Năm 2020 là một năm đầy đầy thách thức với ASEAN và Việt Nam trên cương vị Chủ tịch. Làn sóng đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới và nỗ lực mở cửa trở lại, từng bước phục hồi. Môi trường chiến lược phức tạp bởi sự cạnh tranh Mỹ – Trung và những diễn biến nhanh chóng, khó đoán định ở khu vực và trên thế giới buộc cả cộng đồng và Việt Nam phải chuyển mình linh động. Năm 2020 cũng đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của Cộng đồng Asean với chủ đề Asean 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” .
Dịch COVID-19 đã khiến mọi hoạt động trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam bị ảnh hưởng và hầu hết phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Với hình thức này, năm 2020 vẫn tiến hành đầy đủ các hội nghị cấp cao, hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và hội nghị ASEAN với các đối tác lớn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, kết thúc năm Chủ tịch của Việt Nam, với hơn 20 hoạt động cấp cao, thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện, cao nhất từ trước đến nay. Cùng điểm qua những sự kiện nổi bật của Asean trong năm 2020.
1. Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN đầu tiên trong năm ASEAN 2020
Vào ngày 16/01/2020, quan chức cao cấp (SOM) các nước ASEAN đã nhóm họp tại Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN đầu tiên trong năm 2020. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN, đã chủ trì cuộc họp.
Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN đầu tiên trong năm 2020 (Ảnh: baoquocte)
Hội nghị đã chuẩn bị các bước tốt nhất cho Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra từ ngày 16-17/1 tại Nha Trang. Bên cạnh đó, các nước cũng trao đổi thêm về kết quả triển khai các quyết định của Lãnh đạo từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 (Thái Lan, 11/2019) đến nay, quan hệ đối ngoại và các vấn đề quốc tế cũng như trong khu vực.
2. Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR)
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) diễn ra ngày 17/01/2020 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Theo dự kiến, trong năm Chủ tịch ASEAN 220, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị và các hoạt động khác nhau.
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là đối với Cộng đồng các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang tập trung khởi động quá trình xây dựng cộng đồng và chính sách đối ngoại, cũng như giải quyết những công việc chung của ASEAN trong năm này. Cụ thể, Hội nghị là cơ hội để các Bộ trưởng cùng ngồi lại, thảo luận quyết định định hướng chương trình công tác của cả năm ASEAN.
Toàn cảnh cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN. (Ảnh: TTX VN)
3. Ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, sau khi tham vấn các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14/2/2020, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tổ chức phiên họp ngày 20/2/2020 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các đối tác ứng phó với dịch bệnh.
4. Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19
Ngày 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nguy hiểm đang lan tràn khắp khu vực và toàn cầu. Tất cả các quốc gia cũng đang phải nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội, đời sống của mọi người dân thành viên ASEAN. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, Asean cũng Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3; phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh..
5. Hội nghị Quan chức Kinh tế ASEAN lần thứ hai năm 2020 (SEOM 2/51)
Hội nghị Quan chức Kinh tế ASEAN lần thứ hai năm 2020 (SEOM 2/51) được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến trong các ngày 27-28/04/2020.
Hội nghị đã thông qua 14 dự thảo quan trọng – Ảnh: Bộ Công thương
Trong bối cảnh dịch COVID-19, mặc dù được tổ chức trực tuyến gây khó khăn nhất định, tuy nhiên Hội nghị vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là việc thảo luận hướng triển khai chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo tại Cấp cao ASEAN và Cấp cao ASEAN + 3 đặc biệt về ứng phó dịch Covid-19. Theo đó, Hội nghị đã trao đổi về các dự thảo kế hoạch hành động cụ thể trong khuôn khổ nội khối ASEAN, giữa ASEAN – Nhật Bản, cũng như Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN – Trung Quốc và giữa ASEAN với cả 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm duy trì chuỗi cung ứng khu vực, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.
