Quy định về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; sử dụng tài sản công; thi hành án pháp nhân thương mại… là những chính sách mới, sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2020.
Ảnh minh họa
|
Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông
Nghị định 42/2020/NĐ-CP về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6.
Theo đó, khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các loại chất dễ cháy, nổ đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên. Ngoài ra, người (tham gia giao thông hoặc hành khách), và phương tiện đang thực hiện vận chuyển các loại hàng hóa này cũng không được đồng thời vận chuyển trên cùng một chuyến phà.
Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp theo mẫu quy định và bao gồm các nội dung về: Tên, địa chỉ, thông tin liên hệ của đơn vị được cấp phép, thông tin người đại diện theo pháp luật; loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm; lịch trình vận chuyển; thông tin về phương tiện, người điều khiển.
Thời hạn của giấy phép cấp theo từng chuyến hàng hoặc từng thời kỳ, tùy thuộc vào đề nghị của đơn vị vận chuyển nhưng tối đa là 24 tháng và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
4 loại tài sản không được kê biên cưỡng chế thi hành án thương mại
Theo Nghị định 44/2020/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 1/6/2020, các loại tài sản không được kê biên khi cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại bao gồm:
Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức;
Số thuốc phục vụ phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Phạt đến 20 triệu đồng nếu tự ý cho thuê ô tô công
Thông tư số 29/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 2/6/2020.
Khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.
Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng.
Bãi bỏ nhiều văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 28/2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2/6/2020.
Cụ thể, Thông tư đã bãi bỏ một số văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như:
Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa.
Thông tư số 99/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Thông tư số 121/2011/TT-BTC hướng dẫn một số điều về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013…
Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/4/2020. Theo nghị định này, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.
Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công… Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.
Bãi bỏ một số văn bản do bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư 1/2020 của Bộ Nội vụ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6.
Theo đó, một số văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành sẽ bị bãi bỏ.
Cụ thể là Thông tư số 01/2011 hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, Thông tư số 07/2012 hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan.
Thông tư số 01/2019 quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức cũng nằm trong danh sách văn bản bị bãi bỏ.
Không tuyển sinh trung cấp sư phạm
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, có hiệu lực từ ngày 22/6/2020.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư này chính là việc không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm.
Nguyên nhân của quy định trên là do, theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tối thiểu phải từ cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non.
Do vậy, để triển khai quy định này, Quy chế đã ghi nhận từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng trở lên với ngành giáo dục mầm non.
Văn Sinh
Theo KTĐT