Người Việt thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên mới được vào chơi casino
Thông tư 102 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định về kinh doanh casino có hiệu lực từ 1/12.
Theo đó để tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino, người Việt Nam phải chứng minh được năng lực tài chính, như: Có giấy tờ chứng minh thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên trong vòng một năm trước khi vào chơi casino; chứng từ chứng minh thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
Doanh nghiệp kinh doanh casino được phép thí điểm cho người Việt Nam vào chơi có trách nhiệm lưu giữ các hồ sơ theo quy định trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày cho phép người Việt Nam vào chơi casino.
Thông tư này cũng quy định, doanh nghiệp kinh doanh casino phải mở sổ theo dõi hoặc cấp thẻ điện tử để kiểm soát tất cả các trường hợp ra, vào.
Kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế phải hạch toán riêng thu, chi, lợi nhuận
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 101/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Thông tư có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/12/2017.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế phải thực hiện hạch toán riêng các khoản doanh thu, chi phí và lợi nhuận liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược. Đồng thời phải theo dõi riêng các khoản mục này trên hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính.
Trường hợp các khoản doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược gắn với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp được thực hiện như sau:
Đối với doanh nghiệp kinh doanh đặt cược không hạch toán riêng được doanh thu từ hoạt động kinh doanh đặt cược với doanh thu từ hoạt động kinh doanh khác, thì toàn bộ khoản doanh thu không tách riêng được là doanh thu dùng để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh đặt cược.
Trường hợp các khoản chi phí vừa liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược vừa gắn với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp, phải thực hiện phân bổ các khoản chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu từ hoạt động kinh doanh đặt cược so với tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Thông tư cũng quy định, chi phí hoạt động kinh doanh đặt cược là toàn bộ chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh đặt cược được xác định theo quy định của pháp luật, trong đó một số khoản chi phí hoạt động kinh doanh đặt cược được quy định.
Cụ thể, chi phí trả thưởng là số tiền thực tế doanh nghiệp kinh doanh đặt cược trả cho người chơi trúng thưởng khi tham gia đặt cược theo quy định tại Thể lệ đặt cược và quy định của pháp luật về thuế.
Mức chi hoa hồng đại lý do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược quyết định và phải được quy định cụ thể tại Hợp đồng đại lý bán vé đặt cược ký kết giữa doanh nghiệp kinh doanh đặt cược và đại lý bán vé đặt cược.
Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược chỉ thanh toán tiền hoa hồng đại lý cho đại lý bán vé đặt cược sau khi đã hoàn tất việc xác nhận số lượng vé đặt cược đã tiêu thụ và đại lý bán vé đặt cược đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định trong Hợp đồng đại lý bán vé đặt cược đã ký kết.
Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp của các cá nhân làm đại lý bán vé đặt cược trước khi thanh toán tiền cho đại lý bán vé đặt cược theo quy định của pháp luật thuế.
Được ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư 33 để sửa đổi điểm c, khoản 1, điều 2 Thông tư 23/2014.
Thông tư 33 có hiệu lực từ 5/12, quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình… dòng tiếp theo ghi “cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Quy định lâu nay chỉ nêu hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “hộ ông” hoặc “hộ bà”, sau đó ghi tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ.
Theo tinh thần của Thông tư mới, sổ đỏ cấp trước ngày 5/12 cho hộ gia đình với tên một người đại diện vẫn có giá trị pháp lý. Do vậy, người dân không cần làm lại sổ đỏ mới.
Gia đình nào muốn thay đổi từ cách ghi tên một người thành tất cả các thành viên có chung quyền sở hữu đất đều được đáp ứng. Hộ dân chỉ cần cầm sổ đỏ ra văn phòng đăng ký đất đai sẽ được hướng dẫn các thủ tục.
Giảm mức thu phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
Thông tư 111 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 11/12, quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực đã bổ sung và điều chỉnh giảm mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (tính trên giá trị tài sản bán được) so với quy định hiện hành.
Cụ thể, tài sản có giá trị dưới 5 tỷ đồng: giảm từ 100.000 đồng xuống còn 90.000 đồng/trường hợp; Tài sản giá trị từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng: giảm từ 300.000 đồng xuống còn 270.000 đồng/trường hợp; Tài sản có giá trị trên 20 tỷ đồng: giảm từ 500.000 đồng xuống còn 450.000 đồng/trường hợp.
Mức thu phí công chứng hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư; hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê nhà ở; thuê, thuê lại tài sản,…tiếp tục duy trì theo quy định tại Thông tư 257.
Giảm một số mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm
Cũng có hiệu lực từ ngày 11/12, Thông tư 113 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 202 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.
Theo đó, một số mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển) sẽ được Bộ Tài Chính giảm so với mức thu hiện nay, cụ thể như sau: Hoạt động đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm chỉ còn là 30.000 đồng/hồ sơ (mức phí thu hiện tại là 70.000 đồng/hồ sơ).
Hoạt động cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm còn là 25.000 đồng/trường hợp (mức phí thu hiện tại là 30.000 đồng/trường hợp).
Xử lý cửa hàng xăng dầu nằm trong hành lang an toàn đường bộ
Thông tư Thông tư 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông và Vận tải quy định, các cửa hàng xăng dầu dọc tuyến quốc lộ đã xây dựng, tồn tại theo chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi có quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, được tiếp tục tồn tại nhưng địa phương phải hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định hoặc xoá bỏ trước ngày 31/12/2020.
Các cửa hàng xăng dầu xây dựng tự phát, đấu nối trái phép vào quốc lộ hoặc nằm trong hành lang an toàn đường bộ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tư này cũng quy định, đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước 1/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.
Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.
Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định.
Thông tư 35/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/12/2017.
PL