Một thời thịnh vượng
Được thành lập vào năm 1470, nghề gốm Phước Tích đã có bề dày hơn 500 năm tuổi, từng là vật phẩm tiến vua, từng nuôi sống bao thế hệ người dân ở ngôi làng nhỏ bé này.
Gốm Phước tích một thời thịnh vượng
Gốm Phước Tích từng là một “đặc sản” nổi tiếng khắp miền Trung. Không chỉ sản xuất dưới các dạng đồ gia dụng như: chậu, om, niêu, ấm, tộ, bình vôi, chum , ghè, thạp, thống,…gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo một thời, đến nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.
Thời hoàng kim của nghề gắn chặt với thời điểm vua Gia Long mới lên ngôi vào năm 1802. Khi ấy, trong làng có đến 12 cái lò sấp, lò ngửa chẳng bao giờ tắt lửa. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Dưới sông, trên bờ tấp nập tàu thuyền đưa gốm của làng đến tận Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn,…
Đôi tay của người thợ Phước Tích cho ra đời nhiều sản phẩm từ hàng trăm năm nay có mặt trong mọi gia đình Huế dưới dạng các đồ đựng như: lu, hông, hũ,…; các đồ nấu như: om, siêu, nồi,…; dụng cụ sinh hoạt khác như: bình vôi, bình hoa, dĩa dầu chuồng,…; hay chiếc oa ngự dụng (om ngự) dùng trong buổi ngự thiện của nhà vua. Tất cả những sản phẩm đó là niềm kiêu hãnh của người dân xứ gốm này.
Đất sét – chất liệu chính để làm nên gốm Phước Tích được khai thác ở vùng Diên Khánh (Quảng Trị), thường được người thợ làm gốm gọi bằng cái tên khác là kẻ, được chia thành nhiều loại: kẻ tốt, kẻ màu,…
Trong quy trình sản xuất gốm, kẻ tốt được dùng để sản xuất những sản phẩm có thành mỏng, hình khối lớn; kẻ màu dùng làm những đồ vật không yêu cầu về ngoại hình.
Gốm Phước Tích trước nguy cơ mai một
Sức sống của làng gốm mạnh mẽ là thế nhưng năm 1967, nghề gốm Phước Tích đã “tắt lửa” vì điều kiện chiến tranh và nhiều lí do khách quan khác. Sau ngày đất nước giải phóng, nghề gốm được khôi phục và phát triển, tuy nhiên đã không còn giữ được sự thịnh vượng như thời hoàng kim.
Gốm Phước tích trước nguy cơ mai một
Năm 1979, Phước Tích đã cử người đi học nghề ở làng Hương Canh (Hà Nội) để kịp thời đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường. Vào năm 1983, người dân trong làng cũng đã vào học nghề ở Lái Thiêu (Bình Dương) để làm theo công nghệ mới, sản phẩm đổ rót bằng khuôn, đốt bằng ga (thay cho cách đốt củi truyền thống).
Làng gốm Phước Tích được vương quốc Bỉ đầu tư kinh phí xây dựng lại lò cổ truyền (đốt bằng củi) vào năm 2010 và cử người đi học nghề khắp ngoài Bắc trong Nam để nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Năm 2015, làng đã tổ chức khóa đào tạo làm gốm gồm 15 học viên. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu là quảng diễn cho khách thăm quan, trải nghiệm, còn hoạt động sản xuất, kinh doanh thì đang “tắt dần”.
Hiện nay, sức sống của làng gốm chủ yếu tồn tại trong kí ức của người già. Muốn khôi phục lại nghề thì thiếu nguồn nhân lực vì đa phần thanh niên trong làng đi làm ăn xa, không còn mấy người mặn mà với nghề truyền thống của làng.
Làng Phước Tích bây giờ chỉ còn một người có khả năng xây được lò cổ truyền (đốt bằng củi) và đốt lò là ông Lê Trọng Diễn, năm nay đã 70 tuổi.
Lò cổ truyền (đốt bằng củi) hiện chỉ duy nhất có ở nhà ông Lê Trọng Diễn
Ông Diễn bộc bạch: “Ở làng Phước Tích này, gốm là “hồn”, là “cốt” của làng. Nếu mất gốm có nghĩa là Phước Tích không còn. Với ý nghĩa đó, tôi sẽ cố hết sức trong điều kiện có thể để lưu giữ “hồn cổ” Phước Tích xưa”.
Ông đã dành một gian trong ngôi nhà của ông để trưng bày những sản phẩm gốm Phước Tích.
Năm 2012, tổ chức Jaica (Nhật Bản) đã đầu tư kinh phí cho ông đóng tủ kính gương dày, hệ thống đèn led, đèn chiếu sáng hiện đại, do đó mà sản phẩm được trưng bày, sắp xếp khoa học, hợp lí hơn.
Trước nguy cơ nghề gốm sẽ bị mai một, ông Diễn đã không ngừng suy nghĩ, đặt câu hỏi làm thế nào để bảo tồn, lưu giữ, phát huy sản phẩm gốm cho con cháu muôn đời sau.
Ông Diễn (bên phải) trăn trở với nghề
Qua những trăn trở đó của ông Diễn, PV đã có buổi trao đổi với ông Trần Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyên cho biết, hiện nay gốm xưa đã bị mai một, chỉ còn lại một số sản phẩm nhưng chất lượng gốm cũng giảm đi rất nhiều. Trong làng hiện tại có anh Lương Xuân Hiền còn làm gốm nhưng cũng chỉ sản xuất được những sản phẩm nhỏ, còn để sản xuất được những sản phẩm như thời thịnh vượng thì không có. UBND xã đã cử người đi học tại làng gốm Bát Tràng, nhưng chỉ sản xuất gốm vào dịp diễn ra Festival.
Ông Lê Văn Nguyên (người giữa) hiện nay gốm xưa đã bị mai một
Về phương hướng bảo tồn nghề gốm, ông cho biết, cuối năm 2015 xã đã phối hợp với huyện mở một lớp đào tạo về nghề làm gốm. Trong thời gian vừa qua, xã cũng đã phối hợp với huyện cho vay vốn để phát triển nghề gốm nhưng đầu ra vẫn chưa được bảo đảm, thêm vào đó lại thiếu nguồn nhân lực để phát triển nghề nên gốm Phước Tích vẫn chưa được khôi phục.
Việc giữ gìn và phát huy nghề làm gốm truyền thống của Phước Tích là một quá trình lâu dài cần sự chung tay, quyết tâm của những người trong làng, nhất là những người có tâm huyết với nghề, mong muốn khôi phục lại một làng gốm Phước Tích thịnh vượng thời xưa.
Thanh Thanh – Thùy Nhung