6. Hội nghị Điều phối Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN lần thứ 15 (15th SOC-COM)
Ngày 17/06/2020, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị Điều phối Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN lần thứ 15 (15th SOC-COM) nhằm thảo luận về các ưu tiên, sáng kiến của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) năm 2020 để chuẩn bị cho Hội nghị quan chức phụ trách ASCC (SOCA) lần thứ 28 và Hội nghị Hội đồng ASCC lần thứ 23 sẽ diễn ra vào ngày 22-23/6/2020.
7. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào ngày 26/6/2020 là Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đã trao đổi về các biện pháp xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết, tăng cường tương trợ lẫn nhau, trước các thách thức khu vực và quốc tế đặc biệt là dịch COVID-19. Hội nghị nhằm kiểm điểm tiến trình hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiến độ triển khai sáng kiến phòng chống và phục hồi sau COVID-19, chuẩn bị cho Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng- Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay.
8. Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41)
Từ ngày 8 – 10/9/2020, lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA và đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đại hội đồng đã nhất trí cao thông qua Bản thông cáo chung ghi nhận và đánh giá toàn diện kết quả Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phụ nữ và thanh niên. Trong đó, điểm nhấn của Đại hội đồng AIPA 41 là việc tăng cường sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thành lập cơ chế mới trong AIPA đó là Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA. Điều này thể hiện một xu thế tích cực, đồng thời nâng cao nhận thức của các Nghị viện AIPA về vai trò của nghị sĩ trẻ đối với các vấn đề khu vực.
Các đại biểu tại phiên khai mạc AIPA 41 ở Trung tâm Hội nghị quốc tế, TP Hà Nội – Ảnh: Quang Hiếu
Hội nghị AIPA 41 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 và định hướng phát triển sau năm 2025, ứng phó hiệu quả với những biến động phức tạp của môi trường quốc tế, khu vực và các thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.
Mặc dù được tổ chức trực tuyến, nhưng tham dự Đại hội đồng AIPA 41 có tới 30 nghị viện thành viên và các tổ chức quốc tế với gần 400 đại biểu, trong đó có 230 đại biểu là đại biểu Quốc hội/Nghị sĩ các nước.
9. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53)
Diễn ra vào 9 – 12/09/2020 Đây là hội nghị đầu tiên trong loạt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hàng năm của ASEAN và giữa ASEAN với đối tác, một trong những sự kiện chính trong năm ASEAN 2020.
Tại các hội nghị, ASEAN và các đối tác đã xem xét và thông qua 42 văn kiện quan trọng; các nước nhất trí với nhiều sáng kiến, đề xuất của Việt Nam, như Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường hợp tác kinh tế và ổn định tài chính, Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS)…. Chú ý nhất là Thông cáo chung của Hội nghị AMM 53, Kế hoạch Hành động Hà Nội II của Diễn đàn khu vực ASEAN.
Trong khuôn khổ AMM 53, đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Liên hiệp châu Âu (EU) và ASEAN – Ấn Ðộ. Đẩy mạnh triển khai triển khai Kế hoạch hành động ASEAN – EU giai đoạn 2018 – 2022; hoàn tất Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU (CATA). Các bên sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả về kinh tế, thương mại, kết nối, giao thông, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển, y tế…
10. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra thành công theo hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11 là hoạt động quan trọng nhất khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Có 20 hoạt động ở cấp cao, trong đó có các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc, Australia và cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-NewZeland. Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản và Mekong-Hàn Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc – Ảnh: Báo Nhandan
Đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị, 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand) ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được coi là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm đã đạt được bước tiến mới trong việc hợp tác, tự do hóa thương mại.
Hội nghị cũng đã thông qua hơn 80 văn kiện. Đây là số văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN). Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức nổi lên; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo EAS kỷ niệm 15 năm hình thành Cấp cao Đông Á và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.
Với ASEAN, năm 2020 là “năm bản lề” để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN, đồng thời với một sứ mệnh quốc tế quan trọng khác: Đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Năm 2020 đã năm ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong cộng đồng ASEAN với một nhiệm kỳ chủ tịch thành công. Mặc dù, năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách nhưng sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN vẫn tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức.
PV (Tổng hợp)
Theo TCĐNA