Chưa giàu
Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2014 và Triển vọng Kinh tế 2015 của Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014, tổng quan tình hình kinh tế được kết luận: ''Bất ổn vĩ mô kéo dài, lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; nợ công tăng nhanh, từ mức 36,2% GDP năm 2008 đã lên đến 56% GDP năm 2013. Có thể nói kinh tế Việt Nam năm 2013 đã chạm đáy''.
Mới đây, tờ Economist đã cung cấp một số thống kê quan trọng về tình hình kinh tế Việt Nam trong Báo cáo Quốc gia năm 2014. Theo đó, thứ hạng của Việt Nam trên mặt bằng chung của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Á hiện rất thấp.
Với GDP/đầu người ở mức 1.900 USD/người/năm, thu nhập của người Việt đứng ở nửa dưới của khu vực ASEAN, và ở 1/3 cuối bảng xếp hạng châu Á.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 thấp hơn các quốc gia có thu nhập bình quân tương đồng như Lào, Campuchia hay Philippines, trong khi tăng trưởng CPI lại cao hơn hầu hết các quốc gia châu Á.
Đã già
Xét về nhân khẩu học, từ năm 2007, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn được gọi là cơ cấu dân số vàng. Theo định nghĩa của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), dân số vàng là giai đoạn dân số cứ có 2 người trong độ tuổi lao động mới có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Còn cơ cấu dân số già (còn gọi là già hóa dân số) được chia thành hai giai đoạn: khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% hoặc người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% thì gọi là dân số đang già. Còn khi tỷ lệ này lần lượt đạt 20% và 14% thì là giai đoạn dân số đã già.
Theo báo cáo về Vấn đề Thất nghiệp và Việc làm 2014 của TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học lao động và xã hội tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, tính đến 1/7/2014, dân số Việt Nam đạt 90,659 triệu người, tăng 1,04% so với cuối năm 2013. Thời kỳ 2010-2013, tốc độ tăng dân số đã xuống mức thấp, 1,05% một năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 928 ngàn người.
Trong gần 5 năm qua, dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam tăng mỗi năm 387 ngàn người, tốc độ tăng 4,43%/năm. Tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 9,4% lên 10,4% năm 2013 và 10,46% vào quí 2/2014. Số liệu này cho thấy Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Về nguồn nhân lực (dân số từ 15 tuổi trở lên) tính đến 1/7/2014 trên cả nước đạt 69,313 triệu người. So với mức tăng dân số, mức tăng nguồn nhân lực cao hơn, khoảng 992 ngàn người /năm (2010-2013), tốc độ tăng trung bình 1,48%/năm.
Dân số già hóa khiến tỷ trọng nhóm lao động trên 60 tuổi (nhóm già) cũng gia tăng, giai đoạn 2010-2014 tăng từ mức 6,1 % lên 8,2 %. Trong khi tỷ trọng nhân lực trong nhóm 15-24 tuổi (nhóm trẻ) đang giảm nhanh.
Năng suất thấp
Cũng theo báo cáo của ông Trương Đình Tuyển, vấn đề đáng lo ngại nữa nằm ở mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào sự gia tăng các yếu tố đầu vào và khai thác tài nguyên để xuất khẩu, trong khi năng suất lao động rất thấp. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2013 thì năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 4 lần, Malaysia 5 lần, Hàn Quốc 10 lần, Singapore 15 lần.
Đáng ngại hơn nữa, nhân tố tổng năng suất đóng góp vào tăng trưởng ngày càng giảm: Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2013, tăng trưởng TFP đạt khoảng 3,4%, giảm xuống 0% năm 2009 và 1,8% năm 2010, tiếp tục xuống dưới 1% năm 2012.
Oằn lưng gánh nợ
Là quốc gia mới thoát khỏi nhóm thu nhập thấp nhất thế giới chưa lâu, nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam lại có xu hướng tăng chậm lại. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công trên GDP chưa được cải thiện (quanh mức 56%), trong khi đầu tư lại ngày càng giảm sút, chỉ đạt 30,4 % so với GDP trong năm 2013.
Theo đồng hồ nợ công thế giới của Economist ngày 27/9/2014, nợ công Việt Nam ở mức 84 tỷ USD, tức là với dân số hơn 90 triệu dân, mỗi người Việt đang 'gánh' khoản nợ công lên đến 929,74 USD/người.
Kết
Việt Nam nằm ở nhóm có thu nhập thấp nhất nhưng lại có tỷ lệ dân số già cao hơn hẳn các nước trong nhóm thu nhập thấp, trong khi năng suất lao động lại rất thấp và đóng góp ngày càng ít trong tăng trưởng. Tỷ lệ nợ công cao không chỉ so với các nước trong nhóm mà thậm chí so với nhiều nước phát triển có thu nhập rất cao khác. Chính việc tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào làm tăng tổng cầu trong khi mô hình tăng trưởng kém hiệu quả không tạo ra nhiều nguồn cung mới, gây ra mất cân đối cung – cầu phải nhập siêu lớn, là nguyên nhân gây ra lạm phát và bất ổn vĩ mô những năm qua.