Khi hàng triệu người nườm nượp đổ về quê, các gia đình bận rộn với việc lên kế hoạch sẽ đi du lịch ở đâu, ăn và chơi những gì trong dịp nghỉ lễ 2/8… thì họ – những công nhân xây dựng vẫn đang phải “bán” từng giọt mồ hôi ngoài công trường để kiếm miếng cơm.
Công trường với đủ thứ tiếng ồn: tiếng rầm rầm của máy trộn bê tông, tiếng xè xè của máy cắt, tiếng lình kình của những chiếc cần trục cao hàng trăm mét đang cẩu đống cốt pha lên tầng trên cùng,… Hàng trăm con người đang phơi lưng giữa Hà Nội để làm việc. Họ không có ngày nghỉ.
“Nghỉ lễ hay không cũng thế”
“Ngày nào mà chả phải làm. 2/9 cũng vậy, 30/4, 1/5 cũng vậy, đều phải đi làm hết. Không làm thì lấy gì mà nuôi con ăn học chứ. Nghỉ là mất bát cơm của cả nhà chứ đâu phải đùa!”, người công nhân vừa buộc những sợi dây cáp vào đống cốt-pha để chiếc cần trục khổng lồ cẩu lên, vừa nói với tôi như vậy khi được hỏi về ngày nghỉ lễ 2/9.
Phải ngồi đợi gần 20 phút, tranh thủ chiếc cần trục đang tháo dỡ cốt-pha phía trên, tôi mới bắt chuyện được với người công nhân này. Anh là Thắng, 40 tuổi, quê ở Thanh Ba – Phú Thọ, xuống Hà Nội đi theo công trình đã được 5 năm nay.
Những người công nhân như anh Thắng luôn làm việc bất kể ngày lễ
Nước da ngăm đen, mái tóc tốt và rối như tổ quạ, mặt đầy nếp nhăn khiến anh Thắng nhìn già hơn cái tuổi rất nhiều. Anh tâm sự: “Ở nhà chỉ có hơn 2 sào ruộng, lại toàn là đất đồi núi, trồng cái gì cho đủ ăn được. Hai vợ chồng tôi quyết định xuống Hà Nội đi theo công trình làm phụ hồ, tuy vất vả nhưng còn có đồng ra đồng vào. Ruộng ở nhà cho người ta mượn hết, cả năm chỉ về 3-4 lần thôi”.
Anh xuống Hà Nội được 2 năm, sau đó vợ cũng xuống theo. Mỗi ngày công của anh được trả 200 nghìn đồng, còn chị là 140 nghìn. Hai vợ chồng làm lụng, tích cóp để nuôi 2 đứa, một đứa học đại học năm thứ 2, đứa còn lại năm nay lên lớp 10. Mỗi khi các con gọi điện xin tiền, anh lại ra bến xe để gửi tiền theo xe chứ không dám về vì sợ tốn kém.
“Vợ tôi bị tấm lưới sắt đè gãy chân nên đã về quê nghỉ, 3 tháng nay chưa khỏi. Còn một mình nên càng phải cày cuốc nhiều hơn. Tiền học của con, giờ thêm tiền thuốc của vợ”, anh Thắng ngậm ngùi.
Hàng ngày, công việc của anh bắt đầu lúc 6h sáng, kết thúc khoảng 6h tối. Từ khi vợ bị tai nạn lao động, anh làm thêm ca đêm, mỗi giờ tăng ca anh được trả 50 nghìn đồng.
“Thế nên đừng hỏi ngày nghỉ lễ với những người như chúng tôi, lễ hay không thì cũng vậy”, nói rồi anh Thắng quay lưng tiếp tục buộc những dây cáp vào đống cốt-pha đang chờ chiếc cần trục kéo lên.
“Nghĩ cũng tủi thân”
Ở công trường này còn có rất nhiều phụ nữ. Họ cũng phải làm những công việc đòi hỏi tốn nhiều sức lực: vác giàn giáo, kéo xe gạch, xe bê tông, trộn vữa…
Vén chiếc áo lao động đã ướt sũng mồ hôi lau mặt, tranh thủ uống cốc nước, chị Hải nói: “Tối qua con bé ở nhà gọi điện hỏi mùng 2/9 mẹ có về không. Nhưng đành bảo với nó là mẹ không về được, nó khóc mãi, phải dỗ khi nào về mua búp bê nó mới chịu”.
Chị Hải năm nay 35 tuổi, quê ở Phủ Lý – Hà Nam, mới lên đi theo công trình được gần nửa năm. 2/9 năm nay là ngày nghỉ lễ đầu tiên chị không được ở cùng con gái.
“Nhìn gia đình người ta thi nhau về quê, đi chơi ở đây ở đó nhân dịp lễ Quốc Khánh. Vậy mà mình vẫn phải làm quần quật, không được nghỉ. Nghĩ cũng thấy tủi thân, nhưng biết làm sao được, nghèo thì phải chịu thôi. Miễn sao con cái ở nhà ngoan ngoãn, khỏe mạnh là tốt rồi”, chị Hải nói.
Phần lớn công nhân tại các công trường xây dựng phải làm việc cả tuần. Cũng dễ hiểu bởi họ được trả tiền tính theo ngày công, nghỉ ngày nào là mất tiền ngày đó. Tuy chủ thầu không bắt buộc nhưng họ đều chấp nhận làm việc cả tuần.
Tiền công ít ỏi, chi phí giữa chốn thành thị lại đắt đỏ, những người công nhân phải tiết kiệm hết mức có thể. Những công trường rộng rãi, thời gian xây dựng dài ngày thì chủ thầu sẽ dựng lán tạm cho công nhân sống, tiết kiệm được khoản tiền cho phòng ở. Nếu không, họ phải đi thuê trọ bên ngoài, cuộc sống lại càng khó khăn hơn vì thêm một khoản chi tiêu lớn.
Hiện nay, do thì trường bất động sản chưa khởi sắc, tình trạng các khu biệt thự bị bỏ hoang, chưa có người tới ở ngày càng nhiều. Nhiều chủ thầu đã tận dụng thuê lại những căn biệt thự đó để cho công nhân sinh sống. Mỗi căn gồm 3 tầng, mỗi tầng có khoảng 10 công nhân ở cùng nhau. Những người công nhân được ở như vậy cảm thấy khá thoải mái vì không cần phải lo khoản tiền thuê trọ, làm được đồng nào là có đồng ấy.
Phút giải trí của những công nhân trẻ
Nói chuyện với một đội công nhân còn khá trẻ, khi được hỏi về ngày nghỉ lễ 2/9, những khuôn mặt đen nhánh vì phơi nắng chỉ cười xuề: “Thực ra thì vẫn được nghỉ, nhưng bọn em không về vì cũng chỉ được nghỉ ngày 2/9. Về một hôm thì tốn kém lắm, đợi bao giờ có dịp nghỉ lâu thì về. Ở lại làm thêm một ngày kiếm thêm được ít tiền gửi về nhà”.
Một cậu công nhân trẻ nói: “Nếu được đi học, chắc hôm nay em cũng được nghỉ lễ 2/9 rồi!”. Cậu chừng 16-17 tuổi, gầy và rất đen.