Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc xây dựng nghị định về thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư BT rất khó vì liên quan nhiều quy định pháp luật khác nhau dẫn tới phải tạm dừng thanh toán.
Ảnh minh họa |
Tạm dừng thanh toán chứ không phải dừng dự án
Trong buổi họp báo chuyên đề về xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT diễn ra tại TP. Hà Nội vào đầu tháng 10/2018, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính khẳng định, từ ngày 1/1/2018 các tỉnh thành trên cả nước sẽ dừng sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT chứ không phải là dừng dự án như một số tỉnh đang hiểu nhầm.
Ông Thịnh cho hay, Bộ Tài chính chỉ quản lý khâu thanh toán, còn liên quan tới các vấn đề khác của dự án như ký hợp đồng, thực hiện dự án… sẽ do các bên liên quan. Trong khi đó Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể ban hành do vướng nhiều khó khăn.
Ông Thịnh phân tích: “Luật quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Về nguyên tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Hiện tại, Chính phủ cũng đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng quy định chi tiết về việc sử dụng tài sản công. Với Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, ngay trong quá trình xây dựng luật, Bộ Tài chính đã có dự thảo. Tờ trình dự thảo đã được bộ này hoàn thiện chưa đến một tháng sau khi Thủ tướng có quyết định về danh mục phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết”.
Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan cũng rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Dự thảo cũng được Thủ tướng, Phó thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng đã lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ và đưa ra bàn thảo. Sau phiên họp, Chính phủ đã có Nghị quyết giao bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện nhiều nội dung cả về đầu tư, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này gặp nhiều khó khăn vì liên quan nhiều vấn đề, quy định pháp luật khác nhau như: đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát. “Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện Nghị định trước khi ban hành”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho hay kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 mà dự thảo Nghị định chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã biết sẽ xuất hiện khoảng trống pháp lý như hiện nay. Ngay từ tháng 1/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến về việc xử lý một số nội dung, trong đó có nội dung sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT. Chính phủ sẽ có chỉ đạo xử lý việc này.
“Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn và lưu ý bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Bởi khi chưa có quy định về thẩm quyền sử dụng tài sản công thanh toán. Nếu thanh toán rồi mà không đúng quy định thì xử lý rất khó khăn”, ông Thịnh cho biết thêm.
Địa phương mong đối thoại với Bộ Tài chính
Trên thực tế, việc luật đã có hiệu lực trong khi chưa có nghị định thi hành khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng các nhà đầu tư tham gia dự án BT sẽ gặp nhiều rủi ro. Đặc biệt là việc khó nhận được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT. Cùng với đó là việc chậm nhận được mặt bằng quỹ đất thanh toán đi kèm dự án nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan Nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhưng nếu không hoàn thiện đầy đủ hành lang pháp lý, các tỉnh không làm đúng quy định thì các hợp đồng BT sẽ tạo kẽ hở để cho nhiều doanh nghiệp chuộc lợi gây thất thoát tài sản nhà nước.
Mặc dù là nơi có nhiều sai phạm trong các dự án đầu tư BT đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhưng TP. Hà Nội vẫn cho rằng, đây là giải pháp phù hợp để phát triển kết cấu hạ tầng Thủ đô. Có nhiều cách để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó, đổi đất lấy đường có thể được xem là cách thức thuận lợi, ngắn, tiết kiệm nhất, nên Hà Nội lựa chọn.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc dừng thanh toán quỹ đất cho các dự án BT đang gây nhiều khó khăn cho Thành phố. “Hà Nội muốn được sớm giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án BT, dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư”, ông Toản nói.
Ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với các dự án BT, nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho thành phố để xác định giá trị quỹ đất thanh toán.
Sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND thành phố mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT. Sau khi thanh toán tương đương giá trị công trình BT, diện tích đất còn thừa (nếu có), thành phố sẽ thu hồi lại, thực hiện quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ. Như vậy, để triển khai các dự án này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công. Việc dừng giao đất đang gây những khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư trong công tác triển khai dự án.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. HCM cũng cho rằng, BT là một trong những kênh huy động nguồn lực xã hội để triển khai các dự án hạ tầng giao thông cho thành phố. Tuy nhiên, bài toán khó nhất với địa phương trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng – BT chính là làm thế nào để thực hiện thanh toán đất cho nhà đầu tư như hoạt động chuyển nhượng đất, đấu giá đất. Vấn đề này hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó địa phương không áp dụng được. Điều này đã làm ảnh hưởng đến các dự án thực hiện theo phương thức này.
Ngày 8/10/2018, ông Nguyễn Trần Quang – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình bày tỏ các lãnh đạo tỉnh nhà cũng đang nóng lòng có buổi làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề trên để được nghe Bộ hướng dẫn trong việc thanh toán vốn đầu tư tại các dự án BT.
Việc dừng lấy quỹ đất để đối ứng cho doanh nghiệp trong các dự án BT từ đầu năm 2018 đã khiến tỉnh Quảng Bình và doanh nghiệp bị lâm vào thế khó. Với những dự án đã ký kết với nhà đầu tư trước đó có điều khoản lấy quỹ đất để thanh toán bây giờ không biết phải làm thế nào? Nếu kéo dài tình trạng này sợ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Bình. Tại các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam… cũng đang ở trong tình cảnh tương tự nhưng chưa được làm việc với Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể.