Báo cáo tài chính Quý II/2014 sau soát xét của CTCP Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán: MSN) gây bất ngờ khi đại gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng này bị lỗ tới 44 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, , trong khi cùng kỳ lãi thuần 301 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng, lợi nhuận thuần của ngành hàng tiêu dùng trong kỳ tăng cao nhờ sự tăng doanh thu và cải thiện lợi nhuận biên và sự tăng cao của EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay, khấu hao và phân bổ) trong cả ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên.
Theo văn bản giải trình kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của Masan, Tập đoàn cho biết trong 6 tháng đầu năm, MSN phải gánh các khoản chi phí tăng lên đáng kể.
Cụ thể, chi phí tài chính thuần (sau khi trừ doanh thu tài chính) tăng do MSN giữ lại số dư tiền mặt hơn 5.000 tỷ đồng đảm bảo sự linh hoạt trong các thương vụ M&A (mua bán – sáp nhập) tiềm năng và các hoạt động đầu tư khác.
Chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong ngành hàng tài nguyên do mỏ Núi Pháo đi vào hoạt động (chi phí lãi vay được tính vào chi phí tài chính khi dự án đi vào hoạt động, trước đó được vốn hóa chi phí).
Một nguyên nhân lỗ nữa là do chi phí đột biến liên quan của giai đoạn hoạt động ban đầu trong ngành hàng tài nguyên.
Theo Masan, trong nhiều năm qua, công ty đã thực hiện một số thương vụ mua lại doanh nghiệp và đã phát sinh lợi thế thương mại được phân bổ theo thời gian, nhưng chi phí phân bổ này không được chia cho cổ đông thiểu số. Kết quả của các mảng kinh doanh mới, sau một thời gian đầu tư phát triển mở rộng và ra mắt sản phẩm mới đã bắt đầu thể hiện trong doanh thu của Tập đoàn và lợi nhuận cũng sẽ tăng theo khi các mảng kinh doanh này phát triển.
Các thương vụ M&A của Masan phải kể đến việc mua lại Vinacafe, Proconco, Masan Resources, nước khoáng Vĩnh Hảo, và mới đây là Bia Phú Yên – thông qua việc mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH MTV LamKa – đơn vị đang nắm 99,99% cổ phần của CTCP Bia và Nước giải khát Phú Yên.
Tuy nhiên, vấn đề cổ tức của công ty luôn là vấn đề nóng được đem ra bàn luận trong các kỳ Đại hội cổ đông khi Tập đoàn có mức vốn đầu tư lên tới gần 14.300 tỷ đồng lại “găm” cổ tức đến 5 năm. Từ khi Tập đoàn niêm yết đến nay, cổ đông Tập đoàn không được nhận 1 đồng cổ phiếu.