Sự cố vỡ đê hồ thải quặng của nhà máy Bauxite Tân Rai. Ảnh TTXVN – Ảnh do nhà máy cung cấp
Sự cố sạt lở đê phụ xảy ra tại hồ thải quặng đuôi số 5, đê này thuộc tổ hợp bauxite Lâm Đồng, hay còn gọi là bauxite Tân Rai. TTO đưa tin, theo tính toán của công ty, tổng lượng nước tràn và thoát ra khỏi hồ thải quặng khoảng 20.000m3.
Trong buổi hợp báo nhanh chiều 8/10, sự cố vỡ đê phụ hồ thải quặng bauxite đã được khắc phục vào trưa 8/10. TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Quang Thuyết, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Nhôm Lâm Đồng (đơn vị quản lý dự án Bauxite-Nhôm Tân Rai), khẳng định, hồ bị vỡ đê dùng để rửa đất lẫn trong quặng bauxite sau khi khai thác, chuẩn bị đưa quặng vào sản xuất alumin, vật liệu trong lòng hồ là bùn đất do rửa quặng thải ra.
Khi đê phụ bị vỡ chủ yếu chỉ có phần nước mặt trong hồ chảy ra, phần bùn rửa quặng đã lắng xuống và nước trong hồ không có hóa chất, không gây độc hại, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định, nước trong hồ thải quặng tràn ra không có hóa chất, không gây độc hại về môi trường, không gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Bùn trong hồ thải quặng đuôi là bùn đất đỏ từ rửa quặng, không phải là bùn đỏ có hóa chất độc hại.
Trong phiên họp quý III của Vinacomin chiều 8/10, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cũng khẳng định, vụ sạt lở đê và tràn nước, bùn xảy ra tại Nhà máy tuyển rửa quặng nguyên khai chứ không phải tại hồ chứa bùn đỏ của Nhà máy luyện Alumin Lâm Đồng.
Dantri dẫn lời ông Biên cho biết, trong Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng có 3 khu vực, một là khu vực khai thác bauxite, hai là khu vực nhà máy tuyển quặng nguyên khai ra tinh quặng, và ba là khu vực diễn ra công đoạn đưa tinh quặng vào nhà máy luyện ra Alumin. Hồ thải đuôi quặng số 5 nằm trong Khu khai thác mỏ của tổ hợp, cách Nhà máy Alumin khoảng 4km và nằm xa khu dân cư.
Ông Biên cũng khẳng định trước báo giới rằng, loại nước bị tràn ra không chứa hóa chất độc hại, độ pH trung tính (xấp xỉ 7), không ảnh hưởng để môi trường, môi sinh, sinh thái của hồ Cai Bảng. Vì đây là nước rửa quặng nên có chứa một phần bùn đất, nhưng hoàn toàn không phải là “bùn đỏ”.
Đồ họa hồ chứa bùn đỏ tại Tân Rai: TTO
Sự cố vỡ đê phụ hồ thải quặng bauxite xảy ra vào lúc 3h15 phút ngày 8/10, lúc này công nhân đi kiểm tra phát hiện trên mặt đê phụ (cao 1,5m) của hồ thải quặng đuôi số 5 có hiện tượng sạt lở do mưa lớn. Đến 3h30 phút, mặt đê phụ bắt đầu sạt lở chiều dài khoảng 5m, chiều cao khoảng 1m. Sau khi được công nhân báo cáo, lãnh đạo công ty đã điều động thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố, đến 4 giờ 15 phút đã gia cố xong đoạn đê phụ bị sạt lở.
TTO đưa tin, theo tính toán của công ty, tổng lượng nước, bùn tràn và thoát ra khỏi hồ thải quặng khoảng 20.000m3. Còn số liệu Dantri đưa ra là 9.000m3.
Theo Dân Trí, lượng nước này chảy xuống mặt đường nội bộ dẫn vào Nhà máy tuyển quặng của tổ hợp và chảy một phần xuống hồ Cai Bảng. Hồ Cai Bảng do Vinacomin xây dựng và quản lý (nằm trong tổ hợp), chủ yếu để cấp nước cho Nhà máy tuyển và Nhà máy Alumin của tổ hợp.
Hồ thải quặng đuôi số 5 là nơi chứa bùn đỏ và nước sau khi lắng rửa quặng bauxite tại Xí nghiệp mỏ tuyển bauxite Tân Rai. Toàn bộ diện tích hồ là 18ha, dung tích chứa tại hồ là 1,7 triệu m3 gồm cả nước và bùn màu đỏ (dung tích thiết kế hơn 2 triệu m3).
Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và thiết bị, chủ yếu chỉ có phần nước mặt trong hồ bị thoát ra. Hiện Vinacomin đã chỉ đạo Công ty Nhôm Lâm Đồng tập trung xử lý sự cố, gia cố toàn bộ tuyến đê phụ của hồ thải đuôi quặng số 5 để đảm bảo an toàn tối đa cho hồ.
Sau khi khắc phục xong sự cố, hồ thải quặng đuôi số 5 có thể sẽ đóng cửa trước một tháng so với dự kiến. Toàn bộ lượng nước và bùn đỏ sẽ được thải sang hồ số 6 đang được xây dựng.