Seatimes – Chiều 12/9/2023, tại phiên họp 26, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, có tình trạng cơ quan báo chí chưa thực sự sát sao trong việc đăng tải thông tin về việc thực hiện dự án hồ Ka Pét (tỉnh Bình Thuận), để kẻ xấu lợi dụng đưa tin không chính xác, không đúng sự thật.
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết, từ ngày 4 – 6/9, có một số bài báo liên tục đăng thông tin cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận “phá 600 ha rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét” (trong khi đây là hoạt động “khai thác rừng” để thực hiện dự án), gây ra luồng phản ứng dư luận xấu, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Quốc hội, Chính phủ.
Ông cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, đề nghị kiểm tra xác minh thông tin và có giải pháp xử lý nhanh, tránh gây bức xúc trong dư luận. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cung cấp thông tin của dự án cho các cơ quan liên quan theo quy định về thực hiện thẩm định, thẩm tra dự án, điều tra đánh giá hiện trạng rừng, trồng rừng thay thế, đánh giá tác động môi trường… để thực hiện dự án.
Ngay sau đó, một số trang mạng đã xuất hiện thông tin khách quan nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về mục tiêu của dự án, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, trồng rừng thay thế…
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị báo cáo các nội dung liên quan báo chí đăng tải và tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về dự án hồ Ka Pét.
Từ những nội dung trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ra nhận xét ban đầu rằng: Đã có tình trạng các cơ quan truyền thông chưa thực sự sát sao trong việc đăng tải thông tin về dự án, để kẻ xấu lợi dụng đưa tin không chính xác, không đúng sự thật.
“Như hình ảnh về cây cổ thụ được đăng tải lại không nằm trong phạm vi của dự án; bình luận về đánh giá tác động môi trường không đúng với quy định của pháp luật; bình luận về diện tích rừng, chất lượng rừng chưa đúng với hiện trạng, có tính kích động, gây tâm lý bất an trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan”, ông Nguyễn Phương Tuấn nói.
Thời gian tới, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai hoạt động giám sát hằng năm theo quy định đối với dự án. Trước mắt là tiếp tục theo dõi sát thông tin về vấn đề này để triển khai một số hoạt động cụ thể. Trong đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư, thực hiện dự án; chỉ đạo các bộ, UBND tỉnh Bình Thuận nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để sớm hoàn thành dự án; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án (nếu có).
“UBND tỉnh Bình Thuận cần yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh về việc đăng tải thông tin về việc “phá rừng” để thực hiện dự án, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin không đúng sự thật”, ông Nguyễn Phương Tuấn đề nghị.
Xung quanh dự án Hồ chứa nước Ka Pét được dư luận quan tâm, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, khi xảy ra sự việc, ông đang có mặt tại tỉnh Bình Thuận để kiểm tra kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo ông, cử tri, nhân dân Bình Thuận rất đồng tình với chủ trương làm dự án này và rất bức xúc khi thông tin bị đưa sai, nhất là về khái niệm “phá rừng”.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư hơn 585 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt cho người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Dự án có quy mô đầu tư: hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích 47,41 triệu m3 cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 693,31ha, trong đó diện tích có rừng là 680,41ha, gồm: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng 162,55ha; rừng phòng hộ 0,91ha; rừng sản xuất là 471,09ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85ha. Ngoài ra, còn có 12,9ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2024.
Hoàng Hạnh/theo tapchidongnama.vn