Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã được Bộ GD-ĐT công bố trước khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 diễn ra. Những điểm mới trong cách thức tổ chức, giảm môn thi, cấu trúc ra đề, thay đổi thang điểm thi… sẽ tác động lớn tới xã hội, đặc biệt là với học sinh.
Đứng ở góc độ là người nghiên cứu về giáo dục, nhà giáo và nhiều năm giảng dạy, quản lý ở bậc THPT, Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD-ĐT cần chốt Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy để người dân và học sinh biết rõ trước để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Năm 2015, sẽ có nhiều cụm thi để thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia chọn lựa (ảnh minh họa)
Không nên để thí sinh đến địa điểm thi xa hơn 50 km
Về việc chọn cụm thi tỉnh và liên tỉnh, nếu Bộ GD-ĐT đưa ra phương án 2 tỉnh mới có 1 cụm thi thì học sinh sẽ phải đi xa vì ở nhiều địa phương đường sá đi lại rất khó khăn. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh không phả đi xa và đỡ tốn kém, mỗi địa phương nên có 1 cụm thi hoặc Bộ GD-ĐT nên cân nhắc thí sinh ở địa phương khác nhưng lại ở gần cụm thi ở một tỉnh giáp danh thì để cho thí sinh đó được đăng ký dự thi ở đó.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, thí sinh phải mất 4 ngày để dự thi chưa kể thời gian đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác, tìm nhà trọ… nên khi tổ chức cụm thi, Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét không nên để thí sinh đi xa hơn 50km mới tới được địa điểm thi.
Về việc dự định cộng điểm khuyến khích môn Ngoại ngữ, Tin học cho học sinh, Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét kỹ lại vì hiện nay bằng giả Ngoại ngữ, Tin học rất nhiều, khó kiểm soát.
Điểm mới trong Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Thang điểm 20 được áp dụng cho cả 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Theo PGS Văn Như Cương, Bộ GD-ĐT vẫn nên duy trì thang điểm 10 và chấm chi tiết đến 1/8 vì cách thức này dễ chấm và không bị nhầm lẫn.
Không nên bỏ xếp loại học sinh tốt nghiệp THPT theo năng lực
Mọi năm, Bộ GD-ĐT vẫn xếp loại tốt nghiệp THPT theo năng lực cho học sinh theo: Giỏi, Khá, Trung bình. Tuy nhiên, nếu năm 2015, Bộ bỏ quy chế này, chỉ công nhận tốt nghiệp THPT và cấp bằng cho thí sinh nếu thi đỗ còn nếu thi trượt sẽ không được cấp thì sẽ dẫn đến sự cào bằng chất lượng học tập của thí sinh.
PGS Văn Như Cương
Chỉ vì lý do giảm áp lực học hành, thi cử cho học sinh mà Bộ dự định áp dụng quy chế bỏ xếp loại học sinh tốt nghiệp THPT như cách thức nhận xét hoàn thành hoặc không hoàn thành đối với đánh giá học sinh Tiểu học thì sẽ không tạo được động lực học tập toàn diện các môn học cho học sinh THPT.
Cấp THPT rất quan trọng, là tiền đề quan trọng để học sinh xác định năng lực, ưu thế chọn ngành nghề trong tương lai. Nếu bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT theo năng lực thì rất có thể ngay từ năm đầu bước vào cấp học này, học sinh sẽ lơ là việc học tập, không có động lực học các môn mình không yêu thích để đạt được ngưỡng tối thiểu nào đó.
Điều này sẽ không thể đánh giá được năng lực toàn diện của các em hoặc làm “thui chột” ý chí phấn đấu của những học sinh có tư duy tốt, chăm chỉ muốn phấn đấu học tập toàn diện các môn học để được đánh giá, xếp loại Giỏi.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, một trong những yếu tố quan trọng đánh giá chất lượng học tập của thí sinh là đề thi. Cấu trúc của đề thi gồm nhiều câu, trong đó có cả câu dễ và câu khó. Tuy nhiên, khi ra đề thi, Bộ GD-ĐT cần xem xét cách ra đề trong chương trình nâng cao và không nâng cao để thí sinh không học chương trình nâng cao vẫn có thể làm được bài tập, câu hỏi nâng cao.
Khi thí sinh làm bài thi xong, việc chấm thi cũng rất quan trọng nên Hội đồng chấm thi ở các địa phương, trường THPT và ĐH, CĐ nên chọn những người có năng lực và phẩm chất tốt để chấm thi khách quan, chính xác và an toàn.
Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ được lấy làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, trong thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ GD-ĐT cũng nên tính toán đến việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển thí sinh “đầu vào” bằng cách quy định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ như nếu các trường tuyển vượt chỉ tiêu vài phần trăm cũng có thể chấp nhận được. Nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ bị kỷ luật.