Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – một nghệ sỹ nổi danh cả về tài năng và độ khó tính coi live- concert “Trăng Hát” mà ông giữ vai trò Giám đốc Âm nhạc là một “cuộc sát hạch” với Phạm Thùy Dung – một gương mặt triển vọng của dòng nhạc thính phòng ở Việt Nam hiện nay.
Trước thềm live-concert “Trăng Hát” của ca sĩ Phạm Thùy Dung diễn ra vào tối 29/9 tại Nhà hát Lớn, phóng viên có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng về câu chuyện “Trăng Hát” cũng như những kỳ vọng của anh về tương lai của dòng nhạc thính phòng ở Việt Nam.
Lý do gì đã thuyết phục được anh (một nhạc sĩ “khó tính,” thường “bắt tay” cộng tác với những ngôi sao đã khẳng định chỗ đứng) nhận lời làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert “Trăng Hát” của Phạm Thùy Dung – một ca sĩ còn khá trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Khi tôi nhận lời làm “Trăng Hát” cùng Phạm Thùy Dung, nhiều người cũng tò mò về lý do. Thực ra, tôi nghĩ, sự kết hợp này có lợi, là cơ hội tốt cho cả tôi và Phạm Thùy Dung.
Ở Việt Nam, rất hiếm có ca sĩ nhạc thính phòng làm live-concert với dàn nhạc giao hưởng đầy đủ như Phạm Thùy Dung. “Trăng Hát” mới là concert thứ ba làm được như vậy. Trước đó, nhạc Việt mới chỉ có “Mặt trời của tôi” của Đăng Dương và “Ánh trăng tình yêu” của Lan Anh. Còn phần lớn trong số đó chỉ làm liveshow với ban nhạc điện tử hay kết hợp với những ban nhạc của dòng nhạc nhẹ.
Những âm thanh của ban nhạc nhẹ không lột tả được vẻ đẹp của nhạc thính phòng, không khai thác được chất riêng của nhạc thính phòng. Đây là một thiệt thòi với các ca sĩ thính phòng Việt Nam.
Tuy nhiên, cần thấy rõ, Đăng Dương và Lan Anh đều là những nghệ sỹ có kinh nghiệm lâu năm trên sân khấu, có chỗ đứng vững chắc ở “làng nhạc,” tên tuổi được định vị rõ ràng trong lòng công chúng.
Ở chiều ngược lại, bắt tay cùng Phạm Thùy Dung làm “Trăng Hát” cũng là một cơ hội tốt. Bởi như đã nói, Việt Nam chưa có nhiều live-concert mà ở đó, ca sĩ hát cùng dàn nhạc giao hưởng đầy đủ để những nghệ sỹ sáng tác, chuyển soạn như tôi được “tung hoành ngang dọc.” Hơn nữa, dàn nhạc xuất hiện trong “Trăng Hát” lại là Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời khiến tôi cảm thấy rất thích thú bởi đây một dàn nhạc đẳng cấp châu lục với vị nhạc trưởng tài năng người Pháp Olivier Ochanine.
Vậy, trong quá trình làm việc, anh có cảm nhận thế nào về ca sĩ Phạm Thùy Dung?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Khi nghe Phạm Thùy Dung hát, tôi nhận thấy chất giọng của cô ấy có nhiều ưu điểm. Cô ấy được học hành, đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thậm chí, Phạm Thùy Dung đã từng có thời gian đi nước ngoài học thanh nhạc.
Hơn nữa, quá trình tiếp xúc, làm việc, tôi thấy Phạm Thùy Dung không chỉ có tố chất của một nghệ sỹ mà còn là một con người rất dũng cảm, có nội lực mạnh mẽ.
Phạm Thùy Dung khác nhiều ca sĩ ở dòng thính phòng. Cô ấy có khả năng vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để tới đích. Nói khác đi, Phạm Thùy Dung có những ưu điểm mà một nghệ sỹ đích thực cần có.
Anh định nghĩa thế nào là một nghệ sỹ đích thực?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Đó phải là người có tố chất nghệ thuật, cá tính ở bên trong. Họ xác định rõ ràng họ muốn làm gì, muốn trở thành gì, chứ không phó thác bản thân mình để người khác tô vẽ lên. Ngược lại, họ có ý đồ rõ ràng, khát khao muốn thể hiện, có âm nhạc bên trong muốn giãi bày. Những nhạc sĩ, người làm nhạc như chúng tôi chỉ là những người hỗ trợ để làm rõ ra ý tưởng của họ.
Có một thực tế khá buồn rằng, ở Việt Nam hiện nay, khá hiếm ca sĩ thính phòng có được điều đó. Họ thường nghĩ, những người khác hát thế nào thì mình hát như thế; người khác học ở đâu thì mình cũng đến đó học; người đi trước đã làm ra sao thì mình cũng làm như vậy. Họ không có khát khao rằng mình phải có dấu ấn riêng, sự khác biệt. Nguyên nhân cũng có thể là vì ở sâu thẳm bên trong, họ không có gì khác biệt, tạo thành nét riêng.
Tuy nhiên, Phạm Thùy Dung lại khác. Cô ấy biết rõ mình muốn gì, quyết tâm thục hiện điều đó dù cô ấy luôn rất khiêm tốn, cầu thị. Tôi đánh giá cao ưu điểm này của Phạm Thùy Dung.
Như anh có chia sẻ, Phạm Thùy Dung là người có khả năng vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để tới đích. Vậy, những khó khăn mà cô ấy đang phải đối mặt trong quá trình chuẩn bị “Trăng Hát” cụ thể là gì?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Việc thực hiện một concert nhạc thính phòng ở Việt Nam không hề đơn giản. Khó khăn, thử thách nhân lên gấp nhiều lần khi cô ấy dũng cảm hát cùng một dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ.
Hầu hết ca sĩ học ở trường ra đều chưa bao giờ hát với dàn nhạc giao hưởng. Kể cả những ngôi sao lớn như Đăng Dương, Lan Anh, mỗi năm cũng chỉ có vài lần hát cùng dàn nhạc giao hưởng. Vậy thì làm sao họ có kinh nghiệm làm việc với nhạc trưởng và dàn nhạc. Tôi đã từng ngồi dưới hàng ghế khán giả và chứng kiến không ít nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam gặp “tai nạn,” sự cố trên sân khấu khi hát cùng dàn nhạc. Bởi lẽ, họ không có kinh nghiệm, không hiểu được ngôn ngữ từ đôi tay của nhạc trưởng, không hiểu ý nhạc trưởng, không quen âm sắc của dàn nhạc.
Khi học hát một thầy một trò với nhau hoặc khi hát với piano, nếu ca sĩ có lỡ sai nhịp thì piano vẫn có thể lượn theo được, hay khi ca sĩ ngân thêm chút thì piano cũng kéo theo được. Thế nhưng, hát live với dàn nhạc thì không có chuyện đó. Hàng chục nhạc công nhìn theo bản nhạc, mình có hát sai thì họ vẫn đánh đúng theo nhạc. Vậy là lệch nhau, sự cố xảy ra!
Phạm Thùy Dung còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề nhưng đã dũng cảm đặt mình vào thử thách này – hát live cùng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với 60 nhạc công.
PV
Theo TCĐNA