Mối nguy hiểm ngay trên đầu người tham gia giao thông. Ảnh: Tuyến Phan
“Chết lúc nào không biết”
Sáng 6-11, vụ tai nạn trên đường Nguyễn Trãi (Hà Đông – Hà Nội) làm chết 1 người và bị thương 3 người. Nguyên nhân vụ việc được cơ quan chức năng xác nhận là do 3 thanh sắt của công trường thi công tuyển đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông bị rơi, nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường này tỏ ra lo lắng cho tính mạng của mình.
Chị Nguyễn Thị Nga (Quang Trung – Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi làm nhân viên bán hàng trên khu vực Cầu Giấy, ngày nào cũng đi qua đường Nguyễn Trãi để về nhà. Hôm qua nghe tin có người bị sắt đè chết mới giật mình sợ hãi, thật may lúc đó mình không đi qua khu vực tai nạn. Nhà tôi có một cháu nhỏ, gửi trên đường Khuất Duy Tiến, bây giờ tôi không dám đi đường Nguyễn Trãi nữa mà đi vòng ra Lê Văn Lương rồi ngược lại một đoạn. Tuy hơi xa nhưng đảm bảo tính mạng cho con”.
Biện pháp tìm cung đường khác để đi, tránh rủi ro tương tự như vụ tại nạn mới xảy ra được khá nhiều người lựa chọn. Họ sợ rằng, sau lần rơi sắt công trường này, biết đâu sẽ có lần thứ hai, thứ ba…
Anh Lê Quân (Ba La – Hà Đông – Hà Nội) cho hay: “Từ khi biết thông tin về vụ tai nạn ở khu vực đường Nguyễn Trãi, gia đình tôi rất lo lắng vì hàng ngày tôi đều đi qua đây để lên đường Khuất Duy Tiến làm việc. Lúc đi từ nhà, tôi thường dậy sớm hơn để vòng sang Lê Văn Lương rồi ra Khuất Duy Tiến, lúc về tôi vẫn đi vào Nguyễn Trãi, nhưng đi vào làn đường bên trong để tránh rủi ro”.
"Cần xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp vụ việc, đặc biệt là người đứng đầu của đơn vị đại diện chủ đầu tư nếu để xảy ra tai nạn do không thực hiện đúng quy định về tổ chức thi công", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Không chỉ những người thường xuyên tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi, một số người dân sinh sống và buôn bán trên tuyến đường này cũng vô cùng bất an về sự an toàn tính mạng.
Ông Tần, chủ một của hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi bức xúc: “Đúng là chết lúc nào không biết! Nhà tôi ở đây, buôn bán cũng ở đây, ngày nào cũng đi đi lại trên đường này dăm bảy lần. Lỡ lại có vài ba thanh sắt hoặc tảng bê tông gì đó rơi xuống trúng người, không biết sẽ có chuyện gì xảy ra”.
Những lo sợ về an toàn tính mạng không phải sau khi xảy ra vụ tai nạn mới có. Ngay từ trước đó, nhiều người đã e ngại về sự nguy hiểm từ công trường thi công đường sắt trên cao. Hình ảnh những trụ bê tông khổng lồ với chi chít giàn giáo, sắt thép, nhưng lại chỉ được bảo về bằng những tấm lưới mỏng khiến nhiều người không khỏi giật mình. Hay những trụ sắt cỡ lớn, thò ra thụt vào, ngay trên phía đầu cũng làm không ít người tham gia giao thông hãi hung
.
“Để xảy ra chết người là không thể chấp nhận”
Việc để xảy ra vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng tại công trường thi công, trách nhiệm hàng đầu thuộc về chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát và các đội ngũ liên quan.
Ông Đinh Văn Tài, chuyên gia tư vấn giám sát xây dựng cho một dự án lớn tại Hà Nội (đề nghị giấu tên Công ty) cho biết: “Về nguyên tắc, khi thi công cần phải đảm bảo cho người và thiết bị, trong đó, yếu tố con người là hàng đầu. Để xảy ra tai nạn như vụ việc vừa qua là do chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát yếu kém về nhận thức và năng lực”.
Theo ông Tài, việc thi công trên cao phải có biện pháp để không xảy ra nguy cơ tai nạn. Nguyên tắc của cẩu vật rơi là không có người đi phía dưới, nếu có thì phải xây dựng hệ thống mái đỡ. Bên cạnh đó, phải luôn có người làm hoa tiêu và người đứng cảnh báo, hướng dẫn người khác không đi vào khu vực nguy hiểm. “Việc để xảy ra tai nạn chết người là không thể chấp nhận được!”, ông Tài nói.
Không đảm bảo an toàn thi công sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đối với công nhân. Ảnh: Tuyến Phan
Trong thi công xây dựng, phải có 3 người kỹ sư, trong đó quan trọng nhất là kỹ sư giám sát thi công của nhà thầu, sau là kỹ sư giám sát của tư vấn giám sát, cuối cùng là kĩ sư quản lý của chủ đầu tư. Việc xảy ra tai nạn chết người là do chủ đầu tư và nhà thầu không lường trước được hết về những nguy cơ, đây là sự yếu kém về năng lực và nhận thức.
“Lỗi lớn nhất thuộc về chủ đầu tư khi không tuyển chọn được nhà thầu và tư vấn đủ năng lực. Cũng có thể coi đây là hành vi coi thường tính mạng con người”, ông Tài nói.
Một nguyên nhân khác dẫn đến vụ tai nạn thương tâm là do nhà thầu không thiết kế đúng hệ thống mái đỡ khi tiến hành cẩu vật rơi. Ông Tài cho hay: “Cá nhân tôi cũng đã trực tiếp đi qua khu vực thi công này, nhưng để ý thì thấy hệ thống mái đỡ của một số vị trí trên đoạn đường thi công chưa đảm bảo”.
Theo ông Tài, thông thường, khi tiến hành cẩu 1 vật trên cao, đơn vị thi công phải xây dựng hệ thống mái đỡ (có thể bằng thép hoặc gỗ, nhưng phải đảm bảo độ chắc chắn) nhằm tránh trường hợp vật rơi xuống, gây nguy hiểm cho người phía dưới. Việc đơn vị thi công tại tuyến đường sắt trên cao chỉ sử dụng hệ thống các khung sắt và lưới thưa là không đảm bảo an toàn.
Hệ thống mái đỡ đúng tiêu chuẩn sẽ tốn kém khoảng 3-5% tổng dự toán công trình. Ảnh: Tuyến Phan
Ông chia sẻ: “Là người đã tư vấn cho rất nhiều công trình xây dựng lớn, nếu để đảm bảo hệ thống mái đỡ đúng tiêu chuẩn sẽ rất tốn kém, thường thì chiếm khoảng 3-5% tổng dự toán. Chính vì sự tốn kém này mà nhiều nhà thầu đã trốn, không làm, hoặc chỉ làm qua loa”.
“Với những tấm lưới đó, chỉ cần 1 thanh sắt nhỏ cũng có thể đâm thủng rồi rơi xuống, huống chi là 3 thanh sắt như trong vụ tai nạn. Nếu đứng dưới góc độ cá nhân tôi, có thể gọi đây là hành vi ăn cắp biện pháp thi công”.
Được biết, ngay sau khi xảy ra tại nạn, Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định tạm dừng thi công toàn bộ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vì để xảy ra tai nạn khi đang thi công sáng nay khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại một số trụ ga, máy móc và công nhân của nhà thầu vẫn đang làm việc bận rộn. Khi thấy phóng viên chụp ảnh, một số công nhân đã đến tận nơi, tỏ vẻ đề phòng và yêu cầu đi chỗ khác.
Chắc chắn vi phạm trong thi công Trả lời TTO sáng 7-11, ông Đào Việt Thanh, Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Hà Nội khẳng định "chắc chắn có vi phạm trong thi công." “Mức độ vi phạm ra sao thì còn phải đợi quá trình điều tra. Ngay khi xảy ra tai nạn cả ngành công an và thanh tra lao động thành phố đều vào cuộc. Hôm qua Sở Lao động-Thương binh & Xã hội cũng đã cử lực lượng chuyên trách về an toàn lao động xuống công trường để cùng bên Công an điều tra tại hiện trường, và làm các công tác pháp y. Vì vậy, để xác định chính xác nguyên nhân gây tai nạn phải đợi kết quả điều tra do Công an Thành phố và Thanh tra Sở đang phối hợp làm” -ông Thanh, nói. |
Chú thích ảnh:
Anh 1: Nguyễn Trãi là tuyến đường luôn có mật độ người tham gia giao thông cao, chỉ cần xảy ra một vụ tai nạn tương tự thì hậu quả thật khó lường.
Anh 2+3: Nhiều vị trí chỉ được chắn bằng những tấm lưới mỏng, khiến nhiều người không khỏi lo sợ.
Anh 4: Khi phóng viên chụp ảnh, ngay lập tức có một vài công nhân đến yêu cầu đi chỗ khác. Trong ảnh là 1 công nhân đứng từ trên công trường nói xuống, yêu cầu phóng viên không được chụp ảnh.
Anh 5: Hình ảnh những dầm sắt cỡ lớn, thò ra thụt vào, ngay phía trên đầu làm không ít người giật mình.
Anh 6+7: Dù Bộ GTVT đã yêu cầu dừng thi công nhưng máy móc và công nhân tại một số trụ ga vẫn làm việc bận rộn. Trong ảnh là công nhân đang làm việc tại khu vực trụ ga ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.