Bình Dương là một ví dụ điển hình trong việc thực hiện những giải pháp này. Gần đây, trường đã tổ chức sự kiện “Ngày hội Ngôn ngữ và Văn hóa” với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh và giáo viên từ các trường trung học phổ thông. Sự kiện không chỉ là sân chơi cho học sinh mà còn là cơ hội để nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa.
Các hoạt động lễ, hội, cuộc thi ngôn ngữ cũng cần được thường xuyên tổ chức để có thể tạo điều kiện, khuyến khích cộng đồng gia tăng năng lực ngôn ngữ và tự tin. Trong khuôn khổ sự kiện “Ngày hội Ngôn ngữ và Văn hóa” của trường Đại học Thái Bình Dương, vòng chung kết cuộc thi tiếng Anh không chuyên “Đường đến Đại Hải Trình” đã thu hút 29 thí sinh xuất sắc từ các trường trung học phổ thông. Các thí sinh đã tham gia nhiều phần thi khác nhau, từ khoa học đến văn hóa, qua đó không chỉ thể hiện kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng phản biện.
Trường Đại học Thái Bình Dương đang đi đúng hướng trong việc đầu tư vào các hoạt động giao lưu văn hóa, qua đó không chỉ nâng cao kiến thức và kỹ năng cho sinh viên mà còn góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Những nỗ lực này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho sinh viên trong tương lai, giúp họ trở thành những người đại diện xuất sắc cho văn hóa Việt Nam và là cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau. Những sự kiện như Ngày hôi giao lưu văn hóa giữa sinh viên Trường đại học Thái Bình Dương với sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc có chính là một minh chứng rõ ràng cho cam kết của nhà trường trong việc phát triển toàn diện cho sinh viên năng lực ngoại ngữ và văn hóa để tham gia và phát triển trong lĩnh vực du lịch.
Phát triển năng lực ngoại ngữ và thấu hiểu văn hóa là yếu tố then chốt để khơi thông tiềm năng phát triển du lịch địa phương. Các trường đại học, đặc biệt là Trường Đại học Thái Bình Dương, cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, tổ chức các sự kiện thiết thực, và hợp tác với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chỉ khi chúng ta thực sự đầu tư vào con người, du lịch Việt Nam mới có thể vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới.
Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành du lịch mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển kinh tế bền vững cho khu vực miền Trung.
TS.Văn Hữu Quang Nhật/Trường Đại học Thái Bình Dương
Tham khảo
1.Trung tâm Thông tin du lịch, (2024), Ngành Du lịch Việt Nam cán đích mục tiêu tăng trưởng, đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. https://thongke.tourism.vn/index.php/news/items/238
2.Đức Quang, 2020, Ngoại ngữ – điểm yếu của lao động ngành du lịch. https://vienktxh.hanoi.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/ngoai-ngu-diem-yeu-cua-lao-dong-nganh-du-lich-115970.html