Trong phiên xét xử ngày 18-12, Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản của Navibank và ACB của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM).
Thẩm vấn cho thấy các nhân viên của Navibank đã ký 18 hợp đồng (với số tiền 500 tỷ đồng) cho vay đối với Vietinbank. Trong 18 hợp đồng này đã tất toán được 12 hợp đồng với số tiền là 300 tỷ đồng.
6 hợp đồng còn lại (trị giá 200 tỷ đồng) do 4 nhân viên đứng tên gửi đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Navibank đề nghị Vietinbank phải bồi thường 200 tỷ đồng
Khi trả lời tòa, Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận đã trực tiếp trích chuyển các khoản tiền này từ các hợp đồng gửi tiền của nhân viên Navibank hoặc giả chữ ký của các nhân viên này để chuyển tiền từ hợp đồng tiền gửi sang thẻ tiết kiệm.
Sau đó, Như lấy thẻ tiết kiệm này đem thế chấp vay Vietinbank chi nhánh Đinh Tiên Hoàng.
Ai chủ trương cho nhân viên Navibank đem tiền đi gửi câu hỏi mà HĐXX, đại diện VKS đã đặt ra với đại diện ngân hàng Navibank nhưng vị đại diện này không trả lời được.
VKS: – Ai chủ trương gửi tiền?
Đại diện NaviBank: – Tôi không trả lời được.
VKS: công bố việc cho nhân viên gửi tiền là theo chủ trương của HĐQT Navibank.
VKS: – Việc Navibank cho nhân viên vay tiền có thực hiện được theo quy định của pháp luật không?
Đại diện NaviBank: – Tôi không đánh giá được sai hay đúng.
Nội dung của bản án sơ thẩm tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải trả 200 tỷ cho Navibank nhưng phía Navibank đã kháng cáo.
Theo người đại diện của Navibank thì người có nghĩa vụ trả tiền cho Navibank là Vietinbank chứ không phải Huyền Như.
Đại diện cho 4 nhân viên đứng tên gửi tiền vào Navibank cũng cho rằng họ làm hợp đồng gửi tiền với Vietinbank và ký với lãnh đạo ngân hàng này và họ không biết Huỳnh Thị Huyền Như là ai, không giao dịch với Huyền Như.
“Tôi thắc mắc là tại sao Như giả chữ ký của tôi mà các hợp đồng thế chấp vẫn được Vietinbank chi nhánh Đinh Tiên Hoàng chấp nhận”, đại diện của 4 nhân viên của Navibank nói tại tòa.
Ông Nguyễn Văn Sẽ không còn ở nơi cư trú
Thông tin này được HĐXX đưa ra trong phiên xét xử sáng 18-12.
Khi luật sư bảo vệ quyền và nghĩa vụ của Navibank có yêu cầu được thẩm vấn ông Nguyễn Văn Sẽ – nguyên giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM thì HĐXX cho biết đã có giấy triệu tập ông Sẽ đến tòa nhưng địa phương cho biết ông Sẽ đã rời khỏi địa phương, đi đâu không rõ.
Trước đó, trong ngày khai mạc phiên tòa, HĐXX cho biết sẽ triệu tập ông Sẽ đến tòa với tư cách nhân chứng, nếu ông Sẽ không chấp hành thì sẽ áp dụng các biện pháp triệu tập theo quy định của pháp luật.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần thẩm vấn và xét hỏi liên quan đến hành vi chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB.