“…Trong một năm, chúng tôi chỉ có 3 lần nghỉ: 4 ngày Tết, giỗ bố mẹ hoặc có ai ở nhà bị ốm nặng, hoặc khi nào mình bị ốm liệt giường…,” lời kể thật thà đầy chua xót của chị Nguyệt khi được hỏi về ngày nghỉ lễ 2/9.
“Ngày lễ không phải dành cho chúng tôi”
Nằm dưới gầm cầu Long Biên là “khu ổ chuột” của những người lao động nghèo ngoại tỉnh. Người ta vẫn quen gọi đây là “xóm ngụ cư”, “xóm liều”. Xóm liều có tới hàng trăm con người chen chúc nhau. Đa phần họ là phụ nữ, đến từ nhiều nơi. Thanh Hóa có, Nam Định có, Nghệ An có, Thái Bình cũng có… Công việc hàng ngày của họ là bán hoa quả và gánh hàng thuê ở khu chợ đầu mối Long Biên.
Con đường dẫn vào “xóm liều” ấy ngày nắng cũng như ngày mưa, lúc nào cũng nhầy nhụa bùn và bốc mùi nồng nặc của hoa quả thối.
Xóm trọ nằm ngay sát cống nước thải từ trung tâm đổ ra sông Hồng, thành thử lúc nào cũng có một mùi khó chịu rất đặc trưng. Chỉ cách vài chục mét kia thôi là một Hà Nội sầm uất, nhộn nhịp, inh ỏi tiếng còi xe. Nhưng ở đây, tại xóm trọ này lại yên ắng đến bất ngờ.
“Những người đi vắng là họ đang ra ngoài chợ bán hoa quả rồi, 7-8h tối mới về. Những người ở nhà là chuyên đi gánh, kéo hàng thuê, đêm chúng tôi mới đi làm”, một người phụ nữ nói vọng từ trong phòng khi thấy tôi thắc mắc.
Mỗi căn phòng chỉ rộng chừng 8-10m2, đồ đạc lỉnh kỉnh, lúc nào cũng ẩm thấp và hôi hám.
Chị Nguyệt, 40 tuổi, quê ở Nam Định, cùng chồng lên Hà Nội làm lao động tự do đã được 6 năm nay, 2 đứa con nhỏ gửi ở nhà cho bà nội nuôi. Chồng chị ban ngày làm xe ôm, tối đi kéo hàng thuê. Chị cũng chuyên gánh hàng thuê ở chợ hoa quả Long Biên.
“Dịp nghỉ lễ 2/9 vợ chồng chị có về quê không?”, tôi hỏi. “Chú hỏi thừa rồi. Trong một năm, chúng tôi chỉ có 3 lần nghỉ: 4 ngày Tết, giỗ bố mẹ hoặc có ai ở nhà bị ốm nặng, hoặc khi nào ốm liệt giường không thể đi làm; những ngày lễ như thế này không dành cho chúng tôi. Ngày lễ chỉ dành cho công nhân viên chức và những người khá giả thôi”.
Chị Nguyệt chia sẻ, mỗi ngày làm việc hết công suất, vợ chồng chị kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, trừ chi phí sinh hoạt cũng dư ra được 200 nghìn. Tiền tích cóp được đều gửi về quê cho bà nội nuôi hai đứa con. Chính vì vậy, ngoài những lúc bắt buộc, vợ chồng chị rất ít khi về quê, vì về ngày nào là mất miếng cơm của 5 miệng ăn ngày đó.
“Khu ổ chuột” giữa Thủ đô
Gọi đây là “khu ổ chuột” cũng không quá ngoa. Chỉ trong diện tích chừng 500m2 mà có tới hàng ba, bốn chục căn phòng trọ. Mỗi phòng rộng chừng 8-10m2, cao hơn đầu người một chút. Trong những con ngõ rộng chưa đầy 1m, tranh tối tranh sáng là hai dãy gồm hơn 10 phòng trọ như vậy. Mái nhà được lợp bằng Fibro ximăng, chỗ nào thủng thì vá bằng những tấm gỗ ép nhặt ngoài chợ, nhiều chỗ tường nhà còn được dựng bằng phên nứa, bìa carton… Trong phòng lúc nào cũng ẩm thấp và thiếu ánh sáng.
Phòng chật, mỗi khi nấu nướng, họ phải nhấc chiếc bếp than tổ ong ra trước cửa để giảm sự ngột ngạt.
Tuy phải ở trong những căn phòng tồi tàn, nhưng cái giá mà họ phải trả để có được chỗ ngả lưng này lại không hề “tồi tàn” chút nào. Hàng tháng, tiền phòng một triệu, tiền điện: 4.000 đồng/số (KWh), tiền nước: 40.000/người. Để tiết kiệm chi phí, họ thường ở ghép 2-3 người/phòng, mặc dù vô cùng chật chội và mất vệ sinh.
Bà Đào Thị Bé, 55 tuổi, quê ở Hưng Yên tâm sự, sau khi chồng mất cách đây ba năm, bà lên xóm trọ này mưu sinh. Hiện bà đang ở chung với 2 đứa cháu cùng quê, cả hai đều đi bán hoa quả. “Ở đây vừa chật, vừa bẩn, nước dùng là nước giếng khoan chứ đâu được nước máy, mỗi khi xả phải lấy chậu để đựng sẵn. Nhưng vẫn phải cố chịu thôi, không có tiền biết làm sao được”, bà Bé than thở.
Nói về phòng trọ, bà Bé bảo rằng, phòng ở đây nóng như cái lò bát quái. Ngày cũng như đêm, tối om như nhau. Mọi người phải nhặt chăn cũ, bao tải, thùng xốp ở ngoài chợ vứt lên mái nhà cho đỡ nóng. Mấy hôm nay trời lại mưa to, nước chảy vào trong tận phòng, ngập hết đồ đạc, thậm chí mái nhà còn bị dột.
Khi được hỏi về ngày nghỉ lễ 2/9, bà Bé lặng lẽ: “Ở xóm này không có ngày nghỉ lễ. Chúng tôi là lao động tự do mà, nghỉ là mất bát cơm. Phải chắt chiu từng đồng, tiết kiệm hết mức mới có tiền nuôi con. Thằng con trai tôi đang học lớp 11, ngoan và học khá lắm, năm nào cũng được giấy khen. Nó là niềm hi vọng lớn nhất của tôi, khổ mấy cũng chịu được”, nét rạng rỡ hiện trên khuôn mặt cô Bé.
Những chiếc xe – cần câu cơm của họ được khóa cẩn thận phòng trộm cắp.
Gần trăm con người ở đây, họ chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong số những người không có ngày nghỉ lễ. Ngày Quốc tế lao động, ngày Quốc Khánh hay ngày Phụ nữ Việt Nam…, tất cả với họ đều giống như ngày bình thường. Chuyện nghỉ lễ đối với họ dường như quá xa vời và xa xỉ, khi mà họ còn phải lo đồng tiền, miếng cơm. Từng bữa một.