Seatimes – (ĐNA).
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hành trình phục hồi và lan tỏa giá trị của áo dài truyền thống, đặc biệt là áo dài ngũ thân và các loại cổ phục, đã trở thành một dòng chảy bền bỉ và đầy cảm hứng tại Cố đô Huế. Không chỉ dừng lại ở những chủ trương chính sách từ chính quyền, sự nghiệp này còn được thắp lên và giữ lửa bởi rất nhiều tấm lòng say mê, tận tụy của cộng đồng, từ nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, giáo viên, nghệ sĩ, tiểu thương cho đến học sinh. Tất cả cùng hội tụ, đồng hành với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Huế để xây dựng hình ảnh “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” một cách sống động và đầy bản sắc.

Chung tay vì một biểu tượng văn hóa
Là mảnh đất từng là thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của triều Tây Sơn, triều Nguyễn kéo dài gần 4 thế kỷ (1558-1945), Huế sở hữu kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đồ sộ và phong phú. Trong đó, áo dài ngũ thân, loại trang phục từng là quốc phục dưới thời các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, đang được đặc biệt quan tâm phục hồi và phát huy giá trị. Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã không ngừng phát động nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa áo dài trở lại đời sống đương đại, không chỉ như một di sản cần bảo tồn mà còn là một thực hành văn hóa sống động, hiện hữu trong đời sống hàng ngày.
Đồng hành trong hành trình này, không thể không nhắc đến sự đóng góp bền bỉ, tâm huyết của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp tiêu biểu như Hội Áo dài Huế, Hội May mặc Huế, đội ngũ tiểu thương chợ Đông Ba… Những người phụ nữ buôn bán nơi chợ sớm hôm đã tự hào khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống như một cách gìn giữ nét đẹp văn hóa và góp phần lan tỏa hình ảnh Huế thân thiện, duyên dáng trong mắt du khách.

Trường học: nơi gieo mầm tình yêu áo dài
Một trong những điểm sáng trong phong trào mặc áo dài truyền thống tại Huế chính là các cơ sở giáo dục. Trong đó, tiêu biểu và tiên phong là Trường Tiểu học Quang Trung, ngôi trường nằm giữa lòng thành phố Huế, nơi đã kiên trì vận động phụ huynh, nhà tài trợ để may gần 1.500 bộ áo dài ngũ thân cho gần như toàn bộ học sinh. Hình ảnh những em nhỏ nô nức trong chiếc áo dài truyền thống với màu xanh, màu hồng để tham gia các lễ chào cờ, sự kiện cộng đồng không chỉ gây xúc động mạnh mẽ mà còn khẳng định một cách rõ ràng: tình yêu văn hóa có thể được nuôi dưỡng từ những điều gần gũi, giản dị nhất.
Bên cạnh đó, các Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường PTTH Hai Bà Trưng, Trường THCS Chu Văn An và nhiều trường học khác trên địa bàn cũng đã tích cực tổ chức các hoạt động để quảng bá, tôn vinh áo dài truyền thống, lồng ghép nội dung tìm hiểu di sản trong chương trình học, tạo nên không gian giáo dục mang đậm tính bản sắc văn hóa dân tộc.

Những cá nhân tâm huyết – những ngọn lửa không bao giờ tắt
Bên cạnh các tổ chức, sự nghiệp phục hưng áo dài và cổ phục Huế còn được nâng đỡ bởi những cá nhân luôn sống hết mình vì văn hóa dân tộc.
Nhà thiết kế Quang Hòa, nghệ nhân của những bộ ngũ thân chuẩn mực, đã dành tâm huyết nghiên cứu, phục dựng và giới thiệu rộng rãi cổ phục đến công chúng. Chị Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh SH) với chuỗi hoạt động truyền thông độc lập và các bộ ảnh áo dài mang đậm dấu ấn Huế đã tạo nên hiệu ứng sâu rộng trên mạng xã hội. Các nhà thiết kế như Đoan Trang, Viết Bảo, Nguyên Trang, Hạnh Mai… cũng luôn sát cánh cùng các sự kiện lớn nhỏ do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức.

Những gương mặt trí thức và nghệ sĩ như GS.TS Thái Kim Lan, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nhiếp ảnh gia Bảo Minh, cô giáo Phan Thị Ngọc Quỳnh, cô Trương Thị Tường Vy… đều đã góp tiếng nói mạnh mẽ trong công cuộc phục hồi và quảng bá áo dài. Đặc biệt, GS.TS.BS Bùi Duy Tâm, một Việt kiều Mỹ đã bước qua tuổi chín mươi, tuy sống xa Tổ quốc nhưng luôn đau đáu với văn hóa Việt. Ông đã tích cực truyền cảm hứng, động viên và hỗ trợ nhiều hoạt động tôn vinh quốc phục, khẳng định rằng dù ở nơi đâu, trái tim vẫn hướng về cội nguồn.
Cũng không thể không nhắc đến nhà thiết kế – Hoa hậu Lan Vy, người nổi tiếng với các chương trình “Áo dài Show” quy mô và sáng tạo. Chị đã cùng Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức những đêm diễn áo dài quy tụ nhiều NTK, nghệ sĩ, truyền thông cả nước – góp phần nâng tầm vị thế áo dài Huế trên bản đồ thời trang di sản.

Từ Tuần lễ áo dài cộng đồng đến hành trình xây dựng thương hiệu
Một trong những dấu ấn đậm nét trong hành trình này là Tuần lễ Áo dài cộng đồng, sự kiện được tổ chức định kỳ hằng năm tại Huế với sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo người dân, học sinh, tiểu thương và các văn nghệ sĩ. Đây không chỉ là một hoạt động văn hóa – thời trang, mà còn là dịp để cộng đồng thể hiện tình yêu quê hương, gắn kết thế hệ, tôn vinh những giá trị truyền thống qua hình thức sinh động và đầy cảm xúc.
Các tổ chức, cá nhân tâm huyết như đã nêu ở trên luôn hăng hái tham gia các hoạt động do Sở Văn hóa và Thể thao phát động. Họ không chỉ góp sức tổ chức, quảng bá mà còn tạo ra những ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, đưa áo dài trở lại như một phần đời sống hàng ngày, một biểu tượng tinh thần, một khẳng định bản sắc Việt giữa thời đại toàn cầu hóa.

Kết nối truyền thống với hiện đại, lan tỏa từ Huế ra thế giới
Hành trình phục hưng quốc phục tại Huế những năm qua là minh chứng sinh động cho sức mạnh cộng đồng và tầm ảnh hưởng của văn hóa khi được nuôi dưỡng bằng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và sự dẫn dắt đúng hướng của cơ quan chuyên môn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa và Thể thao với các nhà thiết kế, nhà giáo, tiểu thương, nghệ sĩ… không chỉ khôi phục một loại hình trang phục truyền thống, mà còn góp phần làm sống lại tinh thần dân tộc trong từng đường kim mũi chỉ.
Huế, với chiều sâu văn hóa và tinh thần cố đô, đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm di sản, kinh đô áo dài của Việt Nam, không bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể, gắn liền với trái tim và bàn tay của những con người yêu Huế, yêu văn hóa Việt một cách sâu sắc và bền bỉ./.

Nguyễn Sơn