Chẳng ai thấy lạ hay sốc khi có tin bắt được một ô tô chở toàn thịt thối, mỡ bẩn. Lâu dần thành quen, người Việt đã quá chai sạn với những thông tin như vậy. Phải chăng chúng ta đang quá mềm tay với nạn “khủng bố” thực phẩm?
Nỗi ám ảnh thực phẩm không đạt chất lượng
Hiện nay, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp còn tồn dư trong thực phẩm.
Cơ quan chức năng đang thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc.Ảnh Internet
Trên “chiến trường” thực phẩm, dường như người tiêu dùng đang hoang mang với chính sự lựa chọn của mình. Ăn uống để nạp năng lượng, duy trì sự sống hàng ngày nhưng đó lại chính là cái bẫy tai họa đáng sợ nhất. Rau quả phun thuốc sâu hay thuốc kích thích, lợn nuôi bằng thức ăn có tăng trọng… không còn là hiếm gặp. Thực phẩm bẩn đang có mặt ở khắp nơi, “trèo” lên bàn ăn của mọi gia đình. Từ rau củ đến thịt cá, từ bữa sáng đến bữa đêm… nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn lúc nào cũng rình rập từng mạng sống trong các gia đình.
Thực phẩm bẩn có sức càn quét và mức độ ảnh hưởng còn nguy hiểm hơn cả thiên tai vì bị giăng bẫy khắp nơi và bất cứ lúc nào. Cứ vài tuần có khi vài ngày, lực lượng chức năng lại phát hiện thấy những chiếc xe khách chở hàng tấn nội tạng, thịt “bẩn”, bimbim không rõ nguồn gốc hay những loại thuốc kích thích tăng trưởng “độc hại”, thuốc ép chín trái….
Cần mạnh tay với nạn khủng bố thực phẩm
Thực phẩm bẩn mang lại hậu quả nguy hiểm hơn cả nạn khủng bố. Với hàng loạt chất độc hại được đưa ra thị trường thực phẩm, không chỉ một người mà là cả một xã hội sẽ phải hứng chịu. Không khó để tìm đọc các tin về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Từ hoa quả ngâm hóa chất cho đến cách hô biến thịt ôi thành thịt tươi.
Tình cờ tôi đọc tin tức một tờ báo rằng có một tổ chức khủng bố đã và đang làm một việc “động trời” – làm giả kem Tràng Tiền ở Nghệ An. Tất cả nguyên vật liệu đều không có nguồn gốc, xuất xứ. Điều đáng nói là chủ cơ sở sản xuất đã thực hiện “công cuộc” đầu độc này trong suốt 5 năm.
Tương tự, một “kẻ khủng bố” khác bị bắt vì sản xuất nước mắm giả. Đằng sau mặt nạ nước mắm đặc sản là cả một công nghệ hô biến với nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Không chỉ dừng lại ở kem hay nước mắm giả, các thông tin về mỡ bẩn, thịt thối, hoa quả nhiễm độc đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng. Dần dần, người Việt Nam đã quá chai sạn với những thông tin như vậy. Dã tâm hơn, khi những thực phẩm này lại được đưa vào các trường học để cung cấp các bữa ăn cho các em học sinh từ tuổi mẫu giáo đến trung học phổ thông – những thế hệ tương lai của đất nước sử dụng.
Những vụ đầu độc thực phẩm mà hậu quả của nó đã được phơi bày như tương ớt dùng phẩm màu công nghiệp Sudan, cốm có chứa phẩm màu malachite green, bún chứa tinopal, formol. Nhưng còn nhiều lắm những vụ ‘khủng bố” vẫn đang tiếp tục tồn tại và ngày càng lan rộng như nước mắm giả dùng phẩm màu, kem Tràng Tiền và các loại kem khác bị làm giả… những kẻ khủng bố vẫn tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ngay cả truyền thông cũng đang “mềm tay” với nạn “khủng bố” thực phẩm. Các bài báo chỉ dừng lại ở việc đưa thông tin và tiếp tục điều tra nhưng hàng tháng sau không hề đưa thêm thông tin gì. Thông tin không rõ ràng, không đủ bằng chứng hay cơ sở khoa học khiến người dân hoang mang cực độ.
Việc sử dụng phẩm màu và các chất phụ gia có khả năng gây ung thư có hậu quả tương đương, thậm chí nguy hiểm hơn việc giết người hàng loạt bằng vũ khí hạt nhân. Nếu khó có thể kể hết những vụ khủng bố trên thế giới thì việc gọi tên những vụ đầu độc thực phẩm là ngoài sức tưởng tượng của con người.
Công nghệ thực phẩm ngày càng phát triển, những “kẻ khủng bố” này ngày đêm vẫn tìm cách chế tạo ra các loại bom kinh khủng, nguy hiểm hơn và tinh vi hơn. An toàn thực phẩm từ lâu đã gióng lên một hồi chuông báo động về tính nhức nhối và nguy cấp của nó. Và những hậu quả đó không chỉ ảnh hưởng tới một người, một thế hệ mà cả cộng đồng xã hội và các thế hệ về sau.
Lê Huy
Theo TCĐNA