“Nếu không chứng minh được ông Chấn chính là hung thủ giết người và “chạy án” thì người tố cáo sẽ có dấu hiệu cấu thành tội Vu khống” – Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Công ty Luật TNHH Việt Kim nhận định.
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đã bất ngờ xuất hiện thêm tình tiết mới đó là bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, trú ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Song Mai, TP Bắc Giang) tự nhận là bạn của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan và cho rằng ông Chấn mới là hung thủ, còn Lý Nguyễn Chung vô tội.
Theo đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, bà Hà cho biết, năm 2003 có quen chị Hoan và cho rằng Lý Nguyễn Chung được thuê để chịu tội thay cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Bà Hà cũng đã gửi đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan để kiến nghị làm rõ việc Lý Nguyễn Chung có phải là hung thủ giết người hay không.
Bà Hà còn đề nghị các cơ quan báo chí lên tiếng để tạm hoãn việc chi trả 7,2 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về sau 10 năm tù oan trong nước mắt – Ảnh: NLĐ
Được biết, bà Hà mới đây đã trả lời báo chí rằng, bà chỉ nghe kể về việc có “chạy án” cho ông Chấn mà không hề có chứng cứ. Bên cạnh đó, bà Hà chỉ suy đoán ông Chấn giết người chứ chưa hề có chứng cứ chứng minh ông Chấn phạm tội…
Trước điều này, dư luận không khỏi băn khoăn rằng, có hay không việc ông Nguyễn Thanh Chấn giết người và được chạy án để thoát tội? Nếu kết quả điều tra cho thấy việc bà Nguyễn Thị Thu Hà tố cáo ông Chấn được chạy án để thoát tù là sai sự thật thì bà Hà có bị xử lý theo pháp luật không?
Để rộng đường dư luận, chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Công ty luật TNHH Việt Kim, Đoàn luật sư TP Hà Nội để làm rõ những tranh cãi xoay quanh vấn đề này.
Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh cho rằng: Theo quy định tại điều 9 Luật tố cáo năm 2011 thì mọi công dân đều có quyền tố cáo đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng tại quy định này thì cá nhân khi tố cáo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình.
Việc lợi dụng quyền này để tố cáo sai sự thật hoặc bịa đặt những điều không có mà tố cáo trước các cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của người bị tố cáo, thậm chí gây mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan thì tuỳ theo mức độ của việc tố cáo đó mà pháp luật có những quy định xử phạt khác nhau.
Cụ thể, trong vụ án Giết người mà Ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau 10 năm đi tù, khi hung thủ là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì ông Chấn mới được trả tự do. Đây là một trong những vụ đặc biệt nghiêm trọng được các cơ quan liên nghành, dư luận, truyền thông báo chí quan tâm.
Chính vì vậy nếu kết quả điều tra cho thấy việc bà Nguyễn Thị Thu Hà tố cáo ông Chấn được chạy án để thoát tù là sai sự thật thì có thể có dấu hiệu cấu thành của tội Vu khống theo quy định tại điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.
Việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại khoản 3 điều 25 luật tố cáo: “Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.”
Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh
Đồng thời, ngoài trách nhiệm hình sự thì việc bà Hà tố cáo sai sự thật đã ảnh hưởng đến thiệt hại tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín của gia đình ông Chấn thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 10 Luật tố cáo.
Về việc Bà Hà đề nghị các cơ quan báo chí lên tiếng để tạm hoãn việc chi trả 7,2 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư Đĩnh cho rằng, theo khoản 1 điều 4 Luật trách nhiệm Bồi thường của nhà nước quy định về quyền yêu cầu bồi thường như sau:
Điều 4. Quyền yêu cầu bồi thường:
Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này.
Đồng thời, theo Điều 7 Nguyên tắc giải quyết bồi thường thì việc giải quyết bồi thường phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Kịp thời, công khai, đúng pháp luật;
2. Được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ;
3. Được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Như vậy, sau khi có quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội thì cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bồi thường oan sai phải bồi thường kịp thời, công khai theo quy định của pháp luật.
Việc bà Hà đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn việc bồi thường không có căn cứ để xem xét bởi lẽ xét về phương diện đánh giá chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì chứng cứ mà bà Hà đưa ra không thuộc ba thuộc tính bao gồm: tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp để cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Thanh Trúc
Theo TCĐNA